Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhóm hàng thuỷ, hải sản đang trên đà phục hồi nhanh. Theo thống kê của tổng cục Hải quan, xuất khẩu thuỷ sản tuần đầu tháng 8.2009 đạt 27.240 tấn, kim ngạch đạt 93,54 triệu USD. Trong đó, tôm đông lạnh tiếp tục thay thế cá tra, basa để chiếm tỷ trọng cao nhất về kim ngạch. Bộ Công thương cũng đưa ra nhận định, tháng 8.2009 xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sẽ đạt mức trên 100.000 tấn và kim ngạch đạt trên 400 triệu USD.
Ước tính bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra, basa cả nước đạt 343.000 tấn với trị giá đạt 775,3 triệu USD, tăng 1,53% về lượng và 1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 7.2009 đã xuất khẩu được gần 75.000 tấn, là tháng có lượng xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến năm tháng cuối năm 2009, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa đạt khoảng 640 triệu USD, cả năm đạt 1,25 tỉ USD.
Xuất khẩu tôm đông lạnh cũng đang phục hồi khá tốt. Nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm được các doanh nghiệp ký với khối lượng lớn trong nửa cuối tháng 7.2009. Giá tôm nguyên liệu tuần đầu tháng 8.2009 tăng nhẹ. Theo trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp, các tháng cuối năm nay, là thời gian các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh tăng tốc nhờ nhu cầu ở nhiều thị trường tăng cao, giá mua cũng được cải thiện.
Nguồn tin tổng hợp từ các cơ quan thương vụ Việt Nam ở ngoài nước cũng cho rằng, ở một số thị trường lớn, nhu cầu một số mặt hàng thuỷ sản Việt Nam đang tăng khá (trừ EU). Mỹ, hàng năm, thường nhập khẩu nghêu với khối lượng rất lớn vào bảy tháng cuối năm, chiếm khoảng 65% tổng lượng nhập khẩu. Lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ đã bắt đầu tăng mạnh vào tháng 5 vừa qua – tăng 35% so với tháng 4.2009 và 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ được đánh giá vẫn ổn định và cá ngừ, cá rô phi được ưa chuộng hơn trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Nhập khẩu tôm đông lạnh vào thị trường Nhật Bản đã tăng lên. Riêng tháng 6, nước này nhập 15.736 tấn, tăng 18,2% so với tháng 5 và xu hướng vẫn tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng và lượng tồn kho đã giảm. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản thường ưu tiên nhập khẩu tôm có xuất xứ từ Indonesia và Việt Nam hơn tôm của Thái Lan do có mức giá thấp hơn. Mực ống cũng đang được các doanh nghiệp Nhật Bản tranh thủ nhập khẩu vào thời điểm này vì giá giảm do nguồn cung dồi dào. Tháng 6.2009 lượng nhập khẩu mực ống vào Nhật Bản đạt 3.369 tấn, tăng 22,3% so với tháng 6.2008.
Riêng với mặt hàng cá ngừ, theo đánh giá của bộ Công thương, từ giữa tháng 5 đến nay, giá cá ngừ nguyên liệu tại hầu hết các khu vực đánh bắt đều tăng do lo ngại những lệnh cấm đánh bắt trong thời gian tới sẽ tác động tới sản lượng khai thác. Giá cá ngừ đóng hộp tương đối thấp trong những tháng gần đây, tuy nhiên sẽ sớm tăng mạnh trong thời gian tới do giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ khá cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Bộ Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp tích cực chuẩn bị nguồn hàng để tranh thủ cơ hội xuất khẩu nghêu và cá ngừ vào Mỹ; tôm và mực ống vào Nhật Bản và một số ngách thị trường tại EU; tiếp tục điều chỉnh khâu bao tiêu, thu mua để đảm bảo nguồn thuỷ sản nguyên liệu cho xuất khẩu.
(Theo SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com