Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ưu tiên phát triển lợi thế

Nước giải khát các loại được coi là sản phẩm Việt Nam có năng lực cạnh tranh. - tinkinhte.com
Nước giải khát các loại được coi là sản phẩm Việt Nam có năng lực cạnh tranh. Ảnh: S.T
Hai loại ngành được đề xuất ưu tiên phát triển trong dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Ưu tiên lợi thế sẵn có

Loại thứ nhất là các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh; và loại thứ hai là các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển để xây dựng, phát triển bổ sung lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

Với các ngành, sản phẩm hiện tại có lợi thế cạnh tranh, các chuyên gia nghiên cứu lựa chọn trên cơ sở các ngành, sản phẩm có hiệu quả và tỷ trọng giá trị gia tăng, độ lan toả, độ nhạy cảm cao, tạo nhiều công ăn việc làm, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP và trong kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, trong nông nghiệp, các ngành được đề nghị gồm sản xuất và chế biến lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều và một số cây trồng khác, rau quả nhiệt đới, chăn nuôi lợn, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản, chế biến gỗ và hàng thủ công…

Trong công nghiệp, các ngành gồm lương thực, thực phẩm chế biến, nước giải khát các loại, may mặc, giày da và các sản phẩm da, vật liệu xây dựng các loại, cáp điện, các sản phẩm gia dụng, các loại sản phẩm nhựa, hoá dầu, máy tính, hàng điện tử và phụ kiện, đóng tàu và các phương tiện giao thông khác,...

Trong dịch vụ, dịch vụ thương mại, dịch vụ xây dựng, khách sạn, nhà hàng, du lịch, viễn thông, tài chính-ngân hàng, dịch vụ logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế, các loại dịch vụ sản xuất nông nghiệp được đề xuất.

Về loại ngành thứ hai là ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển để tạo lập và xây dựng năng lực cạnh tranh, danh mục ưu tiên gồm luyện kim; lọc dầu và hoá dầu; đóng tàu và các phương tiện vận tải khác; dịch vụ logistics; dịch vụ du lịch; bưu chính-viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin...

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, danh mục này được xác định trên tiêu chí chủ yếu là các sản phẩm hiện có của Việt Nam có lợi thế phát triển mà không đòi hỏi chi phí đầu tư quá lớn.

“Những ngành, sản phẩm công nghệ này cho dù xác định cho giai đoạn tới song cũng đảm bảo nguyên tắc không quá xa vời so với lợi thế cạnh tranh hiện nay. Đặc biệt, các sản phẩm này có tính tương tác và thúc đẩy các ngành khác có liên quan cùng phát triển trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Cung nói.

Yêu cầu thực hiện

Nhìn vào các danh mục đề xuất, có thể thấy rõ mục tiêu thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, chế biến gỗ và lâm sản khác… Đây chính là cơ sở cho nền kinh tế việc chuyển sang giai đoạn 2 của sự phát triển (giai đoạn phát triển dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả) mà Dự thảo đề án này hướng tới.

Tuy nhiên, tính khả thi hiện đang là vấn đề được quan tâm. Bởi sự thay đổi này sẽ theo hàng loạt những thay đổi về cơ chế, chính sách, các quan điểm thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực… Theo ông Cung, cách đi được đề xuất là tuần tự tiệm tiến, có nghĩa là vừa cải tiến trên nền sản phẩm hiện có, vừa tăng cường đổi mới công nghệ để chuyển bước lên ngành, sản phẩm có công nghệ cao hơn.

Về vấn đề này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách thương mại, cho rằng, cách lựa chọn mặt hàng thế mạnh dựa vào năng lực chủ thể là hợp lý, song việc xác định sản phẩm cần phải kỳ công hơn.

“Đơn cử như sản phẩm cà phê, phải nghiên cứu cà phê loại gì, nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trên thị trường là loại cà phê nào... Làm sao phải tiếp cận các nghiên cứu này, rồi mới xây dựng kế hoạch kinh doanh, trồng, chế biến, thị trường, công nghệ...”, ông Nam nói.

Hơn thế, về nguyên tắc, đây là việc của doanh nghiệp, nhưng khi đã xác định sản phẩm ưu tiên, sự ủng hộ của nhà nước cần phải được xác lập vì có thể để có được kết quả dài hạn, lợi nhuận giai đoạn đầu sẽ chưa thể tính tới. Bên cạnh đó, với chuyển dịch tăng tốc, đột phá, thì vai trò của nhà nước mang tính quyết định.

Ở đây, nhà nước không những xác định ngành ưu tiên, mà còn phải trực tiếp hoặc tham gia đầu tư dưới các hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sợ hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo các nhà đầu tư và các bên khác có liên quan cùng tham gia thực hiện chương trình tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên.

Việc xác định trách nhiệm cụ thể cũng được nhắc tới. Ông Nam cho rằng, mỗi bộ chỉ chọn một một ngành/sản phẩm nhưng bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng chương trình và hỗ trợ tài chính cho sản phẩm này. Như vậy, tình trạng phân tán, chia tách và thiếu phối hợp trong phát triển ngành sẽ có thể được khắc phục.

(Theo An Đông // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi