Các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông sản trên phạm vi cả nước đối với các công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến, chợ đầu mối thực phẩm nông sản.
Hiện nay, nhiều cơ sở chế biến, giết mổ gia súc vi phạm nghiêm trọng VSATTP |
Theo Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát VSATTP đối với thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.
Việc kiểm tra, giám sát này được áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc từ thực vật, động vật và không áp dụng đối với các cơ sở sản xuất không nhằm mục đích đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường.
Trong trường hợp phát hiện ô nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất vượt mức giới hạn tối đa cho phép, Cục quản lý chuyên ngành gửi văn bản cảnh báo đến cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản có mẫu vi phạm, yêu cầu cơ sở xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp, đồng thời gửi thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương phối hợp kiểm soát.
Trường hợp cơ sở có tái phạm về VSATTP, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản bị ô nhiễm hoặc có hàm lượng hóa chất quá mức cho phép. Cơ sở sản xuất phải khẩn trương tiến hành điều tra nguyên nhân, triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả.
Năm 2009 vừa qua là năm "nóng" về VSATTP ở mọi khâu từ chế biến, nhập khẩu và kinh doanh. Điển hình đã phát hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nhiều lò chế biến lòng, mỡ, bì bẩn; dùng hóa chất tẩy trắng bì lợn...; nhiều loại nước tinh khiết bị nhiễm bẩn... Trên thị trường vẫn tồn tại nhiều nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã sử dụng một số phụ gia không có trong danh mục của Bộ Y tế hoặc sử dụng sai quy trình như cháo dinh dưỡng sử dụng Natri Benzoat; hạt dưa dùng phẩm chứa Rhodamin B để nhuộm màu hoặc tiếp diễn tình trạng kinh doanh thực phẩm gian dối, nhiều loại thực phẩm từ Trung Quốc nhập về đã bị gắn mác Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ,...
Như vậy, Thông tư trên của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ góp phần chấn chỉnh lại hiện tượng mất ATVSTP đối với người tiêu dùng, đồng thời, quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan trực thuộc nhằm triển khai công tác xử lý cũng như thực hiện kiểm tra, giám sát VSATTP một cách khách quan, hiệu quả nhất.
(Theo Mai Hương // Tin Chính phủ // Thông tư số 5/2010/TT-BNNPTNN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com