Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên thảo luận "Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn"
Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế vừa qua ảnh hưởng hầu hết đến các quốc gia và đã gây ra thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng này cũng cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quí. Là một quốc gia đã từng vượt qua cuộc khủng khoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998 và vừa qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng khoảng. Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp và đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Năm 2009, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Chúng tôi xin trao đổi một số bài học kinh nghiệm về việc duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững sau đây:
Một là, cuộc khủng khoảng tài chính-kinh tế vừa qua đã cho chúng ta thấy sự yếu kém, bất cập của công tác giám sát, dự báo và cảnh báo về khả năng xảy ra khủng khoảng. Đồng thời dự báo cũng có vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và bảo đảm tăng trưởng dài hạn. Do vậy thời gian tới chúng ta phải quan tâm hơn và tăng cường nguồn lực để làm tốt công tác này ở cấp quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu;
Hai là, phải luôn coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Có chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phù hợp, vận hành theo cơ chế thị trường đi đôi với phát huy vai trò quản lý của nhà nước nhằm khắc phục những khiếm khuyết của thị trường.
Ba là, mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau, do đó các giải pháp đối phó với khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế phài phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng quốc gia.
Là một nước đang phát triển, với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, cùng với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh đẩy mạnh xuất khẩu, chúng tôi đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án hạ tầng, nhất là giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, y tế, giáo dục… để sớm đưa vào sử dụng; chú trọng hơn việc phát triển thị trường nội địa, nhất là khu vực nông thôn.
Việt Nam đối phó với khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tương đối khác so với nhiều nước trên thế giới cụ thể là lạm phát và mặt bằng lãi suất cơ bản cũng đang ở mức rất cao. Do vậy, cùng với việc cắt giảm lãi suất đến mức hợp lý, chúng tôi đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế cho từng lĩnh vực và đối tượng cụ thể.
Bốn là, các nước nghèo, người nghèo, khu vực nông thôn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng, do vậy cùng với các giải pháp kích thích kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng tôi đã đặc biệt quan tâm tới bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp nông thôn.
Năm là, khi đã xác định được mục tiêu và giải pháp đúng đắn thì phải chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận cao trong xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đất nước. Ngày nay, tình hình có thể biến đổi rất nhanh, do đó cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật các đánh giá và phân tích để điều chỉnh chính sách kịp thời.
Sáu là, Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng, việc đối phó với khủng hoảng đòi hỏi phải có sự nỗ lực của từng quốc gia, đồng thời phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tập trung nguồn lực và phối hợp hành động chung trên phạm vi khu vực và toàn cầu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế; Cùng với những giải pháp đối phó với khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh và bền vững cho thời kỳ hậu khủng hoảng và những năm tiếp theo, đó cũng chính là quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó tập trung vào:
(1) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế;
(2) huy động các nguồn lực để xây dựng đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, y tế, giáo dục, thủy lợi;
(3) chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ;
(4) đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, tập trung rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước;
(5) thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ, thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng mạnh vào phát triển theo chiều sâu chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý hiện đại, nâng cao giá trị nội địa và sức canh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế;
(6) tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Xin cám ơn./.
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com