Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chế độ trần lãi suất - "phác đồ điều trị" hiệu quả *

Trong năm 2008, chế độ trần lãi suất đã có tác dụng kìm chế mức độ leo thang của lãi suất. Suốt năm 2009 đến nay và sẽ cả năm 2010, vai trò này của chế độ trần lãi suất vẫn phát huy tác dụng.

Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế-xã hội quốc gia

Trong năm 2009, khi lãi suất theo chế độ trần là 10,5%/năm (Thông tư 01/2009/TT-NHNN) thì lãi suất tự do đạt tới ngưỡng 16,5%/năm, tức chênh lệch 6%/năm. Và hiện nay, khi lãi suất theo chế độ trần là 12%/năm thì lãi suất tự do (theo một số thông tin) đã tới ngưỡng 19 – 20%/năm, tức chênh lệch tới 8%/năm.

Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng nếu thực hiện tự do lãi suất tất yếu dẫn đến chạy đua lãi suất huy động tiền gửi, chạy đua khuyến mại diễn ra khốc liệt giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) để tranh giành các nguồn tiền gửi. Điều đó thật khó nói trước được lãi suất cho vay của các TCTD sẽ cao đến mức nào, nếu không có "cái phanh" lãi suất trần.

Phòng ngừa cho vay nặng lãi

Thực tế, các quy định liên quan đến lãi suất trần đã được Nhà nước quy định khá rõ ràng. Không chỉ đợi đến gần đây khi có các luật chuyên ngành như Luật các TCTD, Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà ngay từ trong Bộ luật Dân sự năm 2005, với khoản 1 Điều 476 đã quy định “lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Quy định này thực ra không nhằm áp đặt chế độ trần lãi suất đối với các TCTD mà chỉ nhằm đặt ra một cái mốc lãi suất để chống cho vay nặng lãi.

Mức lãi suất trần là mức lãi suất cao nhất một tổ chức tài chính áp dụng để thu hút tiền gửi vào tổ chức của mình.

Song thực tế, quy định cái mốc để chống cho vay nặng lãi nêu trên lại chính là một hàm số của lãi suất cơ bản do NHNN công bố (với tham số 150%). Bởi vậy khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 có phát sinh "chế tài" cần thiết là chế độ trần lãi suất đối với các TCTD và nó phụ thuộc ở độ lớn của lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Theo các văn bản như: Luật NHNN, Luật các TCTD, Quyết định 546/2002/QĐ-NHNN, Quyết định 244/2000/QĐ-NHNN, lãi suất cơ bản chỉ có ý nghĩa là thông tin tham khảođốivới TCTD. Hơn nữa, do bản thân sự thay đổi lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, v.v… của NHNN tự nó đã là thông điệp về định hướng điều hành  chính sách tiền tệ của NHNN.

Vì thế, NHNN đã, đang và chắc vẫn sẽ còn tiếp tục sử dụng công cụ mức lãi suất cơ bản ở mức nhỏ hơn để tận dụng khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 nhằm tạo ra trần lãi suất đối với các TCTD, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về điều hành chính sách tài chính tiền tệ, nhất là khi các TCTD có xu hướng "chạy đua" lãi suất huy động tiền gửi như hiện nay.

Ngăn ngừa các hiểm họa

Thực tế, lãi suất ngân hàng càng cao càng làm tăng gánh nặng về chi phí trả lãi vốn vay đối với các doanh nghiệp, các dự án đầu tư sử dụng vốn vay. Điều này xét ở góc độ vĩ mô lại không tốt cho việc giữ ổn định, phát triển sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, cho việc hạ giá bán sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước và do đó cũng không tốt cho việc ổn định, tăng trưởng kinh tế.

NHNN vừa quyết định từ ngày 1/2/2010, tiếp tục áp dụng mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm. Lãi suất tái chiết khấu của NHNN đối với các tổ chức tín dụng là 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 8%/năm.

Như vậy, đây là quyết định chính thức khẳng định việc lãi suất cơ bản, tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng đều được giữ nguyên chứ không điều chỉnh như một số lo ngại trước đó.

Đối với ngân hàng, lãi suất cho vay cao lên chưa hẳn lợi nhuận ngân hàng đã cao lên do lãi suất cho vay cao lên thì lãi suất huy động cũng phải đẩy lên cao theo cùng một nhịp bởi sự cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Đó là chưa kể hệ thống ngân hàng có thể xảy ra mất an toàn do việc các ngân hàng nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, chấp nhận mức độ rủi ro tín dụng cao hơn để thích ứng với việc cho vay với lãi suất cao. Thực chất, chỉ có người gửi tiền là có lợi trong việc lãi suất cho vay của các TCTD được đẩy lên cao.

Trong khi đó, việc tạo ra sự đồng thuận trong ý chí và trong hành động thực tế để tránh việc đẩy lãi suất huy động tiền gửi lên cao nhằm tránh việc phải tăng lãi suất cho vay lên theo giữa các TCTD thông qua vai trò của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam là việc khó. Bởi vậy, ở nước ta hiện nay, chế độ trần lãi suất vẫn là cần thiết để kìm giữ việc tăng cao của lãi suất ngân hàng xuất phát từ việc các ngân hàng thi nhau đẩy lãi suất huy động vốn, thi nhau khuyến mại để tranh giành các nguồn tiền gửi và từ một số lý do khác.

Có chế độ trần lãi suất thì có khả năng phát sinh các hành động lách chế độ trần lãi suất hay các hành động tiêu cực trong cấp tín dụng. Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của chế độ trần lãi suất trong việc giữ ổn định lãi suất, các hành động này phải bị ngăn chặn. Và, sẽ ngăn chặn được nếu như NHNN thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm cũng như đảm bảo các biện pháp xử lý vi phạm đủ sức răn đe.

(Theo Hồ Sỹ - Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Thụy // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi