Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính phủ: Không in thêm tiền để tăng lương

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 5/5 - Ảnh: T. Nguyên.

“Việc tăng lương cho người lao động bắt đầu từ tháng 5/2010 là nằm trong lộ trình, chứ hoàn toàn không chịu áp lực từ lạm phát”

Khẳng định trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/5.

Đã được tính toán kỹ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ trước đó, sau khi tập trung thảo luận đánh giá việc thực hiện công tác điều hành nền kinh tế và đề ra các mục tiêu, Thủ tướng đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục kiềm chế không tăng giá các mặt hàng quan trọng như điện, than... nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng còn lại.

Tuy nhiên, việc lương tối thiểu tăng lên mức 730.000 đồng/tháng (tăng 80.000 đồng/tháng), lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 12,3%, tâm lý chung của người dân lại đang đứng trước áp lực tăng giá các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, có thể sẽ tạo áp lực lên mục tiêu giữ lạm phát ở mức 7% của Chính phủ.

Đáp lại những băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định, việc Chính phủ quyết định tăng lương lần này là nằm trong đề án đã được tính toán, hoạch định từ nhiều năm trước và đã được tính trong dự toán ngân sách. Hoàn toàn không có chuyện in thêm tiền để phục vụ cho việc tăng lương.

Chính phủ cũng kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp không được phép lợi dụng tăng lương để tăng giá bất hợp lý. “Rút kinh nghiệm như những lần tăng giá xăng, điện trước đây, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp bình ổn giá, trong đó vai trò của báo chí là không nhỏ”, Thứ trưởng Hiếu khẳng định.

Liên quan đến áp lực lạm phát tăng cao, Thứ trưởng Hiếu cho biết, thay vì tâm lý lo lắng, căng thẳng trong điều hành như mấy tháng đây, hiện nay các cơ quan chức năng của Chính phủ đã nhìn nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với một thái độ bình tĩnh, nhưng cũng không chủ quan.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hiếu, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn quyết tâm cao nhất để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ số lạm phát cho cả năm 2010.

Lãi suất có thể tiếp tục xuống

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về mối quan hệ giữa giảm lãi suất với lạm phát, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng, với mục tiêu là kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời vẫn phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, đối với chính sách lãi suất, Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất xuống ở mức doanh nghiệp có thể chấp nhận được để thúc đẩy sản xuất. Do vậy, hiện lãi suất cho vay phổ biến xoay quanh mức 14%, còn đối với đối tượng ưu đãi là ở mức 13%. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 11,5%.

Theo ông Tiến, mức lãi suất như hiện nay là hoàn toàn phù hợp với các điều kiện của thị trường cũng như các mục tiêu ngắn và dài hạn của Chính phủ. Bởi lẽ, vừa qua lãi suất đã có biểu hiện bị đẩy lên cao hơn nhiều so với mức lạm phát.

“Do đó, nếu đặt mục tiêu lạm phát 7% thì lãi suất huy động lẫn cho vay như hiện nay vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục hạ xuống”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, chính sách này có thực hiện lâu dài hay không còn phụ thuộc vào khả năng cung cầu về vốn và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, cũng như những mục tiêu mà Chính phủ đưa ra.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng khẳng định, sau 4 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,8%, tăng trưởng tín dụng tăng 5,5%, thì mục tiêu kiểm soát tăng trưởng 20% cả năm đối với tổng phương tiện thanh toán và 25% đối với tín dụng là phù hợp.

“Tuy nhiên, nó vẫn phải phù hợp với diễn biến vĩ mô và kết quả điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Lúc đó, chúng ta mới có thể kết luận chính sách tiền tệ cần những định hướng như thế nào cho phù hợp với tình hình”, ông Tiến nói.

(Theo T. Nguyên. // Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi