Sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). |
Tại phiên họp thứ 30, dự kiến diễn ra từ 12 -19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu và việc không quy định lãi suất cơ bản tại đây đã từng làm nóng nghị trường với nhiều ý kiến không đồng thuận. Thậm chí có ý kiến phê phán gay gắt việc Ngân hàng Nhà nước “lặng lẽ bỏ lãi suất cơ bản mà không một lời giải thích”.
Sau đó, tại phiên họp thứ 26 (tháng 12/2009), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này với sự thống nhất của Thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo về 6 vấn đề, trong đó có vấn đề lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường. Các tổ chức tín dụng cần được quyền và có trách nhiệm trong việc xác định lãi suất trong giao dịch với khách hàng cũng như với các tổ chức tín dụng khác dựa trên nguyên tắc thị trường và lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Bên cạnh dự luật Ngân hàng, tại phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự: Luật Trọng tài thương mại; Luật Người khuyết tật; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm.
Các dự luật lần đầu tiên được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này là dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi)...
Xem xét, thông qua Nghị quyết về biểu thuế suất thuế tài nguyên, phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2009 cũng nằm trong nội dung của phiên họp này.
Cũng theo chương trình dự kiến, ngay trong ngày đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư, và bảo đảm chất lượng đào tạo với giáo dục đại học. Đây là một trong hai nội dung sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao trong năm nay.
Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM. Theo dự kiến, báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp. HCM với tổng chi phí đầu tư trên 55,8 tỷ USD sẽ được trình tại kỳ họp thứ bảy tới để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
(Theo Nguyên Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com