Ngày 8/4/2010, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 khai mạc. Trong khuôn khổ các cuộc gặp trước thềm hội nghị, ngày 7-4, Hội đồng kinh tế ASEAN đã nhóm họp nhằm rà soát việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Hội nghị đánh giá về căn bản, khu vực đã đạt những tiến bộ đáng kể về thực hiện AEC, chẳng hạn ASEAN 6 (gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei) đã xóa bỏ thuế quan đối với 99% số dòng thuế. ASEAN 4 (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) cũng đã giảm hoặc xóa bỏ thuế trên 98% số dòng thuế tham gia chương trình xây dựng AFTA. Ngày 1-1-2010, các bên tham gia cũng đã hoàn thành thực hiện Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc.
Từ nay tới hết năm 2010 (năm Việt Nam là nước chủ tịch ASEAN), AEC xác định một số lĩnh vực trọng tâm cần triển khai như thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Năm 2010, kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng 5,6%
Theo một báo cáo dự thảo đưa ra tại hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kinh tế khu vực này có thể tăng trưởng từ 4,9 - 5,6% trong năm nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng có thể gặp khó khăn nếu các nước rút các gói kích thích kinh tế quá sớm.
Khu vực châu Á được đánh giá là dẫn đầu trong sự hồi phục của các nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng, một phần nhờ có các chính sách kích thích kinh tế mạnh. Hiện giới phân tích đang theo dõi các nước trong khu vực sẽ rút lại các gói kích thích như thế nào và vào thời điểm nào, cũng như giải quyết một số vấn đề mà các nhà kinh tế cho là nguy cơ lạm phát đang gia tăng.
Theo báo cáo trên, việc rút các gói kích thích kinh tế hiện không quá cấp thiết, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát chưa đáng ngại, nợ đang ở mức cho phép và ít có dấu hiệu khu vực tư nhân có thể tự lực.
Chính phủ các nước thành viên ASEAN cần có chiến lược rút các gói kích thích kinh tế một cách có trật tự, đảm bảo không dẫn tới lạm phát và mất ổn định tài chính.
Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị các nước bãi bỏ biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng đặc biệt trước khi tăng lãi suất.
Asean tính chuyện dùng chung một đồng tiền
Tại Hội nghị Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN, Thống đốc ngân hàng trung ương 10 nền kinh tế thành viên Đông Nam Á cho rằng cần nghiên cứu thêm các mô hình thanh toán và những yếu tố khác. Khẳng định sử dụng đồng tiền nội khối ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, thống đốc ngân hàng trung ương 10 nền kinh tế thành viên Đông Nam Á cho rằng cần nghiên cứu thêm các mô hình thanh toán và những yếu tố khác.
Những vấn đề nổi bật trên bàn nghị sự tại hội nghị lần này là tiến trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN; hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế thành viên với nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ để thanh toán thương mại trong khu vực; hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN+3.
Đại diện các ngân hàng trung ương khu vực đều đánh giá việc sử dụng đồng tiền nội khối trong thanh toán thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích như: thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư nội khối, giảm rủi ro gắn liền với sự biến động của các đồng tiền thanh toán phổ biến đang sử dụng. Đồng tiền chung cũng giúp giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy sự phát triển và khuyến khích đầu tư dự trữ vào thị trường tài chính khu vực.
Tuy nhiên để đưa đồng tiền nội khối vào hoạt động đòi hỏi sự cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế vĩ mô, hạ tầng thanh toán, khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, tính chuyển đổi của đồng tiền… Trong thời gian tới các nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi về những mô hình thanh toán nói trên để đưa ra một mô hình có tính khả thi cao nhất, đảm bảo mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Tại Hội nghị lần này, các Thống đốc đã thông qua đề xuất thành lập Nhóm công tác về Hệ thống thanh toán khu vực với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quá trình hài hoà hoá các chuẩn mực và hệ thống thanh toán trong khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các luồng chu chuyển vốn và thanh toán giữa các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh tiến trình hợp tác tiền tệ tài chính tiền tệ nội khối, các nước ASEAN còn thiết lập một cơ chế hợp tác tài chính tiền tệ với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều nội dung hiệu quả thiết thực trong đó nổi bật nhất là đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai (CMIM). Trong thời gian vừa qua, nội dung hợp tác này đã đạt được những tiến bộ nổi bật với việc các nước thành viên ASEAN + 3 bao gồm cả Hồng Kông đã ký kết Thoả thuận CMIM vào tháng 12-2009 với trị giá thoả thuận là 120 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các nước +3 bao gồm cả Hồng Kông cam kết đóng góp 96 tỷ USD, các nước ASEAN đóng góp 24 tỷ. Thoả thuận này đã có hiệu lực vào 24-3-2010. Thoả thuận này là một thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng đô la Mỹ của khu vực ASEAN+ 3 thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các NHTW để các thành viên giải quyết khó khăn khẩn cấp về thanh khoản ngoại tệ, hỗ trợ cán cân thanh toán.
Việc đưa vào vận hành Thoả thuận CMIM đã mang ý nghĩa kinh tế và thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 trong việc tăng cường hơn nữa năng lực của khu vực để đối phó với những suy giảm và thách thức của kinh tế toàn cầu. CMIM được xem là hành động kịp thời và hiệu quả của ASEAN + 3 trong các nỗ lực giải quyết tác động của khủng hoảng toàn cầu, góp phần tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư trên thị trường.
Tại Hội nghị, các Thống đốc và các đại biểu cũng đã thảo luận những nội dung chủ chốt của các sáng kiến hợp tác tài chính tiền tệ trong ASEAN, bao gồm Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN, Hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN +3 và hợp tác giữa các NHTW ASEAN trong nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại khu vực ASEAN.
12 ưu tiên thực hiện năm 2010
Tại Hội nghị thường niên của Hội đồng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra ngày 7.4.2010, Hội đồng AEC đã rà soát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN trên bốn trụ cột. Đó là xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, có trình độ phát triển đồng đều và hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới vào năm 2015.
Tồn tại lớn nhất trong ba năm qua, và cũng là thách thức trong những năm tới, theo đánh giá của hội đồng AEC, là một số nước quá chậm trễ trong việc phê chuẩn các hiệp định, cam kết đã ký, cũng như trong quá trình triển khai chúng. “Hội đồng AEC đề nghị lãnh đạo cấp cao ASEAN chỉ đạo và can thiệp giải quyết việc tăng cường cơ chế giám sát thực hiện các biện pháp đã được thống nhất và qui định trong AEC Blueprint”, ông Nguyễn Văn Long, Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế nói.
Hội đồng AEC cũng đặt ra 12 ưu tiên thực hiện trong năm 2010 này. Trong đó, nhiệm vụ khả thi nhất được thực hiện quỹ hoán đổi ngoại tệ CMIM, theo sáng kiến Chiang Mai, với tổng cam kết 120 tỉ USD, có hiệu lực từ 24.3.2010 và sẽ được thực hiện khi các nước ASEAN + 3 thông qua cơ chế giám sát khoản vay. Hội đồng AEC cũng hy vọng thực hiện được cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư theo Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á.
ASEAN + 3 lập quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư
Sau hai phiên nhóm họp vào ngày 6 và 7/4, Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 đã đạt được sự đồng thuận về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) trong khu vực, với quy mô ban đầu khoảng 700 triệu USD.
Việc ký kết thỏa thuận thành lập quỹ này sẽ tiến hành trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 14, dự kiến vào ngày 2/5 tới đây tại Tashkent, Uzbekistan.
Nguồn quỹ nói trên sẽ dành cho việc cung cấp các hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN+3 nhằm huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở mỗi nước. Đây cũng là cách thể hiện cụ thể trong việc thực hiện Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), được khởi xướng từ năm 2003 và ASEAN+3 đeo đuổi lâu nay.
Tại thời điểm này, ABMI cũng đang triển khai thí điểm dự án phát hành trái phiếu bằng đồng baht để tài trợ cho việc xây dựng nhà máy điện ở Lào, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ kỹ thuật để có thể phát hành trái phiếu vào tháng 9 hoặc 10 tới.
(Vinanet)
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com