Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2010): Chớp thời cơ, đem sức ta mà giải phóng cho ta
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của nhân dân ta cách đây 65 năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Cách mạng nước ta, để lại nhiều bài học quý báu, không chỉ trong chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền, mà còn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta Trong tất cả các cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị trước lực lượng cách mạng để kịp thời hành động khi thời cơ đến là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại. Chớp thời cơ, đem sức ta mà giải phóng cho ta Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng sinh động về sự sáng suốt nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta. Trên núi rừng Việt Bắc, nhận định rõ tình hình ngoài nước sắp đi đến kết thúc cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai, mặc dù đang trong cơn ốm nặng, nhưng khi tỉnh lại, Bác Hồ đã dặn dò đồng chí Võ Nguyên Giáp những lời tâm huyết: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến. Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong bức thư ký tên Nguyễn Ái Quốc, Bác kêu gọi toàn dân: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!” Khi ấy, ở châu Âu, chủ nghĩa phát-xít Hitle đã sụp đổ từ đầu tháng 5/1945 khi đại quân của Nguyên soái Liên Xô Zhukov tiến vào Thủ đô Berlin. Còn ở châu Á, phát-xít Nhật thua trận liên tiếp trên các chiến trường châu Á- Thái Bình Dương cũng đã đến ngày tận số. Thực dân Pháp đã dâng Đông Dương cho phát-xít Nhật, nay lại rắp tâm trở lại tái chiếm Đông Dương sau khi quân phiệt Nhật phải chịu đầu hàng Đồng Minh. Cách mạng nước ta, nếu muốn hoàn thành sự nghiệp giành độc lập, thì phải nổi dậy giành lấy chính quyền ngay trước khi quân đội nước ngoài vào tước khí giới quân Nhật. Việc khó, lại phải làm nhanh, nếu không có sự chuẩn bị từ trước, thì công cuộc tổng khởi nghĩa không thể nào thực hiện được. Điều may mắn là từ tháng 5/1941, theo nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Mặt trận Việt Minh ra đời với những khẩu hiệu hợp lòng dân đã tập hợp được quần chúng vào các đoàn thể cứu quốc, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, già trẻ, gái trai, bất kỳ ai có nguyện vọng độc lập, tự do đều được tham gia vào đoàn thể, để giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ. Từ khi phong trào có được chỗ dựa là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thành lập ngày 22/12/1944, phát triển nhanh chóng thành Đội quân giải phóng, các cuộc khởi nghĩa từng phần lập được khu giải phóng phát triển mở rộng từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh rồi từ 3 tỉnh mở rộng ra 6 tỉnh (Cao- Bắc- Lạng- Thái- Tuyên- Hà), đưa các cuộc khởi nghĩa từng phần tiến lên thành Tổng khởi nghĩa toàn quốc, phá kho thóc để tự cứu đói, tịch thu triện đồng của chánh tổng, lý trưởng, đập tan chính quyền tay sai ở cơ sở- nơi nào quân Nhật và bè lũ tay sai không phản ứng bằng bạo lực thì cách mạng phát triển hòa bình bằng bạo lực chính trị. Nơi nào chúng chống lại bằng vũ lực đàn áp, thì quần chúng cách mạng phải dùng đến biện pháp quân sự đánh bại thế lực phản cách mạng. Đêm 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bộ Việt Minh thành lập đã hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp, với bí danh Văn, đã ký Quân lệnh số 1 gửi cho toàn quốc, rồi ngay sau đó trực tiếp chỉ huy một đơn vị giải phóng quân Nam tiến, đánh quân Nhật đang chiếm đóng Thái Nguyên, để mở đường tiến về Hà Nội. Khi ấy, ở nội ngoại thành Hà Nội, tuy lệnh chưa về đến nơi, nhưng Thành ủy Hà Nội dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khang, Xứ ủy viên, đã chủ động phát động các đoàn thể cứu quốc đứng lên đoạt triện đồng của lý trưởng ở nhiều xã, làm tan rã chính quyền bù nhìn ở một số huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Hoài Đức. Chiếm Phủ toàn quyền ngày 19/8. Ảnh: Tư liệu (Nguồn: baodatviet.vn) Đến chiều 17/8, trong nội thành Hà Nội, cuộc mít-tinh của Tổng hội Viên chức tổ chức ở Nhà hát lớn vừa bắt đầu, thì các tổ chức của Việt Minh ở nội, ngoại thành đã huy động quần chúng đến hàng vạn người kéo vào trung tâm thủ đô. Các đơn vị tuyên truyền xung phong giương cờ đỏ sao vàng lên giữa các đám đông. Quần chúng hò reo vang dậy: Cờ Việt Minh! Cờ Việt Minh! Lính cảnh sát Bảo an ngơ ngác, đứng im tại chỗ, giữa lúc đó, một số đội viên tự vệ chiến đấu chĩa súng tiến đến chiếm diễn đàn trên thềm Nhà hát lớn. Một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn từ tay anh Trần Lâm, sinh viên trường Luật khoa Đông Dương buông rải từ trên gác Nhà hát lớn xuống đến tận thềm phủ kín một phần ba mặt tiền của Nhà hát. Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, giáo viên Trường nữ học Đồng Khánh (tức Trưng Vương ngày nay) bước lên diễn đàn mạnh mẽ hô hào quần chúng ủng hộ Việt Minh. Đúng ngày 19 tháng 8, các làn sóng đồng bào từ Cầu Giấy kéo xuống, từ Thanh Trì nườm nượp đi lên, cùng với đồng bào và thanh niên các phố nội thành hội tụ đông kín quảng trường Nhà hát lớn, hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa, chia làm 3 mũi tiến công, dùng áp lực của quần chúng vào chiếm Bắc Bộ Phủ (đường Ngô Quyền), đến Trại Bảo an binh (phố Hàng Bài) vô hiệu hóa quân Nhật và vào chiếm Tòa thị chính (ở trước mặt hồ Hoàn Kiếm) giữa trung tâm thủ đô. Trước uy thế dũng mãnh của quần chúng nhân dân, quân Nhật đã chịu nghe lời giải thích của Việt Minh “không can thiệp vào hoạt động nội bộ của nhân dân ta”, giữ án binh bất động để chờ ngày về nước. Ý Đảng, lòng dân đã tạo cho lực lượng quần chúng một sức mạnh vô song, không có gì ngăn cản nổi. Anh sinh viên Trần Lâm sau đã trở thành Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ thủ đô, nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng đúng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của nhân dân. Bài học đoàn kết toàn dân tộc Khi toàn dân đã đoàn kết thành một khối, thì ý chí muôn người như một của quần chúng trở thành bức thành đồng không gì công phá nổi. Cuộc Tổng khởi nghĩa những ngày tháng Tám nhanh chóng giành thắng lợi quyết định, chính là nhờ sức mạnh vô song của toàn dân đoàn kết. Đảng đã tập hợp được lòng dân bằng những khẩu hiệu “độc lập, tự do”, thu hút được mọi người trong mọi tầng lớp, giai cấp, mọi lứa tuổi, từ công-nông đến địa chủ, tư sản, tư thương, trí thức. Theo bóng cờ đại nghĩa năm cánh sao vàng, không có chỉ những người lao động trí óc và chân tay, mà còn có những nhà tư sản, công thương đầy nhiệt tình với cách mạng như các ông Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiên và các bà như bà Lợi Ký, Hoàng Thị Minh Hồ, tự nguyện hiến cả nhà cửa, vàng bạc cho cách mạng. Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô đã trở thành nơi ở đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội trong những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám. Mít tinh trước Nhà Hát Lớn Hà Nội 19/8/1945 - Ảnh Tư liệu (Nguồn: 24h.com.vn) Thực hiện cùng lúc 3 sứ mệnh lịch sử Trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử nhân loại, hiếm có một cuộc cách mạng nào lại đồng thời đáp ứng nhiều đòi hỏi của lịch sử mang tính thời đại như cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã thực hiện đồng thời 3 sứ mệnh lịch sử: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Trước hết, về mục tiêu giải phóng dân tộc, lúc bấy giờ toàn dân ta đang đứng trước 3 khả năng xấu-tốt khác nhau. Một là thực dân Pháp tập hợp lực lượng bên chính quốc, đưa thêm quân viễn chinh vào cướp lại nước ta với sức mạnh mới của vũ khí Mỹ đang trang bị cho Tướng Charles De Gaulle trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, giải phóng nước Pháp. Hai là theo sự điều phối của Đồng minh, quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch sẽ kéo vào cát cứ ở miền Bắc, quân Anh sẽ kéo vào cát cứ ở miền Nam. Lúc đó, không loại trừ Việt Nam sẽ bị chia cắt lâu dài hoặc trở thành “quốc gia ủy trị” của Liên Hợp Quốc. Ba là chớp thời cơ. Quân Trung-Anh-Pháp chưa tới, lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, đặt các nước Đồng minh trước một sự thật đã rồi. Đó là sự ra đời của một nước Việt Nam mới tự giành lấy quyền độc lập trên toàn vẹn lãnh thổ của mình. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn giải pháp thứ 3. Với lực lượng Việt Minh được hình thành và từng bước phát triển từ 4 năm trước thì chúng ta “lấy sức ta để giải phóng cho ta”. Lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch được toàn dân hưởng ứng, đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa như một luồng điện cực mạnh tỏa rộng và tỏa nhanh khắp Bắc, Trung, Nam, giành được chính quyền về tay nhân dân chỉ trong vòng 20 ngày của tháng Tám lịch sử, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người được thực hiện rất chủ động đồng thời trên phạm vi cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xứng đáng là một mốc son trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta. Cùng một lúc, nó đã làm sụp đổ chế độ áp bức của phong kiến nghìn năm, cắt đứt ách thống trị thực dân trăm năm, đưa mỗi người Việt Nam từ thân phận nô lệ của chế độ bóc lột, thực dân-phong kiến, trở thành công dân tự do của một nước Việt Nam độc lập, dân chủ cộng hòa. Nói một cách đầy hình ảnh như ngôn ngữ của nhà thơ lãng mạn Chế Lan Viên, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đưa mọi người dân Việt Nam “từ thung lũng đau thương, đi đến cánh đồng vui”. (Theo Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Thái Bình // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com