Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển KT-XH các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 với một chương trình toàn diện, bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: VNA |
Kết quả xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã mở đầu phiên họp thứ 30 ( từ ngày 12/4) bằng việc tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, Trưởng Đoàn giám sát, nhìn chung, việc thực hiện xóa đói giảm nghèo Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình, mục tiêu quốc gia, dự án khác trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn bước đầu giải quyết tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Những nơi đoàn giám sát đến làm việc đều có đủ trường lớp, các xã có trên 90% học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường; cơ sở y tế được cải thiện. Đa số các xã đặc biệt khó khăn có thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4%, nhanh hơn bình quân cả nước 2 lần. Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này giảm xuống còn 31,2%.
Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa, tỷ lệ hộ nghèo vùng này sẽ trở lại rất cao.
Đoàn giám sát cho rằng một trong những tồn tại hiện nay là năng lực của cán bộ cơ sở vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế, bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình. Chất lượng làm chủ đầu tư thấp, phần lớn các công việc của chủ đầu tư vẫn do cán bộ cấp huyện đảm nhiệm.
Đoàn giám sát nêu 14 kiến nghị đối với Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Trong đó, có đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển KT-XH các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 với một chương trình toàn diện, bền vững hơn.
Cùng với đó là việc sớm có hệ thống chính sách hỗ trợ, giúp đỡ toàn diện và đồng bộ cho các vùng đặc biệt khó khăn; sớm ban hành chuẩn nghèo mới, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của xã hội ở các vùng khác nhau để làm cơ sở điều tra, thống kê, đánh giá mức độ nghèo và khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay, hoạch định chính sách cho giai đoạn tới.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí, đồng tình với những đánh giá, kiến nghị trong báo cáo giám sát, đồng thời đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn và nhiều Ủy viên khác đều cho rằng, những chủ trương, chính sách giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng, cần tiếp tục thực hiện. Chương trình 135 là chương trình đặc thù cho một đối tượng đặc biệt, ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, đo đó cũng cần được thực hiện với một cơ chế đặc biệt, đòi hỏi sự kiên trì, không nóng vội.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết sâu sắc, làm rõ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư như hiện nay có phù hợp không, trách nhiệm của TƯ đến đâu, địa phương đến đâu bởi nếu để phân tán nguồn lực, phân tán chỉ đạo sẽ gây chồng lấn, khó quản lý và hiệu quả không cao.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, UBTVQH sẽ xem xét để ra Nghị quyết chuyên đề.
Làm rõ vai trò của Công đoàn trong đình công
Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tờ trình về dự án Luật Công đoàn do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trình bày, nêu rõ: Luật Công đoàn hiện hành qua 19 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn năm 1990 do được ban hành vào giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường nên hiện nay một số điểm không còn phù hợp.
Báo cáo Thẩm tra về dự án Luật của Ủy ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn và đề nghị dự thảo Luật phải giải quyết được các nội dung: xác định đúng địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 10 của Hiến pháp năm 1992; cơ chế hoạt động, việc bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn...
Đại biểu Trần Thế Vượng và Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu lên một thực tế là Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động có mối quan hệ mật thiết với nhau. Rất nhiều quy định trong Luật Công đoàn liên quan đến Bộ luật Lao động. Đại biểu Trần Thế Vượng đề xuất 2 Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra 2 dự án Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động phải có sự bàn bạc, phối hợp đưa ra giải pháp, phương hướng giải quyết hợp lý để thống nhất trước khi trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Đại biểu Trương Thị Mai cho biết, trong khoảng 3.000 cuộc đình công trong 10 năm qua, chưa có một cuộc nào do công đoàn đứng ra tổ chức, hầu hết đều là tự phát. Chính vì vậy đại biểu tán thành với đề nghị của Ủy ban Pháp luật là cần làm rõ tính khả thi của quy định quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc “Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật”.
(Theo Thanh Hòa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com