Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gánh nặng lớn trên vai GDP

Các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ các nước trong hai năm 2008 và 2009 trị giá nhiều nghìn tỷ USD đã góp phần quan trọng đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, nhưng mặt trái của nó là làm cho số nợ của các quốc gia cũng lên đến mức chưa từng thấy.

Ảnh minh họa

Hoàn trả khoản nợ này sẽ là cơn ác mộng đối với các nền kinh tế. Thuế chắc chắn sẽ tăng lên trên quy mô toàn cầu, trong khi tốc độ phục hồi kinh tế và việc làm chưa ổn định.

Chính phủ các nước dự kiến sẽ phát hành khoảng 4.500 tỷ USD trái phiếu nữa trong năm nay để giải quyết một phần các khoản thuế, và như vậy số nợ sẽ lại tăng lên cao hơn nữa.

Mỹ đã cho phép nợ liên bang, kể cả các khoản nợ của các cơ quan trực thuộc chính phủ như Quỹ An sinh xã hội, tăng tới 50% kể từ 2006, lên 12.300 tỷ USD hiện nay.

Người ta chưa cảm nhận được nỗi đau của việc hoàn trả khoản nợ khổng lồ này, vì lãi suất hiện nay rất thấp, gần như bằng 0% đối với trái phiếu ngắn hạn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên lãi suất này sẽ sớm phải tăng lên và người đóng thuế sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Cho dù các chương trình chi tiêu khổng lồ để kích thích kinh tế trong thời gian qua là có thể bào chữa được, nhưng người ta không thể không quan tâm tới gánh nặng nợ nần của nền tài chính tương lai. Nợ đang đặt gánh nặng rất lớn lên GDP.

Trong cuốn sách vừa phát hành “Lần này khác: Tám thế kỷ điên rồ về tài chính” (This Time It's Different: Eight Centuries of Financial Folly) viết cùng với Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, nhà kinh tế Carmen Reinhart của Đại học Maryland đã phát hiện ra rằng mức nợ tương đương với 90% GDP là bước ngoặt đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Khi nợ vượt qua giới hạn này, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm 2% so với khi nợ dưới 90% GDP. Nợ của chính phủ Mỹ hiện nay tương đương với 84% GDP. Mỹ đã từng có mức nợ vượt qua giới hạn 90% GDP, đó là vào thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó kinh tế Mỹ trì trệ và lạm phát tăng lên tới 6%. Suốt nửa thế kỷ qua, Mỹ đã phải cố gắng để hạ tỷ lệ nợ so với GDP, nhưng nay con số đó lại đang trên đà gia tăng.

Mỹ là quốc gia quen tiêu xài, dễ dãi với tấm thẻ tín dụng và trông cậy vào “hảo tâm” cho vay của nước ngoài để tiêu dùng. Ngành kinh doanh bán lẻ Mỹ sống dựa vào thẻ tín dụng, còn ngành kinh doanh bất động sản thì dựa vào các chương trình tài trợ và tín dụng thuế để chi trả tới 95% lãi suất vay vốn trả góp.

Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ đã tăng từ (âm) -0,4% năm 2006 lên (dương) 4,5% hiện nay, nhưng con số này vẫn là quá nhỏ nhoi ở một nền kinh tế như Mỹ, nơi mà chính phủ không những không tiết kiệm được đồng nào, mà còn đang thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Nếu GDP của Mỹ không tăng ở mức “bình thường” 3-5% sau suy thoái, việc thanh toán các khoản nợ hiện nay sẽ rất khó khăn, thậm chí bất khả thi, nếu chính phủ không cắt giảm mạnh các chương trình chi tiêu và tăng nhiều khoản thuế.

Theo dự báo mới đây của Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt tài chính của Mỹ sẽ giảm từ 10% GDP trong năm nay xuống còn khoảng 4,4% trong giai đoạn 2013-2015.

Tuy nhiên dự báo này được xây dựng trên giả định kinh tế Mỹ tăng trưởng ít nhất 4%, chứ không phải ở mức 2% như dự tính của hai nhà kinh tế Reinhart và Rogoff. Hai nhà kinh tế này cho rằng ở đây có một vòng luẩn quẩn, đó là nợ làm giảm tốc độ tăng trưởng và khi kinh tế tăng trưởng thấp thì khả năng trả nợ khó khăn hơn.

Mỹ là quốc gia quen tiêu xài, dễ dãi với tấm thẻ tín dụng

Tổng thu thuế doanh nghiệp của Mỹ đã giảm tới 55% trong năm tài chính kết thúc hôm 30/9/2009, xuống chỉ còn 138 tỷ USD. Sẽ còn rất lâu nữa khoản thu này mới trở lại mức như nó đã từng có, bởi vì ngay cả khi lợi nhuận của các công ty phục hồi, lạm phát sẽ làm giảm đi ý nghĩa của nó. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức 0% hiện nay sẽ lui vào lịch sử và khi đó việc hoán nợ sẽ trở nên đắt đỏ.

 Trong cuốn sách “Tiền, thị trường và chủ quyền” (Money, Markets and Sovereignty) vừa xuất bản, nhà nghiên cứu cấp cao Benn Steil của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, cho rằng nếu Quốc hội và chính quyền Obama không nhanh chóng cắt giảm mức thâm hụt tài chính, thì “nước Mỹ sẽ tiến nhanh tới giới hạn, mà bắt đầu từ đó các khoản nợ sẽ đắt đỏ hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây”.

Các quốc gia khác cũng đang gặp khó khăn tương tự và sẽ sớm vấp phải bức tường nợ. Ví dụ nợ của chính phủ Nhật Bản đã lên tới 10.000 tỷ USD trong năm 2009, tương đương với 190% GDP, so với mức 50% hồi giữa thập niên 1990. Nhờ lãi suất thấp, chính phủ Nhật Bản chỉ phải chi 2,6% GDP để trả nợ trong năm 2008, thấp hơn mức 2,9% GDP của Mỹ.

Dẫu vậy Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với vấn đề nợ ngày càng nghiêm trọng. Năm ngoái, Nhật Bản thu 500 tỷ USD từ thuế và 100 tỷ USD từ các nguồn thu khác, kể cả từ các chương trình đầu tư của chính phủ. Trong khi đó Chính phủ Nhật Bản đã chi 980 tỷ USD, trong đó có hơn 100 tỷ USD trả lãi suất và khoảng 190 tỷ USD chuyển cho các chính quyền địa phương.

Vào thời điểm này, Chính phủ Nhật Bản vẫn còn có thể vay nợ từ chính người dân của mình, do tỷ lệ tiết kiệm của người dân Nhật Bản rất cao. Tuy nhiên dân số Nhật Bản đang có xu hướng giảm dần từ đỉnh cao 128 triệu người năm 2004 và đang già nhanh, làm giảm khả năng tiết kiệm.

Tỷ lệ tiết kiệm của Nhật Bản đã giảm từ 18,4% năm 1982 xuống chỉ còn 3,3% hiện nay. Khi con số này tụt xuống 0%, chính phủ Nhật Bản sẽ buộc phải dựa vào nước ngoài để tài trợ cho ngân sách và vì thế mà phải hứng chịu rủi ro của tỷ giá hối đoái.

Nhà phân tích Masaaki Kanno của JPMorgan Chase ở Tokyo cho rằng bong bóng trái phiếu của Nhật Bản có thể bùng nổ trong vòng 3 đến 5 năm tới, do tỷ lệ tiết kiệm của người dân Nhật Bản giảm xuống. Ông cho biết ngay cả khi chính phủ Nhật Bản có thể vay được tiền với lãi suất 1,4%, thì chi phí trả lãi cũng sẽ lên tới 200 tỷ USD vào năm 2019, hay 45% tổng thu ngân sách của chính phủ.

Trái bom nợ đang ở mức báo động và có thể nổ bất cứ lúc nào. Đấy có thể là một cơn sóng thần đổ xuống các nền kinh tế vừa chập chứng ra khỏi khủng hoảng.

(Theo Linh Đức // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi