Để DN tồn tại được, với lãi suất vay ngân hàng tới 18%/năm thì lợi nhuận ít nhất phải đạt 25%/năm.
Hôm nay (30-3), Chính phủ sẽ cho ý kiến về đề xuất của Bộ Tài chính về giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN vừa và nhỏ. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vào chiều qua (29-3).
Giãn tức là chưa thu
Theo Thứ trưởng Tuấn, đối tượng được giãn thuế sẽ chọn lọc chứ không tràn lan như đợt giãn nộp thuế TNDN năm 2009. Trừ DN kinh doanh bất động sản, tài chính, còn những DN vừa và nhỏ sẽ được giãn nộp thuế TNDN trong một năm.
Cũng theo ông Tuấn, giãn nộp thuế tức là chưa thu. Tiền thuế đáng ra DN phải nộp nhưng Nhà nước chưa thu mà để lại cho DN thêm vốn kinh doanh.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giãn thuế TNDN làm giảm thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng. Con số này không tác động lớn đến tổng thu ngân sách.
Theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, nếu chính sách này được áp dụng thì sẽ tác động rất tích cực đến các DN vừa và nhỏ. Thực tế, để DN tồn tại được, với lãi suất vay tới 18%/năm thì lợi nhuận ít nhất phải đạt 25%/năm. Bởi ngoài chi phí tiền lãi vay, DN còn phải trang trải các chi phí khác như tiền lương công nhân, quản lý, điện... “Nếu như DN khó khăn, vay vốn mà không trả được lãi và tiền vay thì ngân hàng khó khăn, ngân sách nhà nước cũng khó khăn. Đây là việc rất đúng đắn, vừa cứu DN và đảm bảo thu ngân sách” - ông Kiêm nhấn mạnh.
Tập trung hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lại cho rằng không nên giãn nộp thuế TNDN. Ông Cung phân tích: “Cái tốt nhất đối với DN hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và lâu dài. Còn nếu như những cái khác có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu này thì không nên. Việc giãn thuế làm giảm thu ngân sách và có thể làm tăng bội chi ngân sách. Đây là nguyên nhân căn bản gây lạm phát. Nếu như giảm được khoản tiền thuế này mà bội chi cũng giảm thì mới nên làm. Còn nếu giảm được cái này mà bội chi gia tăng thêm, hoặc không kéo được bội chi thì không nên giãn nộp thuế cho DN vừa và nhỏ. Trong lúc này, có khó DN cũng cố gắng chịu đựng”.
Phản biện lại quan điểm của ông Cung, ông Kiêm cho rằng ổn định kinh tế trước hết là phải ổn định sản xuất đã. DN đang khó khăn cùng cực thế này thì Nhà nước cần chia sẻ hỗ trợ để DN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ra của cải vật chất, tạo ra việc làm. Như thế sẽ tạo được yếu tố chống lạm phát mạnh hơn.
Ông Kiêm nói thêm chỉ cần giãn nộp cho DN vừa và nhỏ trong năm nay, khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đạt được thì sang năm, nguồn thu sẽ ổn định hơn và nhiều hơn ở những năm sau. Để hỗ trợ đúng đối tượng, Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể theo hướng DN khó khăn đến đâu thì giãn bấy nhiêu. Còn đơn vị nào không bị ảnh hưởng gì thì vẫn nộp thuế bình thường chứ không nên làm một cách đồng loạt, thực hiện tràn lan. Nên tập trung vào hỗ trợ các DN sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, xuất khẩu, DN khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là những đối tượng sử dụng nhiều lao động.
450.000 là con số DN vừa và nhỏ cả nước, chiếm khoảng 96% tổng số DN. Chủ yếu là DN tư nhân nhưng DN vừa và nhỏ sử dụng 50,1% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước.
20-100 tỉ đồng là số vốn trung bình mỗi DN vừa và nhỏ đang nắm giữ. DN vừa và nhỏ sử dụng cao nhất 300 lao động; còn DN nhỏ chỉ có vốn nhiều nhất 20 tỉ đồng, sử dụng nhiều nhất 200 lao động… Dù vậy, các DN vừa và nhỏ, đặc biệt ở khu vực tư nhân có hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com