Chiều 15/4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) và Luật An toàn thực phẩm (ATTP).
Nhiều doanh nghiệp chưa tiết kiệm năng lượng - Ảnh minh họa. |
Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật SDNLTK&HQ
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc ban hành dự thảo Luật SDNLTK&HQ là rất cần thiết trong tình hình thiếu hụt năng lượng hiện nay.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ các điều khoản trong dự thảo Luật, các thành viên cho rằng có khá nhiều quy định trong dự thảo Luật mặc dù hoàn toàn đúng và cần thiết về lý thuyết nhưng lại rất khó thực hiện trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Cụ thể, trong dự thảo Luật quy định cần phải dán nhãn năng lượng và tiết kiệm năng lượng cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng; loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả thấp; hay như trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải quá thời hạn sử dụng, không đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…
Theo các thành viên UBTVQH, nếu thực hiện nghiêm túc những quy định này thì trong nhiều năm tới sẽ có rất nhiều máy móc, thiết bị phải thanh lý và điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải mất nhiều chi phí để mua phương tiện, máy móc thay thế.
Hoặc như nếu quy định dán nhãn tiết kiệm năng lượng lên các phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng thì sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề như: liệu có quá nhiều nhãn dán trên một sản phẩm hay không (vì trên sản phẩm còn có nhiều loại nhãn khác), kiểm soát tình trạng nhãn giả ra sao, nhãn dán năng lượng và nhãn dán tiết kiệm năng lượng khác nhau như thế nào…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đây là một dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng, hơn nữa các quy định trong dự thảo Luật có thể bắt buộc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nhưng cũng có thể kêu gọi, khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung để dự thảo Luật hoàn thiện hơn. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được xem xét, thông qua ở kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Cần ghi nhãn các sản phẩm biến đổi gen
Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, đa số các đại biểu tán thành việc dự thảo Luật quy định cần phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm biến đối gen. Tuy nhiên, việc quy định chỉ cần ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen khi tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen từ 3% trở lên thì cần phải xem xét lại.
Vì theo các đại biểu, khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, mỗi nước có quy định tỷ lệ khác nhau. Ví dụ như các nước trong Liên minh châu Âu, các thực phẩm có tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen trên 0,9% đều phải ghi nhãn.
Liên quan đến thanh tra chuyên ngành về ATTP, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng cần có lực lượng này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị, trước mắt lực lượng thanh tra chuyên ngành nên thuộc về Bộ Y tế.
(Theo Giang Oanh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com