Trong phiên họp sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chấp thuận mức bội chi NSNN năm 2009 ở mức 6,9% theo phương án Chính phủ trình.
Thu NSNN năm 2009 vượt 13,4% so với dự toán. Ảnh minh họa |
Năm 2009 thực hiện thu Ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 13,4% (52.440 tỷ đồng) so với dự toán.
Theo đánh giá của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao (5,32%) cùng với các biện pháp chống suy giảm kinh tế, thu NSNN vẫn vượt dự toán là nỗ lực rất lớn của các ngành, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách, chống nợ đọng thuế. Việc Chính phủ trình phương án sử dụng số tăng thu NSNN là đúng quy trình, thủ tục của Luật Ngân sách Nhà nước.
Với mức vượt thu ngân sách 13,4%, một số ý kiến đại biểu đề nghị mức bội chi giảm xuống còn 6,5% thay vì 6,9% để đảm bảo theo Nghị quyết 32/2009 của Quốc hội, nhằm giảm nghĩa vụ trả nợ của NSNN và giảm lạm phát.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, năm 2009 có đặc điểm vừa thực hiện chính sách miễn giảm thuế vừa xin tăng chi, trong đó có nguồn chi lớn cho kích cầu đầu tư. Hiện nhu cầu vốn thực tế đã chi và có một số khoản đã ứng chi nhưng chưa được quyết toán. Nếu UBTVQH cho phép mức bội chi là 6,9% thì mới quyết toán được, nếu không sẽ để treo nợ. Vì nếu để bội chi ở mức 6,9% thì nguồn nợ những năm sau sẽ giảm đi.
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, năm 2009 là năm có nhiều diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới mà chúng ta không lường được, trong điều hành, Chính phủ vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Tại kỳ họp tháng 11/ 2009, Quốc hội đã xem xét đồng ý chấp nhận bội chi ngân sách là 6,9%, nên toàn bộ số vượt thu của NSNN năm 2009 đồng ý như phương án Chính phủ trình.
Cụ thể, đối với nguồn tăng kết chuyển từ năm 2008 sang năm 2009 (8.955 tỷ đồng), UBTVQH đồng ý phương án trình của Chính phủ đã chi bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu và bổ sung tăng nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng Nhà nước. Tuy nhiên, UBTVQH cũng đề nghị bù lỗ xăng dầu sẽ không tiếp tục được đặt ra trong thời gian tới và Chính phủ tự thu xếp xử lý việc kinh doanh xăng dầu.
UBTVQH cũng đồng ý hỗ trợ 25% cho các tỉnh bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương do thực hiện chính sách miến giảm thuế để kích thích kinh tế.
Về bổ sung ngân sách cho Bộ Quốc Phòng, UBTVQH đồng ý đề nghị của Chính phủ, bởi theo ý kiến của một số đại biểu cho rằng doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng không đơn thuần chỉ làm kinh tế mà còn có cả nghĩa vụ quốc phòng. Hơn nữa cơ chế trước đây cho phép doanh nghiệp quốc phòng được giữ lại nguồn thu để bổ sung cho quốc phòng an ninh, theo luật mới không được giữ mà phải nộp lại, nếu không giải quyết thì cũng phải tăng kinh phí cho doanh nghiệp quốc phòng làm nhiệm vụ.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra quy định có tính nguyên tắc đảm bảo chức năng đặc thù của các Bộ trong việc sử dụng nguồn kinh phí và báo cáo Quốc hội.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, năm 2010, cơ chế khoán chi của một số ngành đã hết nên Chính phủ cần chủ động tổng kết sớm để tính toán có nên tiếp tục triển khai áp dụng nữa không nhằm đảm bảo công bằng giữa các cơ quan, các ngành.
Liên quan các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cần tập trung ưu tiên, UBTVQH đề nghị rà soát lại và tập trung vốn để hoàn thành, trước hết ưu tiên các dự án ở Hà Nội, tiếp theo là các dự án tại tỉnh Ninh Bình.
Trong phiên họp sáng 14/3, UBTVQH đã cho ý kiến về tình hình thực hiện NSNN năm 2009, phương án sử dụng nguồn vượt thu, dự toán chi NSTW năm 2009; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2008 và dự thảo Báo cáo kiểm toán - quyết toán NSNN năm 2008.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com