Cầu vượt Gò Dưa, nằm trên tỉnh lộ 43, phường Tam Bình và Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh là cầu vượt tránh Quốc lộ 1A. Cầu xây xong gần năm năm nay, đã có dấu hiệu xuống cấp, nhưng chưa thể sử dụng vì hai bên chưa có đường dẫn, do vướng giải tỏa, đền bù.
![]() |
Ngã tư Gò Dưa luôn quá tải. |
Cầu vượt Gò Dưa dài 970m, rộng 15,6m, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khởi công xây dựng năm 2003, với tổng kinh phí gần 190 tỷ đồng. Sau gần hai năm thi công, năm 2005 hạng mục chính là cầu vượt đã hoàn thành. Những tưởng cầu xây xong sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phát triển. Ngược lại, gần 5 năm qua, chỉ vì thiếu đường dẫn, cây cầu trị giá gần 190 tỷ đồng không phát huy tác dụng và đang trên đà xuống cấp, không khéo trở thành “vô dụng”. Lưu thông tại ngã tư Gò Dưa- Quốc lộ 1A cũng vì thế không được cải thiện, tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng hơn.
Cùng chung cảnh dây dưa từ dự án cầu Gò Dưa, hàng trăm hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời để lấy đất phục vụ dự án này cũng đang sống trong cảnh “đi cũng dở, ở thì nhà cửa hư hại, xuống cấp”. Dự án kéo dài khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Đến thời điểm này thành phố đã chi hơn 100 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó 268 hộ đã nhận tiền bồi thường, 70 hộ vẫn khiếu nại về giá đền bù. Nhiều hộ đã nhận tiền nhưng gây khó khăn, không giao mặt bằng. Một số hộ đã giao mặt bằng, nhưng thấy công trình chậm triển khai, nay quay trở lại, dựng chòi trên nền đất cũ chờ đền bù thêm.
Vì sao có tình trạng gần tám năm chưa giải tỏa được các hộ dân sống hai bên đầu cầu để lấy mặt bằng làm đường dẫn?
Theo UBND quận Thủ Đức, các hộ dân khiếu nại việc áp dụng Quyết định số 3358, ngày 15-8-2003 của UBND TP Hồ Chí Minh ban hành để thu hồi đất là chưa đúng trình tự pháp lý. Đồng thời, thay vì vận dụng Nghị định 197 năm 2004, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thì quận Thủ Đức lại áp dụng Nghị định 22 năm 1998, đền bù với giá 3 triệu đồng/m2 đất, gây thiệt hại cho dân.
![]() |
Trên đường dẫn bỏ hoang, cỏ mọc tốt dân tranh thủ thả bò. |
Các nhà làm luật cho rằng, thông thường khi có quyết định phê duyệt đầu tư và điều chỉnh dự án của Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư phải tiến hành các bước khảo sát thiết kế, đo vẽ, cắm mốc và lên sơ đồ giải tỏa, sau đó có văn bản trình Sở Tài nguyên-Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất diện tích đất cần giải tỏa. Dựa trên văn bản của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên-Môi trường trình và đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất cho dự án. Trên cơ sở đó, UBND quận Thủ Đức ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân trong phạm vi làm cầu vượt Gò Dưa, sau đó Hội đồng bồi thường quận triển khai các bước đền bù, giải toả...
Tuy nhiên, từ khi Bộ Giao thông vận tải có quyết định điều chỉnh dự án, UBND thành phố mới ban hành quyết định 3358 chấp thuận bổ sung nút giao thông Gò Dưa, là một hạng mục công trình của dự án đường Xuyên Á, chưa hề có quyết định thu hồi đất cho dự án này. Do đó, việc UBND quận Thủ Đức căn cứ vào quyết định 3358 để thu hồi 66.620m2 đất của các hộ dân là chưa đúng trình tự pháp luật.
Nhận thấy khiếm khuyết này, năm 2006, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định 1081 thu hồi đất bổ sung. Tại điều 1, quyết định này ghi: “Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án nút giao thông Gò Dưa là 92.394m2, trong đó diện tích đất đã thu hồi tại quyết định 3358 là 66.620m2, và đất nay thu hồi bổ sung là 25.774m2”.
Ở điểm này, các cơ quan chức năng đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Thực chất quyết định 3358 chỉ có giá trị bổ sung hạng mục công trình, không phải là quyết định thu hồi đất. Vì vậy, việc UBND thành phố ra quyết định 1081 thu hồi tiếp 25.774m2 đất cho dự án cầu Gò Dưa càng thêm rối chuyện. Đây là nguyên cớ khiến nhiều hộ dân chưa giao đất, khiếu nại kéo dài 8 năm nay và hạng mục thi công đường dẫn lên cầu Gò Dưa vẫn dậm chân tại chỗ.
![]() |
Cầu xây xong, đường dẫn phải chờ. |
Việc quận Thủ Đức sử dụng Quyết định 3358 để thu hồi đất và dùng Nghị định 22 để áp giá đền bù tại dự án cầu Gò Dưa cho thấy, công tác tham mưu của các cơ quan chức năng cho UBND thành phố còn yếu, chưa tuân thủ hệ thống pháp luật hiện hành dẫn đến khiếu nại kéo dài trong dân, gây lãng phí thời gian, tiền ngân sách Nhà nước.
Để sửa sai, ngay từ tháng 5-2006, ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội đồng bồi thường quận Thủ Đức đã có văn bản xin lỗi công khai người dân vì đã: kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường chưa đúng với quy định của pháp luật khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất bổ sung. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng ủy quyền cho Sở Tài nguyên-Môi trường giải quyết những khiếu nại của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, khẩn trương hoàn thiện đường dẫn, đưa cầu Gò Dưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng tại TP Hồ Chí Minh-Bình Dương và tuyến Quốc lộ 1A.
(Bài, ảnh: Lê Thẩm// Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com