Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có những giờ phút ấy...

Nhà báo Trần Thanh Phương, trong cuốn hồi ký báo chí “Ngòi bút và cây kéo” kể lại thời khắc tháng 4  lịch sử cách đây 35 năm mà ông đón nhận với tư cách một nhà báo của báo Nhân Dân.

Nhân dân Thủ đô chào mừng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước - Ảnh Báo Nhân dân

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử

… Cũng may mà tôi công tác tại báo Nhân Dân, do nghề nghiệp, tôi biết trước được một số tin tức từ miền Nam, từ Sài Gòn ra. Nhưng trong những ngày cuối tháng tư năm bảy mươi lăm, điều ấy không còn quan trọng nữa, không còn độc quyền của mỗi riêng ai. Mọi tin chiến thắng nhanh chóng được phát trên làn sóng đài phát thanh, đăng trên báo chí, trên nhiều bản tin in vội.

Ở Hà Nội, người ta còn viết những dòng tin chiến thắng nóng hổi trên nhiều bảng đen treo ở nơi công cộng. Người ta viết bằng nhiều kiểu chữ to hết cỡ với những màu sắc rực rỡ nhất. Những bản đồ miền Nam được trương lên, phân vạch từng tỉnh, từng thành phố để theo dõi chiến thắng. Và kể cả những mũi tên chỉ những đường quân giải phóng tiến công địch dồn dập.

Đậm nét nhất cho việc này là tấm bản đồ khổng lồ treo trước cửa Câu lạc bộ Thống Nhất bên Hồ Gươm- nơi dành cho người miền Nam tập kết. Ở đây, suốt ngày đêm người và người, ánh mắt và ánh mắt. Đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi miền quê từ bờ nam sông Bến Hải cho đến chót mũi Cà Mau. Bao nhiêu cặp mắt là bấy nhiêu niềm thiết tha khi nhìn lên tấm bản đồ quê hương lần lượt được giải phóng (tỉnh nào được giải phóng thì sơn màu đỏ). Đối với tôi, chưa bao giờ tôi thấy giá trị của màu đỏ như những ngày này.

Sau khi ta giải phóng được giải đất Tây Nguyên, giải phóng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang…, ta chiến đấu quyết liệt với địch ở Xuân Lộc nhiều ngày. Vì xót ruột quê hương mình chậm giải phóng so với các địa phương khác, chiều 29- 4, một ông người Cà Mau nghĩ cách “động trời”: “Đêm nay, chờ người ta ngủ hết, tôi mang sơn đỏ đến sơn hết vùng đất Nam Bộ mình. Cả Côn Đảo, Phú Quốc, Cà Mau, tôi sơn thật đỏ, thật đỏ, thật đỏ để cho mọi người biết rằng nơi quê tôi đánh giặc rất cừ và Tổ quốc ta đã thống nhứt toàn vẹn”.

Chung quanh tấm bản đồ giải phóng còn một chuyện vui nữa: Sau khi thành phố Đà Nẵng giải phóng, một ông quê ở Bình Định chính cống nhưng lại dám nói rằng quê ở Đà Nẵng. Mấy ngày sau giải phóng đến Quy Nhơn, Nha Trang lại có ông ở Đà Nẵng quả quyết rằng “tôi là dân  Bình Định, dân Khánh Hòa…”.

Đến trưa ngày 30/4, sau khi lá cờ cách mạng cắm trên dinh Độc Lập thì rất nhiều vỗ ngực  la hét một cách tự hào rằng: Quê chính của tôi là ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Có nhiều ông còn khoe cụ thể: nhà tôi ở Phú Nhuận hoặc Gò Vấp hoặc Thị Nghè, hoặc bên kia cầu Chữ Y. Có người còn nhớ lại cả đường phố, số nhà, nói lại những kỷ niệm thời thơ ấu mà họ sống ở đó. Có đúng thật vậy không, chẳng cần truy hỏi. Miễn ai đó reo lên “tôi là dân Sài Gòn” thì lập tức người ấy bị vòng người vây kín lại mà chúc mừng đến cuồng nhiệt…

Một số bà con người Hà Nội không còn giấu diếm gì nữa, tuyên bố thẳng thừng rằng, tôi có người nhà làm ăn tại Sài Gòn từ năm mươi tư…, điều mà trước đây chẳng mấy ai nói ra. Vì bắt đầu từ hôm nay, ai cũng hiểu rằng Sài Gòn là của chúng ta, Sài Gòn là cách mạng, Sài Gòn là tiêu biểu cho cái gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất trong những ngày lịch sử này. Sài Gòn cũng là đích đến các mũi tiến công của Quân Giải phóng.. Cho nên ai cũng muốn sống những giây phút thật nhất, hồn nhiên nhất của lòng mình.

Tôi gặp một số người có con em chiến đấu ở miền nam thì nỗi vui mừng sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn. Họ nói “Giải phóng rồi, tôi sẽ gặp lại con tôi”; “hòa bình rồi, chồng con tôi sẽ đoàn tụ…”. Một chị ở ở khu tập thể Nam Đồng (gần Gò Đống Đa), Hà Nội, có chồng chiến đấu ở Cà Mau từ năm 1964, nôn nao đón từng tin chiến thắng một. Chị nói: “Cà Mau là xa nhất, ở đấy có chồng tôi. Nếu giải phóng Sài Gòn, giải phóng Cà Mau, thì nhất định tôi sẽ gặp chồng tôi. Cho nên đối với tôi, Cà Mau xa thì cũng thật là xa, mà gần cũng thật là gần”.

Người phụ nữ thường ít thổ lộ tình cảm với chồng mình trước mặt đông người, vậy mà ngày cuối tháng Tư năm ấy, người ta nói một cách bộc trực, hồn nhiên sự chờ đợi, sự nhớ thương, nôn nả cái giờ phút sắp gặp nhau. Chị còn quả quyết rằng ngày Bắc Nam thống nhất, nơi mà chị đến trước tiên là Cà Mau. Chị sẽ thăm lại những nơi mà chồng mình đã sống và chiến đấu;  chị sẽ thăm bà con, cô bác, bạn bè, đồng chí Cà Mau đã che chở, đùm bọc chồng mình trong những năm gian khó. Còn một điều nữa, điều này tuyệt nhiên không ai dám nói, đó là không biết trong trận chiến đấu cuối cùng này, ai còn, ai mất. Ai là người hy sinh trước lúc bình minh?

Đêm 29/4/1975. Một chị công tác chung với tôi, quê ở Rạch Gía, chị Hoa Lý, vợ của nhà báo Hùng Lý, sang gõ cửa phòng tôi, nói như muốn run lên:

- Cậu mang bài về Sài Gòn sang tòa soạn ngay, bộ đội chủ lực của mình đã tiến tới các cửa ngõ Sài Gòn rồi! Lẹ lên!

Người tôi cũng run đến nổi gai ốc. Có thật như vậy không? Ai báo cho chị cái tin lớn lao ấy? Dạo tết Mậu Thân, chúng tôi từng nhận và đưa lên báo không biết bao nhiêu tin tức, bài vở về cuộc chiến đấu của ta trên đường phố Sài Gòn. Nhưng cớ sao hôm nay lòng ai cũng nao nao chờ đón một cái gì khác thường nhưng lại tất yếu ấy. Sắp giải phóng Sài Gòn rồi thật sao?

Thì ra trong những ngày 27, 28 tháng 4 năm 1975, nhiều cán bộ đã thường xuyên liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, với Ban Thống nhất Trung ương và nhiều cơ quan có trách nhiệm khác nên biết ngày giải  phóng đã chắc chắn đến nơi. Cho nên lúc bấy giờ có một số gia đình cán bộ rủ nhau đi mua pháo, có gia đình mua tới 2-3 phong pháo để chờ khi Đài phát thanh Hà Nội báo tin quân đội ta đã giải phóng Sài Gòn là đốt mừng liền. Tại các cửa hàng bách hóa Tràng Tiền, Hàng Bài, Phố Huế, Hàng Da, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Cửa Nam… nhiều đồng bào cũng đã đi mua pháo như đi sắm Tết.

Sinh viên, học sinh trường Đại học và trung học khẩn trương tập dợt những điệu múa tập thể, những bài hát nói về miền Nam… để đón ngày chiến thắng. Tất cả những việc làm đó hình như hoàn toàn chủ động, tự giác một cách thật đẹp đẽ, đáng yêu.

Đêm 29/4, nhiều anh chị em trong tòa soạn báo Nhân Dân chẳng mấy ai ngủ được. Chúng tôi ngồi quanh chiếc đài Sony bốn băng dưới ánh sáng đèn điện Hà Nội, theo dõi tin tức trong nam, mà điểm mức nhứt là Sài Gòn. Chiếc kim đồng hồ trên tường của phòng thư ký tòa soạn nhích dần đến ngày 30/4. Phòng hành chánh của cơ quan tự nguyện xuất cho chúng tôi trà Thái Nguyên và thuốc lá Điện Biên bao bạc. Lại còn được bồi dưỡng tô mì gà. Tôi là người Cà Mau nên được ưu tiên một tô chất lượng hơn so với anh em khác. Quây quần bên chiếc bàn ăn, nhiều anh em nhắc lại những món miền Nam, những trái cây nam Bộ như xoài, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, măng cụt… Chưa bao giờ chúng tôi thấy gần gũi nhau như những ngày này.

Một anh bạn người miền Bắc, không biết nghe ai kể hay đọc ở đâu được tài liệu nói về trái cây miền Nam, anh kể một thôi, một hồi về vườn cây ăn trái Lái Thiêu ở Thủ Dầu Một. Anh còn nói Lái Thiêu cách Sài Gòn không xa và tháng nào có loại trái cây nào. Thế là nổ ra một trận cãi nhau muốn bể nhà. Ngay anh em Nam Bộ trẻ tuổi cũng chỉ nhớ lờ mờ, không biết đích xác tháng nào có sầu riêng, tháng nào có măng cụt, vú sữa… Không có ai làm trọng tài, nên chúng tôi cá nhau: Nay mai về Nam Bộ, ai nói trật thì người đó phải mua đãi anh em một bụng sầu riêng hoặc một bụng vú sữa… Lại một ông người Sa Đéc, anh Phương Tần nói như dao chém chuối: “Tụi mình về miền Nam. Về sài Gòn là bà con cho ăn chết luôn chớ mua bán gì…”

Nhân dịp này, tôi “quảng cáo” những món đặc sản của xứ sở tôi, anh nào anh nấy trố mắt, lè lưỡi, nghe cứ như trong truyện cổ tích, hoặc chuyện của một nơi nào đó xa lắc. Đó là càc món ăn về rắn, rùa, cua biển, cá đồng, chim rừng, một số loài hải sản mà những nơi khác ở nước ta hầu như ít nơi nào có như con ba khía chẳng hạn. Tôi nói: “Bao giờ giải phóng miền Nam, xin mời các anh vào mũi Cà Mau, quê hương tôi mà thưởng thức những món ăn đơn sơ nhưng đậm đà, hấp dẫn ấy”.

Ai nấy trong chúng tôi thấy miền Nam, thấy Sài Gòn, thấy Cà Mau càng gần gũi hơn bao giờ hết…

Những giờ phút chói lòa của buổi trưa 30/4/1975, một đời mgười không dễ mấy ai được sống thời điểm đẹp đẽ ấy của đất nước- thời điểm mà mỗi người hằng thiết tha, ước mơ, chờ đợi, trong suốt mấy mươi năm trời.

Sáng 304/1975, xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào dinh độc Lập, sào huyệt của chính quyền Sài Gòn - Ảnh sggp.org.vn

 Giờ phút chói lòa của lịch sử

Và thời điểm lịch sử tất yếu mà lạ lùng đã đến! Tất cả như gọi nhau đổ ra sân nhà, ngõ phố, đổ ra đường! Trên các đường phố, các khu tập thể, chung quanh Hồ Gươm… như choáng ngợp trước tin chiến thắng vĩ đại:

- Bà con ơi! Đồng bào, đồng chí ơi! Anh chị em ơi! Sài Gòn đã được giải phóng rồi!

- Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kéo lên ở dinh Độc Lập rồi! Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng rồi!

Đây đó người ta bàng hoàng reo lên trong dòng lệ. Hà Nội cười. Hà Nội khóc. Trái tim Tổ quốc đang đập những giờ phút xúc động nhất. Sau đó chúng tôi lặng đi. Nhiều người thút thít khóc. Ở giây phút thiêng liêng này ai cũng nghĩ tới bao đồng bào, đồng chí, cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.

Đó là giữa trưa 30/4. Một đời mgười không dễ mấy ai sống được thời điểm đẹp đẽ ấy của đất nước- thời điểm mà mỗi người hằng thiết tha, ước mơ, chờ đợi, trong suốt mấy mươi năm trời.

Sau những giờ phút chói lòa của buổi trưa 30/4, đường phố Hà Nội tiếp tục tràn ngập những dòng người mỗi lúc một đông. Gặp người thân là ôm chầm. Chưa quen, người ta cũng có thể bắt chuyện cười nói vui vẻ.

Khu tập thể chúng tôi có nhiều người già cười nheo như mếu. Bà Lê Điền, cắm nén hương trên bàn thờ con trai mình hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên năm nào. Anh cán bộ miền Nam tập kết mở an bom xem lại bức ảnh của cha mình mà anh hằng gìn giữ từ ngày xuống tàu tập kết ở cửa sông Ông Đốc (Cà Mau) từ năm 1954.

Một anh sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, quê ở Sài Gòn- năm 14 tuổi, anh theo cha vào chiến khu Tây Ninh làm cách mạng rồi được ra Bắc học. Giờ phút đầu tiên nghe Sài Gòn giải phóng, với tờ giấy đỏ, anh cắt rất khéo hình chợ Bến Thành, dán vào chai rượu Làng Vân, đi chia vui cùng anh em, đồng chí, bạn bè. Có lẽ đây là hớp rượu ngon nhất trong đời của mỗi chúng tôi. Rồi chúng tôi ca, chúng tôi hát, chúng tôi kể cho nhau những kỷ niệm về miền Nam, về Sài Gòn theo trí nhớ của mỗi người.

Ở khu tập thể Kim Liên, có mấy gia đình anh em miền Nam, sau khi nghe tin giải phóng Sài Gòn, liền ôm chăn bông (một loại mền bằng bông gòn, ở ngoài bọc một lớp vải dày), áo ấm sang bên cạnh cho gia đình một anh bạn người miền Bắc:

- Đây, tôi tặng hết cho ông đây. Nay mai tôi về Nam ấm áp rồi, không cần những thứ này nữa.

Việc làm này nhiều ông miền Nam hăm he từ lâu, bây giờ tới giờ phút thực hiện. Còn những gì nữa? Bàn ghế giường tủ, ai muốn “xí phần” chỉ cần trả một ít tiền “để tui uống nước dọc đường là được rồi” như có ông đã nói. 

Đêm 30/4, chung quanh hồ Hoàn Kiếm thật sự là một ngày hội lớn, thật sự là một hội hoa đăng của muôn người, muôn trái tim hướng lòng mình về thành phố Sài Gòn, về miền Nam, Cà Mau xa xôi mà gần gũi. Chúng tôi, trong đó có mấy anh bạn người Sài Gòn chen những đợt sóng người đầy màu sắc mà nói về bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, nói về Hóc Môn, Bà Điểm, Củ Chi, nói về dòng Bến Nghé, Nhà Bè, nói về dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ… Giờ này trong ấy đang cùng Hà Nội, đang cùng cả nước vui niềm vui lớn. Một người nói: “Chúng ta không hổ thẹn với trống đồng, không hổ thẹn với những người đã nằm xuống vì sự nghiệp cao đẹp của họ”.

Đêm 30/4, anh em bạn bè người nước ngoài ở Hà Nội cũng cùng xuống đường chung hưởng chiến thắng với ta. Bằng phong cách riêng, họ ca hát, nhảy múa, tặng hoa cho người Việt Nam. Các bạn cán bộ, công nhân viên ở Đại sứ quán Cuba, bên cạnh khu tập thể của tôi,, một nách kẹp chai rượu, một nách ôm đàn hát những bài hát vui, hoặc bập bẹ nói đôi câu tiếng Việt: “Hồ Chí Minh”, “Giải phóng!”… “Sài Gòn!”, “Chúc mừng!”. Đêm hôm đó, các cán bộ Đại sứ quán Cuba ở đường Lý Thường Kiệt nhảy múa ca hát suốt đêm, để mừng Việt Nam, mừng Sài Gòn…

Bước sang tháng Năm lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tấm bản đồ trước Câu lạc bộ Thống nhất bừng đỏ lên tận chót mũi Cà Mau, đỏ lên ngoài hòn Phú Quốc, Côn Đảo…

Mấy ngày sau đó, chúng tôi nhận được tờ báo Sài Gòn giải phóng- tiếng nói của nhân dân Sài Gòn- Gia Định xuất bản số đầu tiên từ Sài Gòn gửi ra bằng máy bay! Tờ báo lịch sử in giữa lòng Sài Gòn giải phóng ấy đến với chúng tôi vào lúc bảy giờ rưỡi tối. Mọi người nâng niu chuyền nhau. Chao ơi! Ảnh Bác Hồ mỉm cười phóng lớn một phần tư trang báo được viền bằng hoa văn đỏ. Những con chữ tít lớn cũng đỏ, trang nghiêm mà vui như muốn nhảy ra. Màu đỏ là màu tươi nhất, thắm nhất trong suốt hai trang báo: “Sau 50 ngày đêm tiến công và nổi dậy liên tục, sáng 1/5/1975, Quân và dân ta hoàn toàn làm chủ toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam; Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử!...”. Tòa soạn báo đặt tại 174 đường Hiền Vương và in tại Tân Minh ấn quán, 432 Hồng Thập Tự, Sài Gòn 3.

Sau đó, tờ báo được được đưa lên phòng thư ký tòa soạn và khai thác ngay để ngày mai bạn đọc Hà Nội, bạn đọc toàn miền Bắc cùng chung vui với miền Nam, với Sài Gòn.

Đó là món quà đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ Sài Gòn sau giải phóng.

(Trần Thanh Phương // Trích Hồi ký Ngòi bút và cây kéo)

(Tin Chính phủ)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Khúc khải hoàn còn mãi với thời gian
  • Miễn thuế nhập khẩu máy thu trực canh cấp cho ngư dân
  • Người thương binh liệt 20 năm tập đi
  • Mười cô gái Lam Hạ: Mãi mãi tuổi đôi mươi
  • Kinh tế khó khăn, vợ chồng "thắt chặt" sinh đẻ
  • Chevrolet Cruze đã có giá chi tiết
  • Bài học từ những lời nói thẳng
  • Dừng thẩm định hồ sơ đăng ký mở ngành bậc đại học, cao đẳng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi