Việc cúp điện nhiều đã vượt quá sức chịu đựng của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp sản xuất. Ông Nguyễn Phong Hải, tổng giám đốc công ty cổ phần Sao Biển, Kiên Giang cho biết chỉ trong vòng 13 ngày từ 20.4 đến 2.5, doanh nghiệp của ông bị cúp điện đến sáu ngày từ 5 giờ đến 23 giờ.
![]() |
Mùa cúp điện, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản chỉ vận hành 50% công suất. Ảnh: Ngọc Tùng |
Ông Hải đặt vấn đề: “Cúp điện vô tội vạ như vậy liệu có ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm của nước ta hay không và khi hoạch định chính sách các nhà hoạch định có tính đến yếu tố này? Đối với doanh nghiệp khi ký hợp đồng kinh tế đều bị ràng buộc bồi thường nếu dịch vụ, hàng hoá cung cấp không đạt phẩm chất hay giao hàng không đúng thời hạn. Nhưng ngành điện đã bao giờ chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp khi không cung ứng đầy đủ theo hợp đồng hay chưa?”
Mặc kệ doanh nghiệp
Ông Hải bức xúc: “Mấy năm trước mùa tiết giảm điện ở Rạch Giá cũng chỉ cúp điện 4 – 5 ngày mỗi tháng, thời gian cúp điện trong ngày cũng không quá năm giờ đồng hồ. Gần đây, lịch cúp điện đối với Sao Biển tối thiểu ba ngày mỗi tuần, thời gian cúp thường là từ 5 giờ sáng đến nửa đêm – bình quân 18 tiếng/ngày”. Theo ông Hải, ngày cúp điện Sao Biển phải duy trì nguồn điện cho hệ thống kho lạnh bằng máy phát, chi phí lên đến gần 30 triệu đồng, doanh nghiệp khó kham nổi trong thời gian dài. Bên cạnh đó, hơn 200 công nhân bị giảm gần phân nửa do khối lượng sản phẩm thấp vì thời gian hoạt động của nhà máy bị rút ngắn. Là doanh nghiệp chế biến hải sản nên việc nhập nguyên liệu phụ thuộc vào lịch đi về của lực lượng tàu đánh bắt. Chỉ riêng ở khâu nguyên liệu, mùa cúp điện như hiện tại phải đi mua nước đá từ nơi khác đem về để sử dụng cho nhu cầu bảo quản. Đây lại là cơ hội cho những nhà máy nước đá được cánh nhà đèn ưu ái không cúp điện. Ông Hải cho biết, nếu mua tại chỗ giá nước đá chỉ khoảng 8.000 đồng/cây, mùa này phải mua nước đá từ nơi khác tính ra khoảng 18.000 – 19.000 đồng/cây.
Sáng chủ nhật 25.4, ông Phan Quốc Nam, giám đốc công ty TNHH Long Uyên tại khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang dở khóc dở cười vì điện đóm tắt ngấm. Nhìn hơn 200 công nhân đang đứng xớ rớ vì không có việc làm và thông báo cúp điện từ 6 giờ đến 18 giờ của điện lực, ông Nam quyết định đi thuê máy phát điện để duy trì sản xuất. “Chúng tôi đang sản xuất lô hàng mười tấn xoài cắt miếng đóng hộp đông lạnh xuất khẩu, nhưng điện cúp liên miên như vầy thì chỉ có nước… bồi thường hợp đồng”. Ông Nam cho biết thêm, ngoài việc cúp định kỳ theo lịch, những trường hợp cúp điện đột xuất không thể tính xuể. Theo tính toán của công ty Long Uyên, mỗi ngày doanh nghiệp này chi phí khoảng 500.000 đồng tiền điện nhưng khi thuê máy phát điện phải tốn 5 triệu đồng/ngày.
![]() |
Thông báo cúp điện tại công ty Sao Biển, Kiên Giang |
Người lao động thất nghiệp
“Doanh nghiệp của tôi có giấy phép ưu tiên không bị cúp điện đột xuất do UBND tỉnh Tiền Giang và sở Công thương xác nhận, nhưng tờ giấy đó chẳng có nghĩa lý gì với mấy ông điện lực. Nhiều lúc, hợp đồng thu mua nguyên liệu đã ký kết với nhà vườn, họ mang trái cây kìn kìn đến công ty thì… điện cúp, chúng tôi đành cắn răng mua hết nguyên liệu vì không thể để nhà vườn mang về, dù biết sau đó phần lớn nguyên liệu phải đổ bỏ vì mất chất lượng. Cay đắng hơn, rất nhiều lần chúng tôi được điện lực thông báo cụ thể thời gian mở điện trở lại nên huy động nhân công, nguyên liệu tập trung chờ có điện để sản xuất, nhưng chờ nhiều giờ liền cũng không có điện, đành cho công nhân nghỉ việc, bỏ nguyên liệu”, ông Nguyễn Xuân Huy, giám đốc công ty cổ phần chế biến xuất khẩu trái cây Ngọc Ngân ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, bức xúc.
Ở khu chợ lúa gạo đầu mối Bà Đắc và cụm công nghiệp chế biến gạo xuất khẩu thuộc huyện Cái Bè tình trạng cúp điện vô tội vạ làm các nghiệp chủ điêu đứng. Ông Bùi Thạch Sương, chủ một doanh nghiệp lau bóng gạo xuất khẩu ở khu vực Bà Đắc, cho biết mỗi lần điện cúp là nhà máy đóng cửa, khi có điện lại vào 22 – 23 giờ đêm thì nghỉ luôn vì công nhân đã đi tứ tán. Không có điện, sản xuất ở khu chợ lúa gạo đầu mối lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long đình đốn, thương lái trễ đơn hàng ngồi ngáp vắn ngáp dài, dưới sông trên bờ hàng trăm xe tải, ghe tải đậu chết cứng chờ ăn hàng. Hơn 1.000 phu khuân vác nghèo ở chợ lúa gạo ở đây lâm cảnh thất nghiệp, vợ con nheo nhóc.
(Theo Hùng Anh – Ngọc Tùng // SGTT Online)
Doanh nghiệp vận hành 50% công suất Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, Tiền Giang cho rằng ngành điện có thể cúp điện năm ngày mỗi tuần nhưng đó phải là lịch cúp điện mang tính thường xuyên và rõ ràng về các mốc thời gian… để doanh nghiệp liệu cơm gắp mắm. Còn hiện tại thì doanh nghiệp luôn phập phồng không dám tổ chức sản xuất quy mô vì không biết lúc nào cúp điện. Và như vậy, mùa khô hầu hết các doanh nghiệp phải vận hành theo kiểu vừa làm vừa nghỉ với khoảng 50 – 60% công suất. Thiệt hại này không chỉ riêng doanh nghiệp phải gánh chịu mà những nhà kinh tế phải nhận ra hiệu ứng dây chuyền của nó. |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com