![]() |
Minh họa (nguồn: suckhoedoisong.vn). |
Tôi vẫn nhớ rất rõ khi một người bạn sau ba ngày mổ ruột thừa đã phải nằm phòng dịch vụ với giá 150.000 đồng một ngày vì không chịu nổi tiếng ồn trong phòng dành cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế với hơn một chục giường bệnh. Đó là chưa kể trong phòng bệnh này, người bạn của tôi phải nằm chung với một người nhưng khác bệnh tình trên một chiếc giường nhỏ.
Và trong khi bạn tôi được cấp thuốc theo bảo hiểm y tế là 250 đồng/1 lần uống thì người mổ ruột thừa cạnh giường lại dùng thuốc với giá 25.000 đồng/1 lần uống, mặc dù tình trạng sức khỏe và thời điểm mổ rất giống nhau. Tất nhiên, giá tiền có thể chưa thể nói lên hết sự khác biệt, nhưng cung cách và thái độ phục vụ thì khác biệt rõ nét.
Có thể nói hiện nay khi vào bệnh viện khám bệnh sẽ có hai cổng riêng: một cổng tiếp nhận bệnh nhân có bảo hiểm y tế luôn trong tình trạng quá tải và một cổng dành cho bệnh nhân không có bảo hiểm.
Việc quá tải ở cổng dành cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế không chỉ ở khâu xếp hàng, ghi phiếu, mà ngay cả đối với cả bác sĩ, những người luôn dành rất ít thời gian cho bệnh nhân bảo hiểm, thậm chí nhiều khi chỉ hỏi thăm qua loa vài câu mà không hề “chạm” đến bệnh nhân.
Điều này hoàn toàn trái với y đức là tất cả mỗi bệnh nhân đều phải được đối xử công bằng, bình đẳng. Theo đúng lương tâm và trách nhiệm, trước mắt bác sĩ không thể có chuyện bệnh nhân giàu hay bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có bảo hiểm hay bệnh nhân không có bảo hiểm y tế. Tất cả họ đều là bệnh nhân và cần phải được chăm sóc, điều trị kịp thời.
Ở những nước phát triển, bác sĩ ở các bệnh viện công không cần biết và không được phép biết việc bệnh nhân có bảo hiểm hay không có bảo hiểm y tế. Nhiệm vụ của bác sĩ là khám và kê toa một cách khách quan, đúng bệnh và đủ liều. Những thông tin khác sẽ được y tá và các bộ phận khác xử lý. Tại phòng khám, người bệnh chỉ phải cung cấp cho bác sĩ những thông tin có liên quan đến bệnh trạng, tiền sử của bệnh để bác sĩ lưu vào nhật ký bệnh nhân trên máy tính, tuyệt không đả động gì đến việc bệnh nhân có bảo hiểm y tế hay không.
Sau khi được khám và kê toa, người bệnh có thể đến bất kỳ quầy bán lẻ thuốc nào để “nhận” thuốc. Đây là nơi duy nhất mà bệnh nhân sẽ đưa ra giấy bảo hiểm y tế (nếu có) để thay cho việc tính tiền. Sau đó, các tiệm thuốc sẽ tự động thanh toán các phiếu bảo hiểm ấy đối với các công ty bảo hiểm.
Việc theo dõi các phiếu bảo hiểm là không khó vì tất cả các máy tính đều nối mạng và chỉ mất 30 giây là nhân viên quầy thuốc đã có thể kiểm tra được đơn thuốc và thẻ bảo hiểm có hợp lệ hay không. Tất nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm sẽ ghi rõ những loại thuốc và công cụ y tế trong phạm vi bảo hiểm. Ngoài danh sách đó, người bệnh có thể phải trả thêm một khoản tiền nho nhỏ nhưng việc này là rất hiếm nếu đó là những căn bệnh thông thường.
________________________________
(*) Khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ
(Theo TS. Phan Trung Hiền (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com