Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng Trung Quốc lại được tiếp sức

Bằng việc áp thuế xuất khẩu tiểu ngạch ở mức 0%, các mặt hàng áo quần, đồ chơi trẻ em, rau củ quả và phân bón của Trung Quốc được trợ sức để vào sâu và xa hơn trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh cơ hội hạ giá bán của sản phẩm, các ý kiến dưới đây cho thấy, xuất hiện nỗi lo về kiểm soát chất lượng và an toàn cho người sử dụng

Bà Đặng Quỳnh Đoan - Giám đốc công ty thời trang Việt Thy:

Lo nhất là hàng không bảo đảm an toàn

Nay có điều kiện thuế suất xuất khẩu bằng 0%, tức là hàng Trung Quốc nhập vào nhiều hơn, lại phải tính kế sách khác, chứ chờ hàng rào thuế quan hay kỹ thuật thì chậm mất. Lo nhất là hàng của các cơ sở nhỏ Trung Quốc sản xuất gồm cả hàng nhái cao cấp đến hàng nhái thấp cấp của Việt Nam. Người tiêu dùng ra trung tâm thương mại Hoàng Thành mua hàng xuất khẩu tồn kho giá chỉ 80.000 – 90.000đ/áo, đâu có biết đó là hàng Trung Quốc. Hàng chợ bán ở An Đông vài chục ngàn cũng là hàng Trung Quốc. Tràn ngập là vậy, tiềm ẩn nguy cơ về hoá chất như vụ formol trong vải vừa rồi, sắp tới còn có thể xảy ra tình trạng chất nhuộm màu hay phụ kiện thời trang có chứa chất độc chẳng hạn (vì giá quá rẻ). An toàn của nền kinh tế, an toàn của người tiêu dùng, thấy đáng lo…

  

Bà Ngô Thị Báu - Giám đốc công ty thời trang Foci:

Phải có hàng rào kỹ thuật tốt

Thuế có giảm bằng 0 thì hiện tại hàng Trung Quốc nếu sản xuất đúng chất lượng vẫn có giá thành cao hơn hàng may mặc Việt Nam vì đồng tệ đang có giá, vì phải chịu chi phí vận chuyển trong lúc giá xăng dầu đang cao… Nhưng nếu sản xuất kém chất lượng, sản xuất hàng nhái, hàng giả na ná thì hàng Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với bất cứ loại hàng nào của nhà sản xuất Việt Nam. Vấn đề ở đây là làm sao để hàng Trung Quốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không thể nhập khẩu, cũng như phải có hàng rào kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm.

Tôi tin là nếu kiểm tra thật chặt, doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh bất kỳ loại hàng Trung Quốc nhập khẩu nào.

    

Ông Huỳnh Văn Khánh - Tổng giám đốc công ty Kỹ Thuật Mới:

Tính đúng và đủ thuế, chưa chắc không cạnh tranh được

Xưa nay hàng tiểu ngạch Trung Quốc xuất khẩu là đi từ các chợ nhỏ biên giới, không bị tính thuế. Vào cửa khẩu Việt Nam, tiếng là kiểm tra chặt chẽ kiến qua không lọt, nhưng cả đàn voi vẫn tràn vào. Hàng Trung Quốc bán chạy nhờ giá rẻ, nhờ nhập cũng không bị thuế nên mới đi khắp các tỉnh thành cả nước dễ dàng. Hàng dệt may, hàng giày dép đã điêu đứng. Công ty Kỹ Thuật Mới tưởng là độc quyền sản xuất lồng đèn nhựa trung thu cho trẻ em Việt Nam, liên tục bị hàng Trung Quốc dập cho tơi bời. Sản xuất lịch treo tường cao cấp, cũng bị làm giả… Nên tôi nghĩ, phía Trung Quốc miễn thuế là chính sách kích thích xuất khẩu của họ. Phía Việt Nam chỉ cần tính thuế đúng, tính đủ cho từng kiện hàng nhập vào, giống như hải quan đã và đang tính cho hàng Việt Nam xuất đi các nước, là hàng Trung Quốc của các cơ sở nhỏ kém chất lượng không có cơ hội tràn vào nữa.

    

Bà Hoàng Ngọc Vy - tổng giám đốc Viễn Thông A:

Cơ hội đi kèm rủi ro với người dùng

“Được giảm một đầu thuế, tất nhiên giá sẽ rẻ hơn. Điều đó sẽ làm hàng hoá tràn vào nước ta nhiều hơn. Chính sách trên có thể gây khó khăn cho một ngành nghề sản xuất của nước ta nhưng riêng lĩnh vực điện máy, điện tử, người tiêu dùng có thêm cơ hội, nhất là người dân ở các vùng nông thôn. Tôi nghĩ, tại các đô thị, trung tâm dân cư đông, người tiêu dùng đã biết phân biệt đâu là hàng chất lượng cao, đâu là hàng kém chất lượng để có sự chọn lựa cuối cùng. Chúng tôi đang có kế hoạch tiến về nông thôn nhưng nếu hàng hoá giá rẻ tràn về nhiều sẽ gây khó khăn nhưng không đến nỗi bi đát. Họ giảm thuế hay làm gì đó là quyền của họ nhưng thiết nghĩ, Nhà nước cần có những biện pháp kỹ thuật để kiểm định chất lượng. Hàng không đủ tiêu chuẩn, kiên quyết không cho nhập. Còn với các hệ thống bán lẻ, cửa hàng…, cũng phải tự kiểm soát chất lượng hàng hoá mà mình bày bán để đảm bảo chữ tín với khách hàng”.

Bích Thuỷ – Gia Vinh

Những điều chỉnh chính sách quan trọng của Trung Quốc trong thời gian tới

Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra chính sách thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Theo đó, các mặt hàng dưới dây được áp thuế xuất khẩu xuống 0%, áp dụng trong tháng 7.2009, bao gồm:

+ Các sản phẩm công nghiệp nhẹ phục vụ tiêu dùng: hàng điện tử nghe nhìn, đồ điện gia dụng, các loại đồ chơi trẻ em, hàng may mặc, giày dép da, sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ.

+ Các mặt hàng thuộc nhóm vật tư, nguyên liệu: phân bón hoá học, các loại thuốc bảo vệ thực vật và bảo quản rau, quả, thực phẩm, các loại tấm lợp (tôn, nhựa), sản phẩm gỗ nguyên liệu (gỗ dán, gỗ thông xẻ, ván MDF).

+ Các sản phẩm nông nghiệp: các loại trái cây (cam, táo, lê, nho, ổi, dưa vàng, đào, mận biến đổi gen), các loại rau củ quả (rau muống trắng Quảng Tây, ớt xào, bắp cải tím, càrốt, khổ qua, bí đỏ quả dài, củ cải trắng).

Ngoài ra, Trung Quốc có quyết định tăng tỷ lệ hoàn thuế đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ nhằm giảm áp lực trong nước, hỗ trợ xuất khẩu và giữ vững thị phần trong các tháng tới. Theo đó, sẽ có hơn 2.600 sản phẩm chịu thuế suất hai chữ số được áp dụng tỷ lệ hoàn thuế mới, bao gồm các sản phẩm cần nhiều sức lao động, các sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm cuối. Tỷ lệ hoàn thuế chung sẽ tăng lên 13,5%, từ tỷ lệ 12,4% của lần điều chỉnh trước. Trong đó, tỷ lệ hoàn thuế đối với một số sản phẩm đồ gỗ bằng gỗ nguyên chất sẽ tăng lên đến 15%.

M.Q

 

Trung Quốc có chiến lược, chiến thuật rõ ràng

Thông tin Trung Quốc khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch trở lại có lẽ là vì tình hình xuất khẩu của họ đang gặp khó khăn. Việc họ hạ thuế xuất khẩu một số ngành hàng xuống còn 0% đúng hay sai thì phải xem lại các quy định của WTO nhưng tôi biết ít nhất đối với ngành hàng rau quả là họ làm đúng, thoả thuận Asean + 1 đã có hiệu lực cho phép như vậy. Họ đang tận dụng mọi cơ hội. Trong khi đó, ta phản ứng rất chậm chạp.

Cách đây 5 – 7 năm, tôi có đi khảo sát, Trung Quốc kiểm soát hàng tiểu ngạch của Việt Nam rất chặt, tới mấy tầng. Không chỉ kiểm soát tại biên giới mà khi vào sâu trong nội địa, tại các quốc lộ, họ đều có chốt chặn, nắm được mình xuất hàng gì, số lượng bao nhiêu, trên cơ sở đó đề ra biện pháp ứng phó. Con số thống kê xuất khẩu tiểu ngạch giữa mình và họ lúc nào cũng khác nhau, mình nhận mình xuất siêu, họ thì ngược lại, tôi tin con số của họ đáng tin cậy hơn.

Khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch, vì mình đang khó khăn, kinh tế sản xuất nhỏ lẻ, nên đã “lợi dụng” cơ hội để xuất khẩu sang đó nông lâm thổ sản, nhất là… cao su, việc này cũng có đóng góp nhất định cho sự phát triển của một số địa phương. Nhưng xuất tiểu ngạch chỉ có lợi trong ngắn hạn, về dài hạn có rất nhiều mặt trái. Doanh nghiệp của ta chỉ ăn xổi ở thì, muốn kiếm lợi trước mắt. Làm ăn với thương nhân Trung Quốc, lúc nào ban đầu họ cũng để cho ta có lãi nhiều, khi ta tập trung cho họ một lượng hàng lớn thì họ sẽ “chơi” bài ép giá. Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp ngoài Bắc mà trong Nam cũng làm ăn kiểu này và bị như vậy. Nếu doanh nghiệp cứ làm ăn theo kiểu tự phát, Nhà nước cứ buông lỏng quản lý thì hậy quả sẽ rất lớn.

TS Nguyễn Văn Nam,
Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu thương mại, bộ Thương mại

( Theo SGTT Online)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt
  • Hàng chục ý kiến phản biện đề án “bể than đồng bằng sông Hồng”
  • Hậu quả nào khi khai thác bể than sông Hồng?
  • Khó cho doanh nghiệp nhỏ
  • Hỗ trợ lãi suất: Đã giải ngân được gần 390.000 tỷ đồng
  • Áp lực với thị trường thực phẩm cuối năm
  • Cơ hội thu lời của DN bán lẻ xăng dầu
  • Chủ động đối phó dịch bệnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi