Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi mâm cơm vắng dần đĩa thịt

Bữa cơm đạm bạc của một gia đình. Ảnh: Minh Khuê.

Nguyễn Thị Chanh bước nhanh qua dãy hàng bán thịt lợn trong chợ Định Công, Hà Nội. Cô công nhân may mặc 22 tuổi hướng đến dãy hàng đồ khô nằm khuất nẻo ở phía góc. “Em toàn chọn cá khô thôi. Kho mặn ăn rất tiết kiệm”, Chanh nói một cách ngượng nghịu.

Bữa cơm của Chanh và ba người bạn trọ trong căn phòng vỏn vẹn gần chục mét vuông tại làng Định Công gần đó trông đơn sơ. Một ít cá khô, một đĩa rau muống luộc, và cơm, có lẽ chỉ cung cấp cho họ khoảng 1.200 calo một ngày, theo cách nói của các nhà dinh dưỡng, mức của những người nghèo ở Việt Nam. “Lâu lắm rồi, bọn em không dám ăn thịt”, Chanh nói, và cho biết thêm lương tháng của cô chỉ vỏn vẹn 1,8 triệu đồng. “Anh sang các phòng trọ khác mà xem họ ăn có giống bọn em không? Làm gì có thịt, cá tươi”.

Câu chuyện của Chanh và các bạn trọ không phải đơn lẻ. Bữa cơm của họ và nhiều người lao động nhập cư khác, hay bất kỳ người dân có thu nhập thấp nào ở Thủ đô nay đã trở nên teo tóp hơn nhiều so với trước. Lạm phát tăng cao suốt mấy năm vừa rồi đã để lại dấu ấn rõ nét trên mâm cơm của họ.

Hoàng Lan Hương, làm việc cho tổ chức Oxfam Anh tại Hà Nội, cho biết: “Giá cả tăng cao từ đầu năm nay làm giảm chất lượng cuộc sống, làm trầm trọng thêm các khó khăn cố hữu của người nghèo, người có thu nhập thấp”. Oxfam Anh vừa thực hiện một nghiên cứu về tác động của lạm phát tăng cao đối với các hộ có thu nhập thấp ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Cho dù không chứng kiến tình trạng thiếu đói gay gắt trong cuộc điều tra này, Oxfam ghi nhận hầu hết các gia đình đối phó với lạm phát bằng các cách như giảm tiêu dùng thực phẩm (thịt, cá), giảm sử dụng điện, cắt bớt chi tiêu giao tế, và nhận sự trợ giúp tạm thời của người thân.

Gần đây, bữa cơm của Chanh và các bạn trọ lại chịu thêm một áp lực lớn. Giá thịt lợn ở thủ đô đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 65.000 đồng/ki lô gam lên 130.000 đồng/ki lô gam chỉ trong vòng một năm nay, theo Cục Thống kê Hà Nội. “Điều đó tác động xấu đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam”, ông Ian Wright, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế, nhận xét. Theo nghiên cứu của viện này, trong số 100 người tiêu dùng Việt Nam, thì có tới 94 người ưa thích thịt lợn tươi sống hơn cả. Vì vậy mà khi giá thịt lợn tăng cao đã thu hút mối quan tâm đặc biệt của cả người dân và các cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng sốt ruột không kém người dân. “Tôi đề nghị cho tôi thông tin sự thật để xử lý”, ông Phát nói khi yêu cầu lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi thuộc bộ báo cáo những gì đang xảy ra với đàn lợn. Chỉ trong vài ngày qua, bộ này đã tổ chức liên tiếp hai cuộc họp về chuyện thịt lợn, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Nhưng với Nguyễn Văn Bình, một nông dân sống ở làng Yên Nghĩa cuối đường Lê Văn Lương kéo dài ở Hà Nội, mọi chuyện không phức tạp đến vậy. Khu chuồng lợn, nơi cho anh thu nhập chính trong suốt 20 năm qua đã bị dỡ bỏ. Ngồi trong căn nhà ba tầng khang trang xây từ tiền đền bù đất của tập đoàn Bất động sản Nam Cường, Bình nói: “Lãi suất và giá đầu vào tăng cao như thế chả ai dại gì nuôi lợn. Cả làng này chẳng còn mấy người nuôi. Mà nghề này với nghề làm đậu phụ từng nuôi sống cả làng hàng chục năm nay đấy”.

Anh Bình không phải là trường hợp duy nhất. Cách nhà Bình gần 200 ki lô mét, bà Lê Thị Hoa, chủ trang trại rộng 5.000 mét vuông nuôi lợn, gà, vịt ở huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Bà nói: “Tôi nói thật, nuôi lợn thế này chẳng còn lãi đâu vì giá thức ăn đã lên cao quá. Mà người dân ở đây chỉ còn toàn người già và trẻ con vì người lớn đi làm xa hết nên tiêu dùng ít lắm. Biết bán cho ai?”.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch biết rõ tình trạng này. Mỗi năm ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm tiêu thụ khoảng 10,5 triệu tấn thức ăn, trong đó khoảng 65% là nhập khẩu. Lượng nguyên liệu nhập khẩu năm sau nhiều hơn năm trước, trung bình tới 28%/năm trong vòng năm năm qua và tiêu tốn của đất nước 2-2,7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong vòng ba năm qua. Chỉ lên một biểu đồ về diễn biến giá thức ăn chăn nuôi theo chiều tăng cao, ông Lịch nói: “Cả nước này thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trầm trọng. Nếu Nhà nước cứ làm như hiện tại, không có kế hoạch, không có chỉ đạo cụ thể gì thì mức nhập khẩu còn tăng cao hơn nữa. Giá nguyên liệu tăng cao như thế thì người chăn nuôi còn đâu lãi”.

Báo cáo với Bộ trưởng Cao Đức Phát, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nói thật: “Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giá thực phẩm tăng mạnh là sự mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Chỉ trong vài năm gần đây số hộ chăn nuôi đã giảm từ 8 triệu xuống còn 3 triệu, nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã bỏ hẳn nghề”.

Đã bắt đầu xuất hiện những từ “bão giá” thịt lợn nói riêng, hay giá cả lương thực thực phẩm nói chung trên các phương tiện truyền thông. Chính quyền các tỉnh đã nhanh chóng công bố những chương trình trợ giá nhằm giúp người nghèo.

Nhưng tấm lưới an sinh xã hội còn lâu mới chắn đủ cho 13,5% người nghèo trong tổng số gần 90 triệu dân ở Việt Nam. Với tỷ trọng chi cho ăn uống chiếm tới 53% trong tổng chi tiêu đời sống ở các hộ gia đình Việt năm 2010, theo Tổng cục Thống kê, cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi lạm phát và cơn “bão giá” thịt lợn đang vần vũ.

Nguyễn Thị Chanh và các bạn trọ vẫn dùng điện thoại như cũ. Căn phòng chật chội của họ cũng được trang bị bếp gas, thay vì bếp than tổ ong. Nhìn qua thì mọi thứ có vẻ tốt hơn so với thế hệ cha mẹ cô. Nhưng mâm cơm của họ thì còn lâu mới cải thiện. “Em chả dám nghĩ gì đến yêu đương. Ăn còn chả đủ nữa là”, Chanh nói với một nụ cười buồn.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi