Thị trường với sức tiêu thụ mạnh, kích cầu tốt và đúng hướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Vì thế, khách hàng thường được so sánh như “thượng đế”. Tuy nhiên, không phải vị “thượng đế” nào cũng có ý thức tốt khi tham gia mua bán, trao đổi trên thị trường. Chính sự “yêu chuộng” hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là đối với những sản phẩm thời trang của những khách hàng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn của những thương hiệu nổi tiếng.
Ngày 23-8, các quan chức của Pháp và Italia, 2 quốc gia có nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thường xuyên bị làm giả và làm nhái, đã khuyến cáo người dân và khách du lịch nếu sử dụng quần áo, kính râm, túi xách tay, đồng hồ là hàng nhái sẽ bị xử phạt nặng. Mức phạt tiền tối đa là 300.000 EUR và mức phạt tù có thể lên đến 3 năm.
Hướng tiếp cận vấn đề không mới mẻ nhưng lại là bước ngoặt lớn trong nỗ lực đấu tranh chống nạn hàng giả tràn lan, với quy mô toàn cầu hiện nay. Thay vì nhắm đến việc truy tìm và xử phạt các băng nhóm làm hàng giả, hàng nhái thì việc xử nghiêm, phạt nặng những khách hàng đứng về phía bọn tội phạm này được đánh giá là biện pháp khá hữu hiệu.
Trong khi đó, tại Anh, thiệt hại từ hoạt động mua bán hàng nhái mỗi năm được Tổ chức thương mại hợp pháp Anh công bố khoảng 10 tỷ bảng (khoảng 16,5 tỷ USD). Tuy nhiên, Anh hiện vẫn chưa áp dụng hình thức nghiêm phạt đối với người sử dụng hàng nhái, mà chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền để người tiêu dùng cảnh giác không mua phải hàng nhái.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đến từ châu Âu, nạn làm hàng giả đang tạo thách thức ngày càng lớn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu.
Theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), trong năm 2008, cảnh sát tịch thu tổng cộng 178 triệu mặt hàng giả nhập vào 27 nước thành viên EU, trong đó hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng nhiều nhất. Số vụ liên quan đến hàng giả của năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cuộc chiến chống lại việc sản xuất và mua bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường đang rất khó khăn vì năng lực sản xuất của tội phạm ngày càng được nâng cao, quy mô sản xuất từ đó cũng được mở rộng. Nhiều tổ chức tội phạm quốc tế đã thông qua sản xuất hàng giả, hàng nhái để “rửa tiền” và sau đó lại dùng khoản lợi nhuận kếch xù này cho các hoạt động phạm pháp khác như buôn lậu ma túy và buôn bán vũ khí.
Ngoài hình thức xử nghiêm, phạt nặng những người tiêu dùng sử dụng hàng giả, hàng nhái, việc tuyên truyền để họ hiểu lượng tiền mặt họ bỏ ra để mua những mặt hàng này đang đi về đâu cũng đang được áp dụng. Đây là những biện pháp thiết thực để ngăn chặn đầu ra của những sản phẩm từ hành vi phạm pháp vô cùng nghiêm trọng này.
(Theo Hà Nhi // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com