Lò giết, mổ gia súc thủ công tại 298 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân).
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước mới chỉ kiểm soát được 45% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) có giấy phép của ngành thú y. Ngoài ra, còn 65% cơ sở không có hệ thống vệ sinh tiêu độc, khử trùng sau giết mổ; số cơ sở sử dụng nước máy chỉ chiếm 25%.
Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, việc giết mổ GSGC cũng đang là vấn đề "nóng" chưa có lời giải thỏa đáng khi mà hầu hết các lò mổ thủ công, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì hoạt động hết công suất, còn các lò mổ hiện đại, đầu tư hàng tỷ đồng thì hoạt động cầm chừng, thua lỗ nặng.
Tràn lan lò mổ "chui"
Kết quả điều tra mới đây của Cục Chăn nuôi cho thấy, cả nước có hơn 16.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm ATVSTP. Trong khi đó, kết quả giám sát tồn dư kháng sinh trong thịt của Cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) 6 tháng đầu năm 2009 cũng nêu rõ, vẫn còn gần 4,9% thịt lợn và 3,6% thịt gà, vịt có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Phó Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp đánh giá, việc kiểm tra ATVSTP đối với thịt tươi sống ngoại nhập rất khó khăn do đặc tính dễ hỏng của sản phẩm, cơ sở vật chất ở cửa khẩu còn hạn chế và tình trạng nhập khẩu tiểu ngạch tràn lan. Hầu hết các cơ sở buôn bán thịt của tư nhân chưa có thiết bị bảo quản lạnh, quầy lạnh.
Về việc Công ty Vinafood nhập thực phẩm hết hạn sử dụng gần đây, ông Tiệp cho rằng, rất khó quy trách nhiệm cho bên nào, vì Bộ NN&PTNT chỉ chứng nhận khâu chế biến, còn cấp giấy chứng nhận lại thuộc về Bộ Y tế. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cần xác định được trọng tâm kiểm tra và đối tượng kiểm tra mới có thể xử lý tận gốc được vấn đề, còn những giải pháp đưa ra và thực hiện thời gian qua chưa có tính hệ thống và chưa thấy lời giải thỏa đáng cho vấn đề kiểm soát ATVSTP. Chính vì vậy, trong thời gian chờ ban hành Luật An toàn thực phẩm, NAFIQAD đã kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ điều chỉnh, làm rõ một số nội dung phân công cho các bộ nay còn chồng chéo (trong kiểm tra, chứng nhận cơ sở chế biến thực phẩm nguy cơ cao; trong kiểm soát thực phẩm nhập khẩu). NAFIQAD đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình kiểm soát ATVSTP thịt trên phạm vi cả nước và sẽ bắt đầu triển khai lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu này tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Để việc quản lý chất lượng ATVSTP có hiệu quả, cần giảm bớt sự chồng chéo giữa các bộ, một đối tượng sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan chức năng.
Hà Nội nhiều ưu đãi, doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư
Trong lúc vẫn phải tạm thời cho các lò giết mổ thủ công hoạt động dù những cơ sở này không đáp ứng đủ các điều kiện về ATVSTP và môi trường, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ GSGC. Theo Kế hoạch 66/KH-UBND, đến hết năm 2010 TP Hà Nội sẽ xây dựng 7 cơ sở giết mổ, chế biến GSGC theo hướng tập trung, hiện đại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân. Ngày 10-6, UBND TP đã ban hành Quyết định 77/2009/QĐ-UBND quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC bảo đảm vệ sinh, ATVSTP, bảo vệ môi trường trên địa bàn nhằm khuyến khích các DN, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, TP đã dành nhiều chính sách ưu đãi cho DN như được giảm 50% đơn giá thuê đất, hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư nhiều hạng mục, được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn điều lệ của quỹ đầu tư phát triển TP với thời hạn vay vốn tối đa là 15 năm, trong đó 1 năm ân hạn.
Thế nhưng, phần lớn các DN lại không mặn mà đầu tư cho lĩnh vực này. Hà Nội đã có những dây chuyền giết mổ khá hiện đại và chuyên nghiệp nhưng lại bị "đắp chiếu" một chỗ, trong khi người dân vẫn phải sử dụng thịt không sạch từ nhiều năm qua. Khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm năm 2005-2006, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) đã đầu tư xây dựng một cơ sở giết mổ hiện đại với công suất từ 700-1.000 con gia cầm với số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi xây dựng, cơ sở giết mổ này chỉ hoạt động có 6 tháng, và số tiền thua lỗ cũng bằng đúng số tiền đầu tư xây dựng. Tổng Giám đốc Hadico Phan Minh Nguyệt cho biết: Tiền lỗ DN hoàn toàn tự chịu, vì vậy, dù rất muốn hoạt động nhưng đơn vị này phải cho dừng và đóng cửa, để không dây chuyền này. Nguyên nhân việc thua lỗ được ông Nguyệt lý giải là do cơ chế cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông Nguyệt, mỗi con gia cầm đưa vào giết mổ tại đây phí giết mổ sẽ tăng khoảng 5.000 đồng. Trong khi đó, ngay tại lề đường, ngoài chợ không mất phí giết mổ, chỉ cần 3-5 phút là có thực phẩm mang về chế biến. So với dây chuyền giết mổ gia cầm của Hadico, cơ sở giết mổ Lương Yên của Tổng Công ty Hapro có số vốn đầu tư lớn gấp nhiều lần, với 200 tỷ đồng. Nhưng khi hoạt động, chi phí giết mổ một con gia súc cũng không rẻ, 100.000 đồng/con. Nếu so sánh, gia súc giết mổ ở lò thủ công Thịnh Liệt chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/con, rõ ràng không người kinh doanh nào muốn đưa gia súc đến nơi giết mổ công nghiệp.
Chính sách của thành phố đã có nhưng nếu thiếu quyết tâm và những cơ chế rõ ràng, Hà Nội khó có thể xóa sổ được giết mổ thủ công vào năm 2010. Thói quen của người tiêu dùng có thể thay đổi, DN vẫn có thể hoạt động có lãi nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường, thú y tại các chợ.
(Theo Bạch Thanh // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com