Các tỉnh ven biển miền trung nước ta hằng năm bị thiên tai, bão lũ tàn phá, làm thiệt hại lớn đến người và tài sản. Ðể hạn chế thấp nhất những hậu quả do thiên tai gây ra, vừa qua, dự án xây dựng "Nhà cộng đồng tránh lũ" để người dân đến tạm trú trong những ngày lụt bão hoặc làm nơi sinh hoạt cộng đồng được triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy tác dụng. Ðây là mô hình mới cần được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng để từng bước nhân rộng ra các vùng ngập lụt và các địa phương.
Trở lại những nơi mà cơn bão số 9 (cuối tháng 9-2009) đi qua, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản của người dân ở miền trung-Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... thì mới thấy hết được việc chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra hết sức quan trọng. Ðặc biệt, hiệu quả, tác dụng của việc triển khai xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ đa năng "2 trong 1" (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa) để làm nơi cho người dân đến tạm, lánh nạn trong những ngày bão lũ và sử dụng nơi sinh hoạt cộng đồng lúc bình thường.
Có mặt tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng, nơi có công trình nhà sinh hoạt cộng đồng đa năng "2 trong 1" được đưa vào sử dụng trước khi cơn bão số 9 đổ bộ vào Ðà Nẵng, với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ đồng do Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung và cộng đồng hỗ trợ xây dựng. Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà hai tầng với diện tích hơn 228 m2 kiên cố, cao ráo, anh Võ Trọng Giáp giải thích: Gọi là nhà đa năng bởi tòa nhà có hai tầng kiên cố, tầng dưới làm nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi của người dân; tầng trên được thiết kế cao hơn 1,5 m so với đỉnh lũ năm 1999, có nhà bếp, nhà vệ sinh, máy phát điện, giường, chiếu... Theo thiết kế, nhà có đủ chỗ cho hơn 200 người ở trong một thời gian nhất định, với đầy đủ dụng cụ sinh hoạt thiết yếu.
Anh Ngô Văn Khả, Trưởng thôn Phong Nam, xã Hòa Châu kể lại: Khi bão số 9 đổ bộ vào, nước lũ dâng lên ngập cao hơn 1,5 m, làm cho hàng trăm căn nhà trong thôn bị ngập nước, đe dọa đến tính mạng người dân. Tuy nhiên, địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt, nhất là khi lũ ở báo động 2, người dân trong thôn đã sơ tán người già và trẻ nhỏ lên nhà cộng đồng để trú tạm.
Nhà cộng đồng chỉ sử dụng khi có bão lụt, còn những lúc bình thường thì để không sao? Tôi hỏi. Anh Khả, cho biết: Trước đây, mỗi khi nghe thông báo có bão lụt thì anh em phải chạy đua cùng nước lũ và cùng người dân tránh lũ. Nay có nhà cộng đồng thì tác dụng đa năng của ngôi nhà đã được phát huy tốt, phục vụ kịp thời cho hàng trăm bà con trong thôn tạm trú trong những ngày lũ lên cao. Ngoài ra, ngôi nhà giúp cho địa phương rất nhiều như làm nơi cho người dân nơi đây tổ chức họp chi bộ, họp dân hoặc làm nơi dạy học, sinh hoạt cho trẻ em trong thôn ...
Mô hình nhà tránh lũ kiên cố đầu tiên ở Ðà Nẵng cũng như ở miền trung được xây dựng tại tổ 25, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng với kiến trúc hai tầng, khá kiên cố với diện tích sử dụng khoảng 300 m2. Tầng trệt được xây dựng theo dạng kiến trúc mở, thoáng. Cán bộ và bà con nhân dân ở đây thường dùng nơi này để sinh hoạt, hội họp, làm sân khấu biểu diễn văn nghệ, tập kết hàng cứu trợ như gạo, mì tôm... rất an toàn, hợp lý. Tầng trên rộng rãi, thoáng mát, có nhà vệ sinh nam nữ, có bếp nấu ăn, phòng đọc sách và một cái bồn luôn chứa khoảng 1.000 lít nước. Ngoài ra, mấy năm trước khi có lụt lớn, bà con ở trong những căn gác thấp, trong những ngôi nhà nằm sâu trong bờ rào, cây cối... rất khó khăn cho các đội cứu hộ đến từng nhà để tiếp tế lương thực. Năm 2009, khi người dân tập trung tránh lũ tại ngôi nhà này thì ca-nô chở gạo, mì tôm đến tận chân cầu thang nhà cộng đồng, rất tiện lợi. Nhà cộng đồng đa năng tránh lũ này được tài trợ do Quỹ phòng chống thiên tai Luxembourg - Hà Lan, thông qua Quỹ phòng, chống thiên tai TP Ðà Nẵng và tổ chức phi chính phủ CECI vào cuối năm 2006, với kinh phí 563 triệu đồng, trong đó bà con góp vốn đối ứng, đóng góp 20 triệu đồng.
Sau khi thấy được hiệu quả của nhà đa năng tránh lũ, với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp và đi đầu là lãnh đạo của Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung thì nhiều công trình đã, đang đầu tư, nhân rộng ra khắp nơi như ngôi nhà cộng đồng tránh lũ ở thôn An Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã được đưa vào sử dụng tổng diện tích 2.500 m2, với số tiền xây dựng là 1,9 tỷ đồng. Ngôi nhà là nơi tránh lũ an toàn cho hơn 300 hộ dân và cũng là trường mẫu giáo, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân thôn An Phú-nằm giữa sông Trà Khúc. Ðây là một công trình có ý nghĩa khi lũ lớn xảy ra, người già, trẻ em và số gia đình có nhà không an toàn sẽ có nơi để tránh lũ, nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngược về thôn Cẩm Nê, Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng, nơi công trình Trường Mầm non Hòa Tiến 1 mới được khởi công xây dựng. Ngôi nhà hai tầng được xây dựng trên diện tích gần 600 m2, trị giá 2,5 tỷ đồng do Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung và các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư. Công trình này đang được thi công khẩn trương, kịp bàn giao trước mùa mưa bão năm nay. Chị Huỳnh Thị Vân, nhà đối diện ngôi trường đang xây, vui mừng nói: Ở khu vực này, hễ có mưa bão là nước lũ ngập cao hơn 1,5 m nên rất nguy hiểm. Khi chứng kiến lễ khởi công công trình này người dân trong thôn phấn khởi vì từ nay không phải lo lắng khi đưa con đi học nữa và ngôi trường được xây dựng kiên cố, cao ráo như thế này thì mùa bão, lụt sẽ là nơi cho trẻ em, người già đến trú tạm rất an toàn.
Ông Nguyễn Ðăng Lâm, Giám đốc Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung cho biết: Cũng từ mô hình nhà tránh lũ ở Ðà Nẵng, gần đây, Quỹ đã triển khai xây dựng được 15 công trình phòng, tránh thiên tai ở những vùng trũng thấp tại 10 tỉnh, thành phố của miền trung để vừa làm nơi sinh hoạt, học tập, khám, chữa bệnh cho nhân dân, vừa phòng, tránh khi có lũ lụt. Riêng trong năm 2010, Quỹ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng ít nhất 30 dự án phòng, tránh thiên tai, trong đó đang triển khai xây 15 nhà tránh lũ cộng đồng ở Quảng Trị, Ðà Nẵng, Phú Yên, Thừa Thiên-Huế...
Miền trung là nơi hằng năm chịu nhiều thiên tai lụt bão, các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực "rốn lũ" nên đầu tư xây dựng nhiều nhà tránh lũ, bởi mô hình nhà cộng đồng đa năng, ngoài việc tránh lũ ra, nơi đây còn tổ chức các cuộc sinh hoạt, họp hội, làm sân khấu biểu diễn văn hóa, thư viện... và có thể thay cho nhà họp thôn ở các khu vực thấp lụt, rất là thuận lợi, kinh phí xây dựng không cao. Với tác dụng đa chức năng của ngôi nhà tránh lũ, mô hình này đã được một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền bắc và duyên hải miền trung đến tham quan, học tập. Mới đây, tại hội thảo về ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng đã đưa ra hình ảnh mô hình nhà tránh lũ đa năng của địa phương được các nhà khoa học, chuyên gia rất hoan nghênh. Nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng nhà cộng đồng phòng, tránh thiên tai là việc làm rất thiết thực và có tác dụng lâu dài cho nhiều thế hệ.
Mùa mưa bão sắp đến, cùng với các phương án phòng, chống lụt bão thì nhà tránh, trú bão đã, đang phát huy hiệu quả, tác dụng trong công tác phòng, tránh thiên tai. Tuy nhiên, để các công trình nhà cộng đồng như nhà tránh lũ, trường học, trạm y tế... có hiệu quả, thì chính quyền địa phương cùng phối hợp với Quỹ hỗ trợ thiên tai miền trung tiếp tục đầu tư, bổ sung trang, thiết bị làm thế nào vận hành sử dụng hợp lý, thiết thực cho người dân. Cùng với đó, chính quyền và nhân dân ở các tỉnh bị bão, lụt tàn phá, thì thường xuyên tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhất là chủ động triển khai thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống lụt bão sâu rộng, nhằm phòng, tránh thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
(Theo Lê Ðức Nghĩa // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com