![]() |
Anh Bảy hướng dẫn bà con tìm kiếm thông tin nông nghiệp trên internet. |
“Bảy ơi, mở máy tính cho bác 'sợt' xem người ta nuôi bò sữa ra sao”. Những mái đầu thơm mùi đất tụm lại trước màn hình máy tính click chuột nhoay nhoáy .
Uống cà phê, “sợt” nét
Ai có dịp đi ngang ấp Hậu, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM) hẳn không khỏi bất ngờ khi quán cà phê duy nhất của ấp có cái tên đặc biệt: “Cà phê Khuyến nông”. Càng bất ngờ hơn nữa khi trong quán có mặt các “lão nông tri điền” quây quanh chiếc máy tính tìm thông tin sản xuất, nuôi trồng, đọc sách báo, chơi cờ tướng và uống cà phê.
Cà phê có giá “hữu nghị”, 4.000 đồng/ly. Câu chuyện làng quê xung quanh mẫu ruộng sân vườn: “Hôm rồi tôi “sợt” được cách nuôi trăn hay lắm. Lúc cán bộ nông nghiệp về tập huấn, tui có hỏi thì cán bộ khen rằng bác cập nhật thông tin giỏi quá, lúc nào làm sẽ có người về hướng dẫn cụ thể”. “Từ lúc tui xem trên trang khuyến nông và áp dụng vô cái vườn rau nhà tui, thấy sâu bọ bớt hẳn, vườn xanh rền, nhìn đã mắt thật”. “Hay quá, vậy lát nữa ông ghé qua vườn rau nhà tui cho ý kiến với nghen”...
Câu chuyện nhà nông cứ thế cuốn hút, rôm rả. Thông tin được bà con nông dân quan tâm thảo luận nhiều nhất là cách trị nấm cho cây trồng, phòng ngừa, trị bệnh cho gia súc, trồng rau sạch. Không khí trao đổi đôi lúc căng thẳng, đến mức có người lên tiếng giảng hòa: “Thôi nào các bác, để đến khi cán bộ về tập huấn, ta mang ra hỏi nghen”.
Xếp cẩn thận mấy cuốn tài liệu hướng dẫn trồng rau sạch vào tủ ngay ngắn, bác Võ Văn Manh (gần 80 tuổi, chủ quán cà phê Khuyến nông) cười móm mém: “Hồi tháng tư vừa rồi, có người của huyện về khảo sát, vận động mở quán cà phê cho bà con nông dân có nơi trao đổi chuyện làm ăn. Yêu cầu là phải rộng rãi mát mẻ, nằm ở trung tâm của ấp, gần ủy ban xã. Tui thấy hay quá nên đồng ý mở quán ngay tại nhà mình luôn”.
Quán trang bị một dàn máy tính nối mạng, có cả máy in cho bà con sao chép tài liệu. Một tủ sách với hơn 200 đầu sách báo, băng đĩa phần lớn là tài liệu chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Áp phích diệt loăng quăng bọ gậy, không sinh con thứ 3, đội mũ bảo hiểm… được dán trong quán.
Anh Võ Văn Bá, con thứ 7 của bác Manh, đã tham gia lớp đi tập huấn sử dụng máy tính, internet. Từ một người chỉ biết đọc biết viết, anh trở thành “chuyên viên” hướng dẫn sử dụng internet, tìm kiếm thông tin nông nghiệp cho bà con nông dân cả ấp.
Ông Phạm Văn Lâm, Chủ tịch Hội nông dân huyện Củ Chi cho biết, toàn huyện có 2 xã được chọn là xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đó là xã Tân Thông Hội, xã điểm cấp Trung ương và xã Thái Mỹ, xã điểm cấp thành phố. Cả 2 xã đều mở quán cà phê Khuyến nông kết nối internet.
![]() |
Ông Võ Văn Manh, chủ quán cà phê Khuyến nông. |
Không biết thì hỏi… Google
Từ ngày mở quán cà phê khuyến nông, bà con nông dân trong ấp dần trở nên quen thuộc với máy vi tính. Mỗi lần khó khăn chuyện gì trong sản xuất, chăn nuôi, bà con lại rủ nhau vào… Google. Ông Võ Văn Sáng, Phó Trưởng ấp Hậu, xã Tân Thông Hội cho biết, quán cà phê mới mở hơn 5 tháng nhưng đã giúp ích rất nhiều cho đời sống sản xuất của bà con. Nhiều bà con học theo các mô hình sản xuất trên báo và nuôi thành công bò sữa, nhím, trăn, trồng thêm hoa lan, hoa mai… Mỗi lần cán bộ nông nghiệp về tập huấn, bà con lại tập hợp đông đủ tại quán, vừa ghi chép vừa nêu thắc mắc trong những lần trao đổi, tìm kiếm trước đây.
Quán mở lúc 4 giờ sáng, khi bà con có người đi làm sớm. Các cụ già tuổi cao, khó ngủ cũng tới quán uống cà phê, chơi cờ tướng. Vào buổi trưa, quán trở thành nơi nghỉ ngơi cho bà con. Nhà nào có cách làm hay, mô hình mới liền mang ra chia sẻ với mọi người. Anh Bảy trực tiếp hướng dẫn bà con vào Google, tìm đọc các trang nongnghiep.vn, khuyennongvn.gov.vn, webchannuoi.com, trang web của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông thành phố…
(Theo Lê Quang Minh // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com