Daya Bay (Vịnh Ðại Á) là nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn trên quy mô thương nghiệp đầu tiên của Trung Quốc. Nhà máy này dùng hai lò phản ứng kiểu nước áp lực (Pressurized Water Reactor) PWR- 900 do Công ty Pháp Phra-ma-tôm cung cấp. Ðây là kiểu lò phản ứng mà tôi đã được thấy ở Nhà máy điện hạt nhân Tri-ca-xtanh bên bờ sông Rôn miền nam nước Pháp khi đi dự một lớp học về Ðiện hạt nhân do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cùng với Chính phủ Pháp tổ chức vào mùa hè năm 1980. Nước Pháp có tất cả 34 lò phản ứng PWR-900, trong mấy chục năm qua đều hoạt động an toàn, không hề xảy ra sự cố gì nghiêm trọng. Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Ðại Á được khởi công xây dựng ngày 7-8-1987. Việc xây dựng do Công ty Ðiện lực Pháp EDF đảm nhiệm theo phương thức chìa khóa trao tay. Lò phản ứng thứ nhất được đưa vào hoạt động thương mại ngày 7-2-1994, lò thứ 2 vào ngày 6-5-1994, công suất mỗi lò là 984MW, sản lượng điện bình quân hằng năm của nhà máy là 15 tỷ kWh, 70% cung cấp cho Hồng Công, 30% cho tỉnh Quảng Ðông.
Bên cạnh Nhà máy điện hạt nhân Daya Bay, Nhà máy điện hạt nhân Ling Ao 1 (Lĩnh Áo 1) được khởi công xây dựng ngày 15-5-1997 gồm hai lò phản ứng PWR của Pháp, công suất mỗi lò là 985 MW. Lò phản ứng thứ nhất bắt đầu cung cấp điện vào tháng 5-2002 và lò thứ hai vào tháng 9-2002.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của hai nhà máy điện hạt nhân Vịnh Ðại Á và Lĩnh Áo-1, Tổng công ty Công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc đã thiết kế và chế tạo ra lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc ký hiệu CPR-1000, công suất 1.000 MW. Tháng 12-2005, Nhà máy điện hạt nhân Lĩnh Áo đợt 2 đã được khởi công xây dựng với hai lò phản ứng CPR-1000, dự kiến trong năm 2010 sẽ đưa vào vận hành.
Tôi đã được bạn đưa đi xem bốn lò phản ứng đang hoạt động và hai lò phản ứng đang xây dựng, thăm bàn điều khiển, chỗ đưa nước biển vào làm mát lò, thăm Trung tâm đào tạo cán bộ vận hành rất hiện đại, v.v. Tôi thật sự có ấn tượng hết sức sâu sắc về khung cảnh nơi đây: Gần 4 triệu kW đang phát điện mà không khí trong lành, sạch sẽ, nhà cửa, đường xá xây dựng đẹp đẽ như một bức tranh.
Các bạn Trung Quốc cho biết, năm ngoái 2009, Bộ trưởng Năng lượng Thái-lan sau khi tham quan ở đây về đã cho một đoàn hơn 30 người vừa là nhà báo, phóng viên truyền hình sang đây quay phim, chụp ảnh để về giới thiệu ngành điện hạt nhân của Trung Quốc cho nhân dân Thái-lan có hiểu biết đúng đắn về điện hạt nhân, chuẩn bị cho việc phát triển điện hạt nhân ở Thái-lan. Các bạn Trung Quốc cũng nói với tôi là rất mong có nhiều nhà lãnh đạo, nhiều đại diện các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam sang thăm Cơ sở điện hạt nhân Vịnh Ðại Á (bao gồm các nhà máy điện hạt nhân Daya Bay, Ling Ao 1 và Ling Ao 2) để hiểu biết thêm về tình hình ngành điện hạt nhân Trung Quốc và tăng cường quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Tôi cũng đã được đến thăm trụ sở chính của Tổng công ty Công nghiệp Ðiện hạt nhân Trung Quốc là một toà tháp cao tầng nằm trong trung tâm thành phố Thâm Quyến, cách Cơ sở điện hạt nhân Vịnh Ðại Á chừng 60 km. Nơi đây trước kia chỉ là một làng chài nhỏ bé, từ sau năm 1978 thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, Thâm Quyến được xây dựng thành một đặc khu kinh tế (Economic Special Zone) và sau hơn 30 năm, đã trở thành một thành phố lớn thật đẹp đẽ và hiện đại với hơn mười triệu dân.
Tổng công trình sư và chuyên gia của Tổng công ty đã giới thiệu với tôi về tình hình hiện tại và triển vọng tương lai của ngành điện hạt nhân Trung Quốc. Với kinh nghiệm 15 năm vận hành an toàn 11 lò phản ứng hạt nhân (1994 - 2009), hiện nay Trung Quốc đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện hạt nhân với mục tiêu đến năm 2020 đưa công suất từ 9 triệu kW hiện nay lên 50 - 60 triệu kW và đưa tỷ lệ điện hạt nhân hiện nay là 1,5% lên 5%. Hiện nay trong cả nước có hơn 20 lò phản ứng CPR-1000 đang được xây dựng với giá thành chỉ 1.500 USD/kW trong khi trên thế giới phải cần 2.000 - 2.500 USD/kW. Tôi có hỏi tại sao giá thành lại rẻ như vậy thì bạn trả lời là do làm nhiều hàng loạt nên rẻ, tuy nhiên các lò phản ứng CPR-1000 của Trung Quốc vẫn bảo đảm các đặc điểm tiên tiến về công nghệ, an toàn, tin cậy.
Ðầu năm 2010 này Trung Quốc đã khởi công xây dựng tại Ðài Sơn trên bờ biển tỉnh Quảng Ðông một Nhà máy điện hạt nhân gồm hai lò phản ứng thế hệ thứ ba EPR (European Pressurized Water Reactor - Lò phản ứng nước áp lực Châu Âu) mua của Pháp, công suất mỗi lò 1.700MW, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2014 -2015. Trung Quốc cũng đang xây dựng 4 lò phản ứng thế hệ thứ ba AP-1000 mua của Mỹ, công suất mỗi lò 1.100MW. Trung Quốc hy vọng học tập kinh nghiệm của Pháp và Mỹ qua chuyển giao công nghệ, trong tương lai sẽ tự thiết kế và chế tạo lò phản ứng thế hệ thứ ba của Trung Quốc có thể vào năm 2016, công suất mỗi lò 1.400 MW (theo kiểu Mỹ) và 1.700 MW (theo kiểu Pháp).