Chín nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động là con số quá nhiều đối với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay.
![]() |
Indochina Telecom, mạng di động thứ 8 của Việt Nam, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Đây cũng là mạng đầu tiên hoạt động theo mô hình nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động ảo (MNVO).
Theo đó, Indochina Telecom là nhà khai thác không có tần số và phải thỏa thuận thương mại với một nhà khai thác có tần số (Indochina Telecom đã thỏa thuận dùng chung hạ tầng mạng 3G với Viettel) để triển khai mạng và cung cấp dịch vụ. Như vậy, Indochina Telecom sẽ mua sỉ dung lượng của các nhà khai thác có hạ tầng mạng và sau đó bán lẻ cho người tiêu dùng. Indochina Telecom được phép phát hành SIM, xây dựng hệ thống tính cước, quản lý khách hàng và xây dựng dịch vụ giá trị gia tăng bằng thương hiệu của mình. Dự kiến quý I/2010, Indochina Telecom sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trong thời gian không xa nữa, mạng di động thứ 9 của Việt Nam do Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm chủ sở hữu cũng sẽ được cấp phép. Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, VTC đã nộp hồ sơ xin cấp phép triển khai mạng viễn thông di động không tần số. Ông Thắng cho biết, bất kỳ doanh nghiệp nào nộp hồ sơ, Bộ cũng sẽ xem xét và cấp phép với điều kiện là các doanh nghiệp phải thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ không hạn chế số lượng giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, Bộ đảm bảo cho hoạt động viễn thông có hiệu quả bằng cách phân bổ tần số, tài nguyên viễn thông một cách hiệu quả nhất. Trên có sở đó, các doanh nghiệp sẽ xem xét xem có nên tham gia thị trường hay không.
Như vậy, với dân số 86 triệu người, nhưng Việt Nam có tới 9 nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động, một con số được cho là quá nhiều. Vào thời điểm cách đây gần 2 năm, khi Việt Nam mới có 6 mạng di động, ông Ricardo Tavares, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách công cộng của Hiệp hội GSM Thế giới đã cho rằng, con số này là quá nhiều đối với một thị trường như Việt Nam. Cũng theo ông, việc quay về con số 3 - 4 nhà khai thác là phù hợp nhất với thị trường Việt Nam.
Còn theo ông Jonathan Dharmapalan, Tổng giám đốc Trung tâm Viễn thông toàn cầu khu vực châu á - Thái Bình Dương của Ernst &Young, thị trường viễn thông Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn và cạnh tranh gay gắt khi có thêm các nhà khai thác mới.
Trước băn khoăn về việc Việt Nam hiện có khá nhiều mạng di động, ông Thắng cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam đang trong giai đoạn đầu mở cửa thị trường và quá trình cạnh tranh sẽ dẫn đến việc sáp nhập hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Với góc độ quản lý nhà nước, Bộ đảm bảo quy hoạch băng tần cũng như đưa ra những chính sách quản lý thích hợp để thị trường viễn thông phát triển bền vững nhất.
Nhìn nhận từ góc độ thị trường, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp 4 giấy phép 3G, đã xuất hiện xu hướng “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp. Trước hết là việc thành lập liên danh giữa EVN Telecom và Hanoi Telecom để cùng thi tuyển 3G. Mặc dù hai nhà khai thác này không cùng công nghệ (EVN Telecom sử dụng công nghệ CDMA còn Hanoi Telecom đã chuyển sang công nghệ GSM).
Tiếp đến là sự ra đời của mạng Beeline. Tuy là một nhà khai thác độc lập, nhưng nhà mạng này đang đàm phán với VinaPhone để có thể dùng chung hạ tầng 3G. Indochina Telecom thì chia sẻ sử dụng mạng 3G với Viettel. Còn S-Fone, trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo Đầu tư, cho biết có thể sẽ hợp tác với một trong 5 nhà khai thác có giấy phép 3G để triển khai cung cấp dịch vụ 3G cho khách hàng.
(Theo Thu Huyền // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com