Đầu tháng 6.2009, kênh truyền hình Rossia của Nga liên tục phát lại hình ảnh về tình hình hàng hoá tại khu chợ Cherkizovsky ở thủ đô Moscow, nơi tập trung hàng vạn người Việt làm ăn buôn bán và thường được biết đến với tên tiếng Việt “chợ Vòm”. Một tháng sau diễn biến này, toà án khu vực chợ Vòm quyết định đóng cửa khu chợ này trong thời hạn ít nhất 90 ngày vì các lý do liên quan đến vấn đề vệ sinh. Dẫu vậy, theo giới thạo tin, ẩn sau quyết định này là nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn khu chợ. Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti, trong một bản tin vào tối ngày 14.7.2009, đã dẫn lời ông Yuri Luzhkov, đô trưởng Moscow, nói rằng những thương nhân người Nga buôn bán tại khu chợ này sẽ được sắp xếp để có chỗ buôn bán tại các ngôi chợ khác, trong khi đó, những thương nhân khác, như Trung Quốc hay Việt Nam, đều sẽ phải rời khỏi Nga.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong những diễn biến nằm trong một chuỗi biến cố liên quan đến tình hình làm ăn buôn bán của người Việt tại Nga. Liên tục nhiều năm nay, các đợt truy quét hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (hàng “lậu”, hàng “nhái”, theo cách nói của người Việt) đã tác động mạnh tới đời sống của một bộ phận không nhỏ người Việt. Mở rộng hơn, có thể liên kết những biến cố này với những đợt truy quét và trục xuất người Việt nhập cư bất hợp pháp, những đợt đình chỉ nhập lao động Việt Nam và những đợt tạm ngưng cấp visa cho người Việt vào một số nước. Rõ ràng, di dân đã trở thành một vấn đề cần được cả xã hội suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Một cách khách quan, di dân ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia là một hiện tượng kinh tế – xã hội mang tính cách hậu thuộc địa diễn ra ở nhiều dân tộc sau giai đoạn là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt, sau chiến tranh lạnh, với sự mất cân bằng về kinh tế theo chiều bắc nam trên toàn cầu, hiện tượng này càng diễn ra một cách phổ biến. Không chỉ người Việt mà người Ấn, người Hoa cùng nhiều dân tộc khác cũng di dân đến những quốc gia khác. Và một cách tự nhiên, các quốc gia đón nhận luồng di dân cũng sẽ có những hình thức rào cản khác nhau chống lại luồng di dân.
Tạm gạt sang một bên những lý do liên quan đến chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa bảo hộ tại một số quốc gia, những lý do chủ yếu khiến người di dân không được các quốc gia tiếp đón (tạm dùng khái niệm này để chỉ các quốc gia nơi người Việt di cư đến) chấp nhận chủ yếu liên quan đến sự xung đột giữa các thói quen sống và thói quen làm ăn kinh tế giữa người di dân và cư dân bản địa. Trong nhiều trường hợp, nói trắng ra, đó là do người di dân vi phạm pháp luật và những chuẩn mực đạo đức – sinh hoạt của nước sở tại, từ những vấn đề lớn như buôn bán hàng lậu (trong đó có cả cần sa), trốn thuế, cho đến những vấn đề thuộc về nếp sống, nếp sinh hoạt. Và ở đây, vấn đề rõ ràng không phải là sự khác biệt văn hoá mà là việc có một số chuẩn mực đạo đức – sinh hoạt mang tính phổ biến toàn nhân loại đã không được tôn trọng.
Đến đây, có thể nói, di dân giống như một liều thuốc thử phản ánh bản lĩnh và khả năng đối thoại, hội nhập của một nền văn hoá. Dẫu hết sức phức tạp về mặt xã hội học, bao gồm cả những phần tử ưu tú và năng động lẫn những thành phần bị khiếm khuyết nhất, thì di dân vẫn là người mang theo nền văn hoá của xứ sở mình “đối diện” với những nền văn hoá khác. Và chúng ta sẽ không khó hình dung lối làm ăn manh mún, chộp giật, bất chấp đạo đức, lối sống bừa bãi, chà đạp lên mọi chuẩn mực văn minh tối thiểu của một bộ phận không nhỏ người Việt khi được “xuất cảng” ra nước ngoài sẽ trở nên những thứ ung nhọt và bị phản ứng dữ dội ra sao. Trong giới hạn đó, nếu chúng ta dám vượt qua những lôgích tự an ủi kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” thì những phản ứng đào thải người di dân Việt chính là một cơ hội để chúng ta nhận ra những khiếm khuyết trầm trọng của nền văn hoá của chính chúng ta, những khiếm khuyết mà vì sống quá lâu với chúng, người Việt trở nên “lãnh cảm” và được chấp nhận như một thứ đương nhiên. Chính những khiếm khuyết đó giải thích việc tại sao những “cuộc chiến” chống hàng hoá kém chất lượng; bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự giao thông và trật tự sinh hoạt đô thị lại diễn ra dai dẳng và “bất phân thắng bại” ở Việt Nam đến vậy.
Từ một phía khác, có lẽ, đã đến lúc vấn đề di dân cần có một sự “tiếp sức” ở phạm vi toàn quốc. Chúng ta không thể chặn đứng luồng di dân nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh để người di dân có được một sự chuẩn bị tốt nhất cho việc đến sinh sống và làm ăn ở một quốc gia khác. Trong những hoạt động này, các phương tiện truyền thông có thể có một vai trò tích cực. Có lẽ, cần phải có một chương trình giáo dục di dân hoà nhập vào đời sống nước tiếp nhận được phổ biến trên các kênh truyền thông được đông đảo người Việt ở nước ngoài đón nhận như VTV4. Đó chính là những hành động thiết thực bên cạnh việc chỉ thuần tuý thông tin về những thành công của một thiểu số di dân người Việt ở nước ngoài hoặc những chương trình, bài viết thuần tuý giải trí.
“Trục trặc” của cộng đồng người Việt ở xứ người Tại Đức và Ba Lan: 8.6.2009, 83 người Việt ở Đức và 26 người Việt ở Ba Lan bị trục xuất và được đưa về Việt Nam bằng máy bay thuê bao. Đây là lần đầu tiên Đức trục xuất hàng loạt người Việt Nam trong vòng hơn 10 năm. Tại Cộng hoà Czech: 22.12.2008, bộ nội vụ CH Czech cho biết từ năm 2009 sẽ ngừng cấp thẻ xanh cho người Việt đang sinh sống tại nước này. Trước đó, vào tháng 11.2008, CH Czech quyết định ngừng cấp visa cư trú dài hạn cho người Việt Nam vì cho rằng các hành động phạm tội gia tăng trong cộng đồng người Việt tại CH Czech. Đến tháng 1.2009, CH Czech cấp visa cư trú dài hạn trở lại cho người Việt Nam. 22.11.2008, hai khu chợ có nhiều người Việt kinh doanh là chợ Sapa và chợ Helosovice ở Praha, CH Czech, bị phong toả. Khoảng 700 cảnh sát, nhân viên hải quan, thanh tra, cùng trực thăng đã tham gia vào chiến dịch đột xuất kiểm tra giấy tờ cư trú, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng và các vấn đề an toàn sau khi xảy ra vụ cháy ở chợ Sapa gây thiệt hại 10 triệu USD cho các hộ kinh doanh. Tại Mỹ: 3.4.2008, Mỹ bắt đầu trục xuất người Việt nhập cư trái phép, theo thoả thuận ký vào tháng 1.2008 với Việt Nam. Ước tính có khoảng 8.000 người Việt ở Mỹ nằm trong diện bị trục xuất này. Tại Qatar: 3.12.2008, Chính phủ Qatar thông báo với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar ngừng gia hạn visa cho lao động Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều lao động Việt Nam tại nước này làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại Qatar như đánh nhau, đình công, cho vay nặng lãi, đánh bạc, trộm cắp, nấu rượu lậu... |
( Theo TS Phạm Xuân Thạch (đại học Quốc gia Hà Nội) // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com