Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bà Rịa -Vũng Tàu: Giải phóng mặt bằng - bài toán khó về đầu tư

Tính đến hết tháng 6 – 2009, dự kiến công tác thu hút đầu tư đã vượt kế hoạch. Nhưng ngược lại, việc chuyển vốn đăng ký thành vốn thực hiện lại rất chậm, đặc biệt là ở nhóm các dự án đầu tư nước ngoài. Lý do làm chậm tiến độ đầu tư lại chính là những khúc mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án.

DỰ ÁN NẰM TRÊN GIẤY

Tính đến hết tháng 6, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 31 dự án đầu tư nước ngoài và 24 dự án đầu tư trong nước được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn thu hút được là 6.566 triệu USD (đạt 85,8% kế hoạch năm) và 12.257 tỷ đồng (đạt 134% kế hoạch năm). Đây là tình hình khả quan trong bối cảnh nền kinh tế chung đang gặp khó khăn. Thế nhưng, tình hình chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện của các dự án lại khá chậm chạp. Cũng tính đến mốc thời gian nửa năm 2009, toàn tỉnh mới giải ngân được 370 triệu USD (bằng 38,5% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư nước ngoài) và 3.205 tỷ đồng (đạt 42,7% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư trong nước).

Tình hình chậm triển khai các dự án diễn ra trong mọi lĩnh vực. Trong nhóm các dự án đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp có số vốn giải ngân cao nhất, chiếm tỷ trọng 64,6%, nhưng ở nhóm ngành này cũng có rất nhiều dự án đầu tư đăng ký giải ngân trong giai đoạn trước năm 2009 mà đến nay mới chỉ giải ngân được một phần hoặc rất ít. Chẳng hạn, trong 12 dự án đăng ký triển khai trong giai đoạn 2006,2009, dự án thép của Công ty Cổ phần thép Essar mới chỉ giải ngân được 1,5 triệu USD trong tổng số 527 triệu USD (6 tháng đầu năm không giải ngân), dự án thép của Công ty TNHH Trung Tường giải ngân 1,2 triệu USD trong tổng số 180 triệu USD, dự án đóng tàu của Công ty TNHH Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn giải ngân 1,5 triệu USD trong tổng số 30 triệu USD…

Nhóm các dự án du lịch triển khai rất chậm, chỉ duy nhất có dự án Khu du lịch Hồ Tràm Asian Coast giải ngân được 5 triệu USD, số còn lại giải ngân rất ít hoặc không giải ngân. Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này vẫn nằm bất động kể từ khi được cấp phép, như Dự án Khu công viên thế giới kỳ diệu của Công ty TNHH Good Choice chưa giải ngân được đồng vốn nào trong tổng số 1,299 tỷ USD, khu du lịch Trùng Dương giải ngân 6 triệu USD trong tổng số vốn đăng ký 260 triệu USD, khu du lịch Vườn thú hoang dã Safari chưa giải ngân đồng vốn nào trong tổng số 500 triệu USD vốn đăng ký…

Về khối đầu tư trong nước, mức độ giải ngân tuy có khá hơn nhưng cũng khá nhiều dự án chưa triển khai hoặc triển khai rất ít mặc dù đã được cấp phép 2, 3 năm nay. Như dự án cụm công nghiệp An Ngãi được cấp phép tháng 12-2007, đăng ký triển khai vốn thực hiện giai đoạn 2007 – 2009 nhưng đến nay chỉ giải ngân được 9,5 tỷ đồng trong tổng số vốn đăng ký 89,5 tỷ đồng, khu Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở tại khu vực Ngã ba Lò Vôi cấp phép tháng 12-2008 mới chỉ giải ngân 1,3 tỷ đồng trong tổng số 701,7 tỷ đồng…

NGUYÊN NHÂN CHÍNH LÀ KHÔNG CÓ MẶT BẰNG

Ngoài một số dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư thiếu năng lực triển khai, thì giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khó khăn chính của hầu hết các dự án.

 

Ở nhóm các dự án đầu tư nước ngoài, theo quy định của Chính phủ, nhà nước sẽ làm nhiệm vụ đền bù giải tỏa và giao đất sạch cho nhà đầu tư. Thế nhưng, hiện có 31 dự án đầu tư nước ngoài đang nằm chờ đất sạch để khởi công xây dựng. Lý do của việc không thể giao đất sạch cho nhà đầu tư vì tỉnh thiếu kinh phí dành cho việc đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Hà Văn Rao, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Giao đất sạch cho nhà đầu tư nước ngoài là một chủ trương hay trong Luật Đầu tư, nhưng Chính phủ lại thiếu cơ chế về tài chính, không nói rõ nguồn vốn để giải phóng đền bù lấy từ đâu, do vậy từ trước đến nay tỉnh phải tự lo. Hiện nay với 31 dự án đầu tư nước ngoài cần giải phóng mặt bằng, diện tích là 2.500ha, thì số vốn dành cho công tác này là 5.716 tỷ đồng. Đấy là chưa tính đến 36 dự án đầu tư theo chủ trương xã hội hóa cũng được hưởng ưu đãi giao đất sạch, nhà nước phải bỏ ra 915 tỷ đồng để đền bù giải tỏa. Một lượng vốn lớn như vậy ngân sách địa phương không thể kham nổi. Cũng không thể “bớt xén” phần ngân sách dành cho các hoạt động phúc lợi xã hội như trường học, y tế… để chuyển sang thực hiện hạ tầng dự án đầu tư.

Để khắc phục khó khăn này, tỉnh chủ trương vận động các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để sớm đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án. Hiện đã có 5 dự án ứng trước hơn 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đây không phải là một chính sách bắt buộc nên tùy theo thái độ thiện chí của nhà đầu tư mà số vốn ứng trước nhiều hay ít.

Đối với các dự án đầu tư trong nước, đền bù giải tỏa còn nhiêu khê hơn khi chủ đầu tư phải tự thương lượng với dân để giải phóng mặt bằng. Nhiều chủ dự án cho rằng trong quá trình triển khai dự án thì giải phóng mặt bằng là khâu khó nhất, phức tạp nhất, mất nhiều công sức và chi phí nhất. Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh, chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp An Ngãi giải bày: Ai cũng hỏi vì sao dự án cụm công nghiệp An Ngãi triển khai lâu thế mà chưa xong. Khúc mắc cũng chỉ vì giải phóng mặt bằng không được. Người dân không chịu hợp tác giao đất, mặc dù chúng tôi đã chấp nhận ngoài tiền đền bù còn hỗ trợ một khoản khá lớn khi di dời. Việc chậm triển khai dự án này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động kinh doanh chung của công ty nhưng gỡ mãi không được.

Để giải quyết những vấn đề khó khăn kể trên, UBND tỉnh đã có nhiều quyết sách trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, như: kiến nghị Trung ương chia sẻ khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạ tầng dự án (đối với dự án đầu tư nước ngoài) và hạ tầng ngoài hàng rào dự án; huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ngoài hàng rào; các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các nhà đầu tư sớm giải phóng mặt bằng, giải quyết những khiếu kiện của dân trong công tác đền bù giải tỏa; các sở ngành phối hợp khảo giá đất ở một số địa bàn người dân không đồng thuận với mức giá mà nhà nước đề ra… Vấn đề là, việc điều hành phải quyết liệt và đổi mới, nếu không dẫu thu hút dự án nhiều thì vốn dự án cũng vẫn chỉ là vốn ảo, không đem lại hiểu quả kinh tế đích thực.

Hồng Nhung


Ông Hà Văn Rao, Giám đốc Sở Tài chính:

CÁCH TỐT NHẤT LÀ DÙNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Vừa qua, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương và được chấp thuận cho vay vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi từ Kho bạc Nhà nước Trung ương để đầu tư hạ tầng cũng như giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tuy nhiên, vốn từ Kho bạc Nhà nước cũng chỉ cho vay được từ 500 – 1.000 tỷ đồng mỗi năm, quá ít so với nhu cầu, và cũng không biết sẽ trả nợ bằng nguồn nào, trả nợ ra sao.

Theo tôi, cách tốt nhất là nên huy động trái phiếu Chính phủ dành cho công tác này để mọi địa phương cùng được hưởng một cơ chế như nhau, và cũng chỉ có trái phiếu mới lo đủ lượng vốn lớn như vậy. Về việc trả nợ, Chính phủ nên cho phép tỉnh giữ lại 54% tiền thuế từ các dự án này (hiện nay tỉnh chỉ giữ lại 46%, 54% nộp về ngân sách Trung ương). Khoản này sẽ được hạch toán riêng nhằm vào việc trả nợ đã vay và đầu tư cho các hạng mục hạ tầng của các dự án tiếp theo.


Ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu:

PHẢI ĐỔI MỚI QUY TRÌNH ĐẦU TƯ

Từ trước đến nay, quy trình đầu tư một dự án trong nước là cấp phép xong mới làm các thủ tục như thỏa thuận với dân, đền bù giải phóng mặt bằng… Nhiều dự án khi đã cấp phép rồi nhưng không thỏa thuận được với dân, dẫn đến tình trạng dự án treo nhiều năm.

Theo tôi, nên đổi mới quy trình thủ tục đầu tư như sau: Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Sau đó chủ đầu tư xuống thỏa thuận trước với dân, nếu được 70% số hộ đồng ý thì tỉnh sẽ cấp phép và lo giải phóng mặt bằng. Như thế vừa đỡ mất thời gian và công sức, vừa không phải lo những dự án dở dang nhiều năm nhưng bỏ không được, mà làm cũng không xong.

(Theo Hồng Nhung // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản
  • Làm gì để "đối mặt" với suy giảm kinh tế : "Chiếc phao" vốn kích cầu
  • Bình Dương: Thu hút thêm 2,33 tỷ USD vốn FDI
  • Bình Dương: Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD
  • “Điểm mặt” công trình lãng phí tại TP.HCM
  • Không thể hờ hững!
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Xuất khẩu khó hoàn thành mục tiêu
  • Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Đà Nẵng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi