Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Điểm mặt” công trình lãng phí tại TP.HCM

Được khởi công xây dựng từ giữa năm 2003, dự kiến hoàn thành giai đoạn I vào năm 2007, song đến nay, Dự án xây dựng cảng sông Phú Định vẫn còn ngổn ngang.

Kỳ 3: Ngổn ngang Cảng sông Phú Định

Hơn 11 tỷ đồng trả lãi vay

Cảng sông Phú Định tọa lạc tại phường 16, quận 8, TP.HCM, do Công ty TNHH một thành viên Cảng sông Phú Định làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, Cảng sông Phú Định có công suất hàng hóa thông qua khoảng 2,5 triệu tấn/năm, là cảng sông lớn nhất TP.HCM, phục vụ mục đích di dời tất cả bến bãi, kho hàng trong nội thành ra ngoại thành; tập trung mạng lưới cảng, bến bãi trên địa bàn TP.HCM về một mối.

Với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, Dự án được khởi công giữa năm 2003, dự kiến hoàn thành giai đoạn I vào năm 2007. Thế nhưng, đến nay, nhiều hạng mục của Dự án được triển khai rất chậm. Cụ thể, tại hạng mục quan trọng nhất của Cảng là 29 cầu tàu, mỗi cầu tàu dài hơn 31 m, mới có 12 cầu tàu được làm xong, nhưng phải nằm phơi nắng, phơi sương trên sông Chợ Đệm vì chưa có kho hàng và đường vào cảng. Hai hạng mục quan trọng khác là 14 kho hàng và đường nội bộ từ cổng cảng vào cầu tàu, khu kho hàng đến nay vẫn còn là một… vũng ao.

Ngoài ra, đường nội bộ của Cảng sông Phú Định (nối từ đường Hồ Học Lãm, chạy giữa hai bên khu cầu cảng và khu kho dài khoảng 800 m), được đấu thầu xong hồi tháng 8/2008, với giá bỏ thầu hơn 5 tỷ đồng, thời gian thi công hơn ba tháng. Do chậm thi công, đến nay, chi phí thực hiện hạng mục này đã tăng lên 12 tỷ đồng, song vẫn chưa biết lúc nào mới được xây xong…

Theo ông Phan Trọng Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng sông Phú Định, nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc xây dựng cảng sông Phú Định là do công trình thi công vào thời điểm giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Mặt khác, tình trạng thiếu kết nối hạ tầng dự án với các khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình.

Cụ thể, hiện tại, đường Hồ Học Lãm là con đường độc đạo vào Cảng, nhưng đã xuống cấp và chưa có dự án hoàn chỉnh đầu tư mở rộng, nâng cấp. Xe chở hàng từ Cảng sông Phú Định vào nội đô không thể băng qua đại lộ Đông – Tây, mà phải đi vòng rất xa. Trong khi đó, đường Hồ Ngọc Lãm (vượt ngã ba sông chợ Đệm và sông Cần Giuộc để ra đại lộ Nguyễn Văn Linh) phải đến năm 2012 mới xong phần xây dựng và vẫn chưa biết được thời gian xây dựng là bao lâu.

Theo thẩm định của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, sự chậm trễ trong việc xây dựng cảng sông Phú Định đã gây lãng phí ít nhất hơn 11 tỷ đồng do phải trả lãi vay.

Bất cập tái định cư

Song song với Dự án cảng sông Phú Định là Dự án tái định cư cảng sông Phú Định cũng do Công ty TNHH một thành viên Cảng sông Phú Định làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 4 ha, được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I để bố trí tái định cư tại chỗ của Dự án; giai đoạn II xây dựng chung cư phục vụ tái định cư cho các dự án hạ tầng giao thông khác của Thành phố.

Từ tháng 6/2008, các hạng mục khu tái định cư của giai đoạn I Dự án đã được nghiệm thu và bàn giao nền cho quận 8. Theo Ban Đền bù giải tỏa quận 8, đã có 81 nền được bốc thăm, nhưng các hộ dân vẫn chưa chịu vào tái định cư, do đường vào khu tái định cư chưa hoàn chỉnh, thường xuyên ngập úng, gây khó khăn trong vận chuyển vật tư xây dựng.

Các ngành chức năng đã nhiều lần yêu cầu chủ thầu và chủ đầu tư đẩy nhành tiến độ dự án, để đến cuối tháng 3/2009 bàn giao nền cho các hộ dân bị giải tỏa, song đến nay, khu tái định cư này vẫn còn ngổn ngang. Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế - Ngân sách với Sở Xây dựng TP.HCM mới đây, đại diện chủ đầu tư cho rằng, một trong những lý do khiến dự án tái định cư bị chậm tiến độ là do con đường dẫn vào khu tái định cư bị vướng trụ điện cao thế.

“Trụ điện rất to và cao, đứng xa hàng km vẫn thấy, vậy mà không hiểu sao khi quy hoạch đường vào khu tái định cư lại không ai nhắc đến chuyện phải né, để đến khi dự án sắp hoàn thành mới phát hiện ra chuyện này”, ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM nói và cho rằng, đó là sự tắc trách trong vấn đề quy hoạch.

Mới đây, chủ đầu tư và UBND TP.HCM đề nghị Bộ Công thương di dời trụ điện, nhưng vì lý do an toàn, nên không được chấp nhận. Phương án được đưa ra là làm đường mới dẫn vào khu tái định cư. Và như vậy, nếu nhanh nhất cũng phải hơn một năm sau mới hoàn thành thủ tục và chưa biết đến bao giờ mới được hoàn thành.

Vì dân không chịu vào ở, nên Ban Đền bù giải tỏa quận 8 phải tiếp tục phải chi tiền tạm cư cho 68 hộ dân với hơn 120 triệu đồng/tháng. Theo ông Nguyễn Minh Sĩ, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, tính đến nay, số tiền chi tạm cư cho các hộ dân thuộc dự án trên đã là hơn 6,2 tỷ đồng. Sự lãng phí này sẽ không dừng lại, nếu đường dẫn vào khu tái định cư tiếp tục còn chậm trễ.

Kỳ 4: Những cây cầu không hẹn ngày về đích

(Theo Tăng Triển // Báo đầu tư )

  • Không thể hờ hững!
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Xuất khẩu khó hoàn thành mục tiêu
  • Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Đà Nẵng
  • Kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 8-2009: Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn
  • Đất cho các trường đại học ở Hà Nội: Quá hạn hẹp
  • “Xẻ thịt” rừng U Minh Hạ lấy than!
  • Quảng Nam: Mưa lũ làm thiệt hại hơn 20 tỷ đồng
  • Gia Lai: toàn tỉnh thu ngân sách đạt 1.220 tỉ đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi