Làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng nhất của Vườn Quốc gia, phóng viên Báo Cà Mau có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
- Phóng viên: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một phần của khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều người chưa biết hết sự đa dạng về mặt sinh học của Vườn. Đồng chí có thể thông tin cụ thể hơn đến bạn đọc về vấn đề này?
- Đồng chí Trần Quốc Tuấn: Khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là nơi giao thoa của chế độ nhật triều và bán nhật triều. Chính vì thế, khu vực này được thiên nhiên ban tặng sự trù phú về động, thực vật của rừng ngập mặn.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức FFI năm 2007, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có 60 loài thực vật bậc cao đang tồn tại. Trong đó, có 22 loài cây ngập mặn chủ đạo tham gia hình thành thảm thực vật rừng ngập mặn. Đặc biệt, có 2 loài thực vật có trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi (đưng) và cây quao.
- Phóng viên: Vì thế, những người có dịp đặt chân đến đây đều có nhận định chung rằng: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là nét độc đáo riêng của khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau.
- Đồng chí Trần Quốc Tuấn: Đúng vậy. Đây là khu vực đặc thù về địa hình, địa lý so với các khu dự trữ khác trong cả nước. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu vực bảo tồn diễn thế tự nhiên ngập mặn lớn nhất, nhì của cả nước.
Nét độc đáo nhất là ở đây người ta có thể đứng một nơi thấy được mặt trời "đi lên" từ lòng biển mỗi sớm mai và có thể ngắm mặt trời "lặn" xuống biển khi hoàng hôn.
Mỗi năm bãi bồi lấn ra biển và cây đước, mắm… mọc từ từ thành rừng thêm trên dưới trăm mét. Mũi Cà Mau còn là nơi đánh dấu điểm cuối trời trên đất liền của Tổ quốc.
- Phóng viên: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là một phần nằm trong khu Dự trữ sinh quyển thế giới, mở cơ hội để phát triển kinh tế - du lịch. Để tận dụng tốt cơ hội này, Ban Giám đốc có kế hoạch phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Đồng chí Trần Quốc Tuấn: Trước mắt, chúng tôi đã làm tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng dự án mới cho Vườn Quốc gia giai đoạn 2011-2020. Trong đó, sẽ phối hợp đề xuất ưu tiên cho tiêu chuẩn khu Dự trữ sinh quyển thế giới theo yêu cầu của Tổ chức UNESCO. Đồng thời tích cực bảo tồn sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Theo đó là phát triển các tour du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước song song với phát triển các dịch vụ khác để phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư ở địa phương và cả tuyến du lịch đường bộ, đường thủy.
Bên cạnh việc tập trung các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các mô hình thí điểm nâng cao giá trị của vườn và mang lại lợi ích cho địa phương, đơn vị đã và đang tiến hành thực hiện dự án nâng cao năng lực quản lý cộng đồng có sự tham gia của Vườn Quốc gia do Tổ chức VCF tài trợ từ Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng.
- Phóng viên: Việc bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hiện nay có gặp khó khăn gì không, thưa đồng chí?
- Đồng chí Trần Quốc Tuấn: Với diện tích rừng ngập mặn hơn 41.000 ha, địa bàn trải rộng, trong khi cộng đồng dân cư địa phương chưa thật sự hiểu hết về giá trị khoa học, kinh tế của Vườn Quốc gia, công tác bảo vệ đặt ra rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó, áp lực dân cư tự do lớn, áp lực khai thác tài nguyên rừng - biển ngày càng tăng. Trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động còn rất hạn hẹp, chưa đồng bộ. Năng lực cán bộ chuyên môn còn thiếu và chưa đủ kiến thức trang bị cho thực hiện nhiệm vụ mới. Chúng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm nguồn vốn từ các chương trình hành động, thiết kế chiến lược bền vững về tài chính phát triển…
Vì thế, để Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phát triển xứng tầm rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của ngành chức năng và sự giúp đỡ để bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên của các tổ chức trong và ngoài nước.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
(Theo Nguyễn Danh // Báo Cà Mau )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com