![]()
Nhiều DN ở Đồng Nai đã tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để đầu tư thiết bị mới |
9 tháng đầu năm nay, tình hình KT-XH trên địa bàn Đồng Nai vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với mức bình quân chung của cả nước và có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% GDP trong năm 2009.Kết quả này có được là nhờ vào việc khẩn trương và quyết liệt trong việc thực hiện và phát huy hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ.
Qua 4 gói kích cầu, đến cuối tháng 8/2009, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai đã huy động trên 34.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 36.000 tỷ tăng hơn 27% so với cuối năm 2008. Trong đó, nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất trên 12.600 tỷ đồng và khoản lãi suất được hỗ trợ khoảng 175 tỷ đồng.
Kích cầu kịp thời
Đến nay, dòng vốn kích cầu đã đến với trên 1.700 DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Tính đến hết tháng 8, Cty mẹ và các đơn vị thành viên của Donataba đã vay được hơn 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và dự kiến đến hết năm 2009, Donataba sẽ vay được thêm trên 600 tỷ đồng nữa. Donataba cho biết, việc Nhà nước cho vay hỗ trợ lãi suất đã có tác động tích cực đến các thành viên của TCty, tạo điều kiện cho các đơn vị giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, ổn định sản xuất - kinh doanh và đảm bảo cuộc sống người lao động... Bên cạnh gói kích cầu ngắn hạn theo quyết định 131, đã có trên 300 DN tiếp cận được nguồn vốn trung hạn để đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ với số vốn 354 tỷ đồng. Tại Cty CP bao bì Biên Hòa (Sovi), Dự án đầu tư bổ sung một số máy móc thiết bị nhằm đồng bộ hóa dây chuyền công nghệ sản xuất bao bì Carton và Offset với tổng giá trị đầu tư gần 11 tỷ đồng đã được Cty khẩn trương hoàn thiện để được hưởng hỗ trợ lãi suất 4% theo quy định từ Vietcombank. Gói kích cầu của Chính phủ cũng đã đến với trên 30.000 hộ nông dân trong tỉnh với tổng dư nợ hơn 2.100 tỷ đồng, giúp nông dân mở rộng sản xuất, giảm chi phí và tăng doanh thu.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai khẳng định:"So với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam thì Đồng Nai có tiến độ triển khai thực hiện vốn kích cầu nhanh và sâu rộng. Đến nay, qua công tác kiểm tra, trên địa bàn Đồng Nai có rất ít trường hợp ngân hàng cho vay sai đối tượng hoặc sử dụng không đúng mục đích vốn vay có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ".
Hiệu quả thiết thực
Nhờ khai thông các luồng tín dụng, mạch máu của nền kinh tế, nên trong điều kiện chung hết sức khó khăn, GDP trên địa bàn Đồng Nai vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 7,14%, gần gấp đôi mức tăng bình quân chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng trong 8 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong 9 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có 7 ngành có giá trị sản xuất tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt trong 8 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư trong nước qua cấp phép tại Đồng Nai đạt trên 46.500 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ và gấp 2,3 lần so với kế hoạch cả năm. Bất chấp khó khăn, khủng hoảng, vẫn có trên 1.400 DN dân doanh mới được thành lập với tổng vốn đăng ký trên 9.300 tỷ đồng. Nhiều DN vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để sẵn sàng đón bắt những cơ hội mở ra sau khủng hoảng.
Cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong nắm bắt nhu cầu vay vốn, trong tổ chức hướng dẫn người dân về hồ sơ, quy trình thủ tục vay vốn; kết hợp ngân hàng, kiểm tra, thẩm định mục đích và hiệu quả sử dụng vốn vay. |
Các gói kích cầu cũng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Là một tỉnh mạnh về xuất khẩu, kim ngạch xuất nhập của Đồng Nai trong năm 2008 đạt 15,1 tỷ USD chiến trên 11% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Năm 2009, Đồng Nai đề ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 23% so với năm 2008. Tuy nhiên diễn biến không thuận do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã buộc Đồng Nai hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay xuống còn 10%. 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai mới đạt 3,7 tỷ USD, đạt 51% kế hoạch cả năm và giảm 6,1% so với cùng kỳ. Con số trên thấp xa so với mục tiêu, nhưng việc kìm hãm sự tuột dốc của kim ngạch xuất khẩu những tháng gần đây từng bước được cải thiện.
Cần duy trì với quy mô, liều lượng phù hợp
Tuy nhiên những kết quả trên đây mới là bước đầu. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai như cà phê, hạt điều, giày da, may mặc, gốm mỹ nghệ... vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ. Tiếp xúc với đoàn giám sát của QH tỉnh Đồng Nai gần đây, hầu hết các DN đều đề nghị QH, Chính phủ, xem xét duy trì các gói kích cầu với quy mô và liều lượng phù hợp. Trên thực tế, gói kích cầu 443 để DN đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ vẫn còn khiêm tốn. Cty CP Bao bì Biên Hòa kiến nghị QH, CP xem xét “gia hạn thời hạn giải ngân, cùng thời gian được hỗ trợ lãi suất đối với gói kích cầu trung hạn bởi thời hạn giải ngân dòng vốn kích cầu dừng lại ở thời điểm 31/12/2009 là quá ngắn, DN không đủ thời gian để xây dựng, triển khai dự án”. Cty TNHH MTV Vật tư Nông nghiệp Đồng Nai cho rằng: Chính phủ nên duy trì gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn ít nhất đến 30/6/2010, và nếu cắt giảm hỗ trợ thì cũng cắt giảm từ từ. Bởi thực tế hiện nay lãi suất vốn vay của các DN thấp nhất cũng 10,5%/năm. Con số này rất cao so với mặt bằng lãi suất chung của các nước trong khu vực. Nếu nhà nước cắt hỗ trợ lãi suất “cái rụp”, chi phí vốn vay của DN tăng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa kém đi, DN gặp khó khăn, nguy cơ lạm phát sẽ phát sinh...
Nhất trí với những kiến nghị của các DN, ông Trương Văn Vở - Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai cho rằng, gói kích cầu 131 mới giúp các DN “qua cơn ngặt”. Điều cốt lõi là DN phải tiếp tục được hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Riêng với gói 497, chủ trương chung rất thoáng, nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Trên thực tế sau hơn 4 tháng triển khai gói kích cầu này, tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được 2,1 tỷ đồng. Thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định về điều kiện vay vốn, hồ sơ thủ tục, hóa đơn chứng từ, danh mục, địa điểm bán hàng... song điều cốt lõi nhất là phía Ngân hàng vẫn còn sợ trách nhiệm, ngại rủi ro. Chính vì vậy nông dân khó chạm tay vào gói kích cầu 497 dù rất hấp dẫn. Để thực hiện có hiệu quả gói kích cầu 497, ông Vở cho rằng phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong nắm bắt nhu cầu vay vốn, trong tổ chức hướng dẫn người dân về hồ sơ, quy trình thủ tục vay vốn; kết hợp ngân hàng, kiểm tra, thẩm định mục đích và hiệu quả sử dụng vốn vay... Về phía Ngân hàng, bên cạnh việc đơn giản hóa hồ sơ thủ tục vay vốn, cần thiết phải công khai, minh bạch hơn nữa quy trình, thủ tục để DN, người dân sớm tiếp cận dòng vốn kích cầu để mở mang phát triển sản xuất, kinh doanh.
(Theo Minh Thanh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com