Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ ở Đắc Lắc chỉ thích mở xưởng cưa gần rừng để “nuốt” gỗ lậu rồi sơ chế, hoặc bán gỗ xẻ xây dựng để kiếm lời. Số DN có nguyên liệu hợp pháp, ổn định, sản xuất được sản phẩm tinh chế có giá trị cao thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song đã đến lúc, các DN “ăn xổi” tài nguyên rừng không còn đất sống theo quy định mới của tỉnh này.
Èo uột trên vựa gỗ
Tính đến cuối năm 2010, Đắc Lắc có 83 cơ sở chế biến gỗ thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó, chỉ có 5 cơ sở của các Cty TNHH Hoàng Nguyên, Quang Điền, Anh Long, DNTN Thanh Nguyên và Cty CP chế biến gỗ Trường Thành hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Số còn lại nằm rải rác trong các khu dân cư hoặc gần rừng. Trong 12 cơ sở chế biến gỗ nằm trong khu dân cư, có 4 cơ sở gây ô nhiễm mức độ nặng và 8 cơ sở gây ô nhiễm mức độ trung bình. Đáng chú ý, trong 10 cơ sở chế biến gỗ nằm gần rừng, có 3 cơ sở của DN nằm hẳn trong vùng đệm Vườn quốc gia Yoók Đôn (huyện Buôn Đôn). Trên thực tế, không kể gần hay xa rừng (cự ly gần rừng là 1 - 2km) mà xã nào có diện tích rừng lớn thì xưởng cưa mọc lên dày đặc. Ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, huyện Ea Súp - cho biết: “Địa bàn xã có đến 6 DN chế biến gỗ, việc quản lý vô cùng khó khăn. Tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ lậu diễn ra rất thường xuyên. Trong khi đó, việc xử lý đối tượng vi phạm của cơ quan chức năng thường không cương quyết nên chưa có tác dụng răn đe”.
Về hiệu quả kinh tế, do chỉ có 15/83 cơ sở chế biến gỗ đầu tư thiết bị hiện đại nên có khả năng sản xuất các sản phẩm tinh chế đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước (chiếm 18,5%), còn lại 39 cơ sở thuộc loại sơ chế, 27 cơ sở chỉ lắp cưa vòng xẻ gỗ tròn ra bán. Theo Sở NNPTNT Đắc Lắc thì nhìn chung trong giai đoạn 2006 - 2009, các cơ sở chế biến gỗ thuộc tất cả các thành phần kinh tế đều có lợi nhuận thấp, trong khi mỗi năm ngốn gần 50.000m3 rừng tự nhiên.
Sẽ thanh loại DN “ăn xổi”
Theo quy hoạch ngành chế biến gỗ giai đoạn 2010 - 2020 vừa được UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt ngày 14.12.2010, các DN ăn bám tài nguyên rừng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh chỉ có 35 cơ sở chế biến gỗ, giai đoạn 2016 - 2020 cũng chỉ phát triển thêm 5 cơ sở (tức giảm 48 cơ sở so với hiện nay) nhằm ổn định nguyên liệu. Cũng theo quy hoạch trên, các cơ sở chế biến gỗ gần rừng sẽ bị đình chỉ ngay sau khi công bố quy hoạch, 22 cơ sở khác phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp hoặc điểm tập trung trong năm 2011, 6 cơ sở cuối cùng di dời trước ngày 31.12.2012. Một trong những điều kiện để được tiếp nhận vào các khu, cụm công nghiệp hoặc điểm tập trung là các DN phải có nguồn nguyên liệu hợp pháp, ổn định, đầu tư dây chuyền tinh chế hiện đại với công suất tối thiểu 3.000m3 nguyên liệu/năm, có sản phẩm tinh chế. Theo lãnh đạo Sở NNPTNT, đây chính là “hàng rào kỹ thuật” nhằm thanh lọc các DN chế biến gỗ “ăn xổi” tài nguyên vốn đã tồn tại hàng chục năm ở Đắc Lắc.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com