Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án xây dựng Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ: Cần đẩy nhanh tiến độ

 

Người kinh doanh tại chợ đầu mối Hà Vĩ (huyện Thường Tín) mong chợ mới sớm hoàn thành để chấm dứt cảnh ô nhiễm môi trường.

 
Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), đã tồn tại 20 năm nay là nơi trung chuyển số lượng lớn gia cầm của các tỉnh phía Bắc. Là "chợ làng" nhưng quy mô hoạt động khá lớn nên chợ Hà Vĩ được coi là chợ đầu mối.

 

Với vài dãy nhà mái tôn lụp xụp, chứa cả gia cầm sống và giết mổ nên ô nhiễm môi trường ở đây trở thành căn bệnh trầm kha. Từ năm 2006, chính quyền địa phương và Cục Thú y - Bộ NN&PTNT đã chủ trương xây dựng chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc tại đây, nhưng đến nay chợ vẫn chưa được xây xong…

 

Bức xúc ô nhiễm môi trường

 

Chợ gia cầm Hà Vĩ mỗi ngày trung chuyển hàng vạn con gia cầm sống, đó là chưa kể trong xã Lê Lợi có hơn 200 hộ dân sống bằng nghề giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) cùng tham gia tiêu thụ sản phẩm. Chợ hoạt động 24/24 giờ hằng ngày. Trung bình lượng gia cầm bán tại chợ Hà Vĩ khoảng 30 đến 40 tấn/ngày. Ngoài các xe ô tô chở gia cầm trọng tải từ 5-15 tấn, còn lại chủ yếu là xe máy cơ động, GSGC được nhốt trong những chiếc lồng sắt. Vào chợ, dù ngày mưa hay nắng lúc nào ở đây cũng đầy phân gia cầm, bụi lông gà, lông ngan, vịt bốc mùi nồng nặc. Nguồn nước thải trực tiếp ra cống rãnh của làng làm cho môi trường không khí và nước bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh chợ. Trước đây chợ tập trung chủ yếu ở ngã ba đầu làng Hà Vĩ thì nay được mở rộng ra tận gầm cầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, qua địa bàn xã Thắng Lợi. 

 

Ngay đầu chợ gia cầm Hà Vĩ có trạm kiểm dịch liên ngành hoạt động 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia cầm ra vào chợ.  Sau khi gia cầm được giết mổ thì trạm sẽ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận để mang đi tiêu thụ. Phần lớn gia cầm ở đây đều được tiêu thụ tại nội thành Hà Nội. Định kỳ mỗi tuần một lần chốt kiểm dịch lấy mẫu máu kiểm tra kháng thể tại chợ. Việc vệ sinh cơ giới được Đội kiểm dịch thực hiện mỗi ngày một lần vào buổi tối và phun hóa chất 3 lần/tuần. Tuy nhiên, do lượng người giao thương đông, số lượng gia cầm tiêu thụ lớn nên dù duy trì vệ sinh mà cơ sở hạ tầng quá kém nên có làm cũng chỉ như "muối bỏ bể". Mặt khác, đội cũng chỉ kiểm dịch được số gia cầm qua chốt, còn lại các hộ vận chuyển "lọt lưới" thì khó mà kiểm soát được. Từ khi UBND thành phố ra Quyết định 61 quy định về hoạt động vận chuyển, giết mổ GSGC, tình hình kinh doanh, giết mổ GSGC ở Lê Lợi đã có chuyển biến. Cảnh vắt gà, vịt dọc hoặc treo tạm bợ trên xe máy được hạn chế.

 

Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ

 

Trước những bức xúc về ô nhiễm môi trường ở chợ gia cầm Hà Vĩ, để bảo đảm vệ sinh môi trường, kiểm soát được dịch bệnh, từ năm 2006, chợ Hà Vĩ được phê duyệt dự án xây dựng chợ gia cầm đầu mối khu vực với quy mô tương xứng trong thời kỳ hội nhập. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được hoàn tất trong năm 2007, nhưng tiến độ xây dựng chậm, kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc vốn hỗ trợ chưa cấp đủ, kinh phí xây dựng chợ là do một số tổ chức phi chính phủ tài trợ nên phải thiết kế lại theo yêu cầu, bên cạnh đó giá nguyên vật liệu tăng cao…

 

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ngày 25-5-2009 UBND huyện Thường Tín có Quyết định số 1317/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng chợ đầu mối GSGC Hà Vĩ là 162 gian ki-ốt, với tổng mức đầu tư là hơn 35 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là hơn 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện đã đầu tư, giai đoạn 2 là hơn 31 tỷ đồng gồm kinh phí của dự án phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam là hơn 17 tỷ đồng, còn hơn 14 tỷ đồng là từ nguồn ngân sách TP hỗ trợ và vốn ngân sách huyện. Đến nay công trình đã hoàn thành việc GPMB, san nền, kè đá, hoàn thành hệ thống tiêu nước, hàng rào với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Theo ông Uông Đức Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, để đẩy nhanh tiến độ dự án, đề nghị Ban quản lý dự án VAHIP Hà Nội tiến hành triển khai các bước xây dựng công trình ở các hạng mục theo đúng hồ sơ và tiến độ đã được phê duyệt.

 

Trong buổi làm việc với UBND huyện Thường Tín ngày 13-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng khẳng định, chợ gia cầm Hà Vĩ đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cầu chợ từ các nguồn vốn, đồng ý cho huyện triển khai lập dự án quy hoạch tiếp 2 dãy ki-ốt từ nguồn vốn của thành phố, đồng thời cho phép huyện Thường Tín mở rộng quy mô khu giết mổ GSGC tập trung đưa hơn 200 hộ giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, nhằm giải quyết vấn đề môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của thành phố, chợ gia cầm Hà Vĩ sẽ sớm đi vào hoạt động.

(Theo Tư Văn/HNM)

  • Hà Nội: Xuất khẩu thủy sản giảm 7,8 phần trăm
  • Bà Rịa -Vũng Tàu: Mở tuyến dịch vụ vận tải biển đầu tiên đến Mỹ
  • Lào Cai tập trung đầu tư cho các huyện nghèo
  • An Giang: Điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
  • Vĩnh Phúc đổi mới công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi
  • Hà Nam áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Tháng 7, Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giảm 22,7%
  • Sản phẩm gỗ, giày da, dệt may: Chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi