Tiến về phía biển là một hướng phát triển quan trọng của TPHCM, bởi ở nơi ấy thành phố có điều kiện phát triển kinh tế biển, góp phần đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Chủ trương tiến về phía biển của thành phố đã được hình thành cách nay hơn 10 năm và những người đầu tiên trực tiếp đi tiên phong trong công việc này chính là đội ngũ cán bộ công nhân viên Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Xây khu công nghiệp, xây thành phố trên đất sình lầy
Vào những năm 1989-1993, vùng đất phía Nam, phía hướng ra biển của TPHCM, gần như chỉ có cỏ lác và sình lầy. Dân cư thưa thớt, còn nước thì váng lên vì phèn. Không thể để vùng đất ấy chìm trong hoang vu và nghèo khó mãi, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã quyết định phải đổi mới vùng đất này. Thế rồi, một ban phát triển với tên gọi “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận” của vùng đất phía Nam được thành lập. Đây chính là tiền thân của IPC.
Thật khó kể hết những khó khăn của những ngày đầu đặt chân nơi đây. Vốn liếng không có mà kinh nghiệm cũng không. Những cán bộ đầu tiên của IPC đã phải lặn lội xuống từng xóm, ấp vận động người dân di dời để lấy đất xây dựng khu chế xuất (KCX) Tân Thuận. Rồi cũng chính họ phải nỗ lực đi kêu gọi đầu tư.
Thời gian ấy, nhiều cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của nhà nước còn chưa hoàn chỉnh nên công việc của người đi mời gọi đầu tư không hề dễ dàng. Vừa làm, vừa sáng tạo mà vẫn phải giữ cho không sai với chủ trương phát triển kinh tế của đất nước. Tất nhiên, đằng sau họ đã có Đảng bộ và chính quyền thành phố, nhưng công việc của những người trực tiếp trên thực địa cũng không đơn giản.
Sau gần 4 năm nỗ lực, Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, nay là KCX Tân Thuận, đã được thành lập trên một diện tích gần 300 ha. Đây là dự án đầu tiên của IPC khởi động chương trình “Phát triển thành phố tiến ra biển Đông”, cũng là tiền đề cho sự xuất hiện hàng loạt KCX và KCN trên cả nước. Hiện nay KCX Tân Thuận đang thu hút hơn 165 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hoạt động.
Giai đoạn 1993-2004, IPC chính thức được thành lập trên cơ sở “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận” và được chuyển thành Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Đây là giai đoạn mà IPC thực hiện rất thành công chủ trương phát triển đô thị về phía Nam của thành phố.
Trong thời gian này IPC đã hợp tác với Tập đoàn CT&D thành lập Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và được TPHCM giao cho nhiệm vụ xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, rộng 600 ha, và xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè-Nam Bình Chánh mà giờ đây có tên là đường Nguyễn Văn Linh, dài 17,8km với 10 làn xe. Xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng trong thời gian ấy thật gian nan vì thành phố chưa có tiền lệ. Mọi thứ đều phải thử nghiệm.
Bà Ba Dah Wen, Tổng giám đốc Tập đoàn CT&D, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, nhớ lại: “Mọi người đều phải nỗ lực hết sức. Và sự thành công hôm nay chỉ có thể nói là chúng ta đã có duyên với nhau”.
Hiện nay Phú Mỹ Hưng đã là một đô thị hiện đại nhất Việt Nam. Bộ Xây dựng đã chính thức công nhận khu A của Phú Mỹ Hưng đạt tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Phú Mỹ Hưng hình thành đã làm tiền đề cho việc phát triển hàng loạt các đô thị mới hiện nay ở phía Nam như đô thị Phước Kiển, đô thị Cảng Hiệp Phước… và cũng nhiều khu dân cư mới của Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam, Vạn Phát Hưng…
![]() |
Cảng SPCT vừa mới đi vào hoạt động tại KCN Hiệp Phước. Ảnh: CAO THĂNG |
Mở cảng, làm luồng tàu biển cho thành phố
Tuy nhiên, dấu ấn mạnh mẽ nhất của IPC đối với sự phát triển về hướng Nam, hướng biển của thành phố chính là việc nghiên cứu và nạo vét thành công luồng tàu biển Soài Rạp và hình thành khu cảng Hiệp Phước.
Ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc IPC nhớ lại: Thành ủy, UBND TPHCM đã có chủ trương nghiên cứu sông Soài Rạp từ những năm 1996-1997. Nhiều đoàn cán bộ của thành phố đã xuống Hiệp Phước - nơi có con sông Soài Rạp đi qua. Nơi nào đi ca nô được thì đi bằng ca nô. Nơi nào nước cạn thì bỏ ca nô lội sình vào. Hàng năm trời như thế. Ngày thì đi thực địa, tối về chụm đầu vào phân tích, bàn bạc…
Đến năm 2000, TPHCM quyết định nạo vét thử nghiệm sông Soài Rạp, đoạn từ mũi Bình Khánh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước xuống đến độ sâu -8m để tàu 25.000-30.000 tấn có thể đi qua. Nạo vét thử nghiệm thành công và hiện đoạn này đã đạt được độ sâu -8,5m.
Mới đây nhất IPC đã tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu nạo vét sông Soài Rạp đến độ sâu -9m. Sự thành công của việc nạo vét đã là tiền đề quan trọng cho TPHCM quyết định phát triển hệ thống cảng biển Hiệp Phước nằm trên bờ sông Soài Rạp.
Sông Soài Rạp là một con sông lớn nhưng có vài điểm cạn nên không được người Pháp chọn làm luồng tàu biển cho hệ thống cảng trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cảng biển này đang phải di dời ra khỏi nội thành TPHCM để giảm áp lực giao thông và hạ tầng kỹ thuật chung cho thành phố. Chính vì vậy, việc phát triển cảng biển ở Hiệp Phước để thay thế cho hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn là một phần quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế biển của TPHCM - một lĩnh vực kinh tế đã giúp hình thành nên một Sài Gòn - TPHCM phồn thịnh từ hơn 100 năm trước.
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí nhớ lại: Tại sao TPHCM lại chọn Hiệp Phước để phát triển cảng biển? Bởi đó là nơi giao thông thủy bộ phát triển rất thuận lợi. Các phương tiện vận tải có thể đi từ biển vào, đi từ miền Tây lên và đi từ miền Đông Nam bộ xuống. Tất cả những điều ấy sẽ giúp cho TPHCM phát triển.
Nhìn lại những chặng đường đi đã qua, những thành tựu đã làm được cho thành phố, tập thể cán bộ IPC có quyền tự hào về những đóng góp của mình.
(Theo NGUYỄN KHOA/SGGPO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com