![]() | |
Trình diễn máy gặt đập liên hợp tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). |
- Đưa cơ giới hóa vào cày, bừa, gieo hạt và thu hoạch lúa là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp Thủ đô. Đây còn là cú hích giúp nông dân thực hiện tốt công tác "dồn điền đổi thửa", tích tụ ruộng đất, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
Hiệu quả từ thực tế
Qua 3 năm, cụ thể là 6 vụ sản xuất, đối chứng với việc gieo cấy truyền thống trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy biện pháp gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay có nhiều ưu điểm nổi trội: giảm lượng giống trên một đơn vị diện tích (từ 25-40%), giảm công lao động ở khâu gieo, nhổ mạ, cấy lúa, giảm chi phí phun thuốc trừ sâu... Do gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay với mật độ phù hợp, nên lúa đẻ nhánh sớm ngay từ nách lá đầu tiên, bông đều, năng suất tăng từ 7-10% so với ruộng lúa cấy tay truyền thống. Hơn nữa, gieo thẳng lúa bằng công cụ kéo tay còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa từ 7-10 ngày, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa. Nhờ giảm chi phí, tăng năng suất nên 1ha cho lợi nhuận cao hơn so với lúa cấy truyền thống bình quân khoảng trên 5 triệu đồng. Số lao động dôi ra làm công việc khác sẽ tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Thành phố Hà Nội hằng năm có khoảng 200.000ha đất trồng lúa 2 vụ, cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa thuần. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, từ năm 2006, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai biện pháp gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay. Năm 2009, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với trạm khuyến nông các huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay. Kết quả cho thấy năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt 62 tạ/ha (cao hơn lúa cấy truyền thống khoảng 7-10%). Vụ lúa mùa tiếp tục hỗ trợ 20% thuốc trừ cỏ cho 2 huyện có diện tích gieo thẳng lớn nhất là Ba Vì và Phúc Thọ; đồng thời hỗ trợ 30.400kg giống lúa SH2 cho các huyện, thị xã mở rộng diện tích gieo thẳng theo hàng bằng giống lúa chất lượng. Các huyện ngoại thành đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân và phối hợp với tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật… Do vậy, tổng diện tích gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay vụ mùa năm 2009 tăng gấp 2 lần so với vụ mùa năm 2008) và năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha (cao hơn lúa cấy truyền thống từ 10-15%).
Để giảm chi phí trong thu hoạch lúa cuối tháng 9-2009 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cơ điện nông nghiệp (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) trình diễn 4 loại máy gặt đập liên hợp mang mã hiệu GLH ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Đây là vụ đầu tiên HTX Thụy Hương đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa. Qua buổi trình diễn, bà con nông dân xã Thụy Hương rất phấn khởi, bởi máy gặt đập thu hoạch một sào chỉ mất từ 6-10 phút (giảm 80% chi phí lao động). Ông Nguyễn Duy Miên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Hương cho biết: Vụ lúa mùa 2009, HTX ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển cơ điện nông nghiệp, thu của xã viên 90 nghìn đồng/sào, trong khi đó gặt thủ công và thuê máy tuốt mất khoảng 130 nghìn đồng/sào (giảm 40% chi phí thu hoạch). Năm 2010 HTX tiếp tục làm dịch vụ cho bà con các khâu quan trọng trong sản xuất lúa như giống, làm đất, vật tư, phân bón, đặc biệt là khâu thu hoạch. HTX dự kiến sẽ đầu tư mua 7 máy gặt đập để phục vụ bà con trong xã và các vùng lân cận.
Để đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Hiện tại chi phí cho sản xuất lúa chiếm tới trên 70%, song hiệu quả lại thấp nhất trong những nhóm cây trồng. Nhằm giúp người dân giảm chi phí sản xuất lúa, năm 2010 thành phố Hà Nội phấn đấu mở rộng diện tích gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay lên 20.000ha (đạt được kế hoạch đề ra thì lợi nhuận mang lại từ giải pháp này khoảng trên 100 tỷ đồng). Đến năm 2015, chủ trương của thành phố là phấn đấu đưa diện tích lúa gieo thẳng hàng bằng công cụ kéo tay lên 50% tổng diện tích trồng lúa, khi đó lợi nhuận thu được là trên 5.000 tỷ đồng. Riêng khâu thu hoạch lúa, hiện tại thành phố sẽ hỗ trợ 75 triệu đồng trên tổng trị giá khoảng 165-175 triệu đồng mỗi máy gặt đập lúa liên hợp. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai thu hoạch lúa bằng máy gặt đập lúa liên hợp ở 12 huyện, sau đó nhân rộng ra. Để đạt được trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ sản xuất lúa, ngoài sự hỗ trợ về kinh phí của thành phố; các quận, huyện, thị xã cần cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm kinh phí, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch lúa cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Để đạt mục tiêu các địa phương phải dồn điền đổi thửa, tạo nên những ô thửa lớn, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch lúa chính là cú hích giúp cho công tác dồn điền đổi thửa ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội sớm hoàn thành.
(Theo PHÚC BẢN // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com