Ba vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) có vị trí kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Là vùng lãnh thổ phát triển năng động nhất của cả nước; nơi tập trung các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh với mật độ dân số đông; nơi tập trung đông khu công nghiệp, các khu chế xuất và các cảng biển, sân bay quan trọng nhất của cả nước.
Phạm vi lãnh thổ của các vùng KTTĐ như sau:
Vùng KTTĐ Bắc Bộ, gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội mới, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, có diện tích tự nhiên 15594,2 km2, dân số khoảng 14 triệu người, chiếm 4,7% về diện tích và 16,5% về dân số so với cả nước.
Vùng KTTĐ Miền Trung gồm 4 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên 27953,2 km2, dân số có khoảng 6,3 triệu người, chiếm 8,4% về diện tích tự nhiên và khoảng 7,4% dân số so với cả nước.
Vùng KTTĐ Phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang, có diện tích tự nhiên 30585,8 km2, dân số có khoảng 15,6 triệu người, chiếm 9,2% về diện tích tự nhiên và khoảng 18,3% dân số so với cả nước.
Ba vùng KTTĐ có tác động tích cực đến phát triển của cả nước và các vùng khác, thể hiện trên các mặt:
Ba vùng KTTĐ đóng góp ngày càng lớn cho xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước, làm quy mô của nền kinh tế ngày càng lớn. Năm 2000, ba vùng KTTĐ đóng góp 59,8% GDP và 73,1% thu ngân sách của cả nước. Sau 8 năm, đến năm 2008, vị trí của ba vùng KTTĐ so với cả nước đã tăng lên đáng kể: tỷ trọng GDP so với cả nước từ 59,8% năm 2000 lên 64,7% năm 2008; tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp năm 2008 là 77,5%; ba vùng KTTĐ đã đóng góp trên 87% trị giá hàng xuất khẩu và 86% thu ngân sách của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của ba vùng KTTĐ luôn luôn đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước (cao gấp 1,3-1,5 lần so với nhịp tăng bình quân chung của cả nước), có tác dụng lôi kéo sự phát triển chung của các vùng và góp phần giữ được tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Thời kỳ 2001-2008, ba vùng KTTĐ đã đóng góp 62,2% cho tăng trưởng GDP của cả nước, 69,4% cho tăng trưởng công nghiệp và 64,4% cho tăng trưởng khu vực dịch vụ. Tăng trưởng bình quân GDP của cả nước đạt khoảng 7,75%, trong khi đó ba vùng KTTĐ có tốc độ tăng bình quân 12,9%.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng đã được tăng cường đáng đáp ứng yêu cầu phát triển, hợp tác của 3 vùng:
Nhiều công trình giao thông vừa được xây dựng, nâng cấp, đưa vào khai thác phát huy hiệu quả như quốc lộ 1A, 2, 3, 6, đường Láng - Hòa Lạc và các đường nối với các cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh (Vùng KTTĐ Bắc Bộ); tuyến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai ven biển miền Trung, nâng cấp các cảng biển Đà Nẵng, Chân Mây, Dung Quất và các sân bay quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai (vùng KTTĐ Miền Trung); nâng cấp tuyến quốc lộ 51 Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu, Quốc lộ 22, một số tuyến vành đai TP. Hồ Chí Minh (vùng KTTĐ phía Nam).
Ba vùng KTTĐ tập trung 93% công suất cảng của cả nước, hiện đang triển khai xây dựng tích cực để mở rộng công suất cảng Hải Phòng, công suất 8-10 triệu tấn, tầu 1 vạn DWT, cảng Cái Lân công suất 3 triệu tấn (vùng KTTĐ Bắc Bộ); cảng Đà Nẵng, Dung Quất (vùng KTTĐ Miền Trung); Thị Vải, Sài Gòn (vùng KTTĐ phía Nam). Ba vùng tập trung 100% sân bay quốc tế, đã đầu tư chiều sâu các sân bay lớn của ba vùng là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Đặc biệt là mạng lưới bưu chính viễn thông, cung cấp nước sạch của ba vùng phát triển đáng kể (riêng lượng nước sạch chiếm 85,5% tổng số nước sạch cung cấp cho cả nước).
Mức độ phát triển nhanh kết cấu hạ tầng của ba vùng đã giảm đáng kể thời gian đi lại, tăng cường số lượng và chất lượng thông tin liên lạc, tăng cường giao lưu giữa ba vùng KTTĐ với các vùng khác trong cả nước.
Ba vùng KTTĐ đã thu hút được khối lượng lớn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Năm 2007, ba vùng KTTĐ đã thu hút 352,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 48,5% vốn đầu tư xã hội của cả nước. Ước vốn đầu tư của ba vùng trong năm 2008 đạt khoảng 464,8 nghìn tỷ đồng (cả nước đạt khoảng 730,4 nghìn tỷ đồng). Do hội tụ được các điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thời kỳ 2001-2007, ba vùng KTTĐ đã thu hút được 8713 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 86,5 tỷ USD, chiếm tới 86,9% đầu tư FDI của cả nước. Riêng năm 2007, ba vùng KTTĐ đã thu hút được 1389 dự án (bằng 90% cả nước) với tổng số vốn đăng ký khoảng 12,7 tỷ USD (bằng 80,7% cả nước).
Các vùng KTTĐ có các đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng không chỉ là các trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là các trung tâm khoa học kỹ thuật cung cấp dịch vụ cho các vùng và cả nước. Các hoạt động dịch vụ quan trọng như xuất nhập khẩu, tài chính - tiền tệ, vận tải, du lịch, khoa học công nghệ từ các vùng KTTĐ lan toả và cuốn hút sự phát triển chung của các vùng trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị vệ tinh hoặc tiền thân của những đô thị vệ tinh ở xung quanh các vùng KTTĐ đang từng bước hình thành, góp phần thay đổ đáng kể bộ mặt của vùng phụ cận.
Sự phát triển nhanh của các vùng KTTĐ cũng góp phần giải quyết số lượng lớn lao động cho khu vực và cả nước. Hiện nay tại các khu công nghiệp và ở các đô thị lớn thuộc các vùng KTTĐ thu hút đông đảo lao động từ các tỉnh khác đến, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều gia đình ở các khu vực nông thôn. Các vùng KTTĐ cung cấp nhân lực có trình độ cao cho các vùng khác trong cả nước như giám đốc doanh nghiệp, cán bộ khoa học, chuyên gia lập dự án, chuyển giao công nghệ....
Tại các vùng KTTĐ, trong một số lĩnh vực đã hình thành được đội ngũ doanh gia và lao động kỹ thuật có năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài như: điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp ô tô, xe máy, may mặc, giày dép, nước giải khát...
Một số vấn đề quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới
Trong thời gian qua, ba vùng KTTĐ đã có những thành tựu nhất định đóng góp chung vào quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình, ba vùng KTTĐ gặp phải những vấn đề cần được giải quyết: Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững để xây dựng ba vùng KTTĐ trở thành vùng động lực, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Xây dựng đường cao tốc, thương cảng quốc tế. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại gắn với phát triển KKT, KCN. Phát triển các hành lang kinh tế, phát triển cảng biển. Hình thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chất lượng cao. Hình thành phát triển các sản phẩm chủ lực có chứa hàm lượng chất xám cao. Giải quyết bài toán năng lượng, đặc biệt là thiếu điện để sản xuất và sinh hoạt. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp và các làng nghề; ô nhiễm môi trường các dòng sông. Xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.
Giải pháp thúc đẩy sự phát triển của 3 vùng KTTĐ
Để ba vùng KTTĐ tiếp tục là đầu tầu lôi kéo sự phát triển của cả nước, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Điều chỉnh cơ cấu kinh tế và xây dựng thành công các mũi đột phá.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hiện đại; hình thành các ngành, lĩnh vực đột phá của ba vùng KTTĐ.
Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ đủ sức làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Nhanh chóng tổ chức lại hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ theo mục tiêu tinh giản và tương hợp trình độ quốc tế ở một số lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời nhanh chóng lan toả hoạt động khoa học và công nghệ sang ứng dụng cho các vùng còn lại của đất nước, coi đó là địa bàn ứng dụng trọng tâm cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân.
Đảm bảo xử lý các chất thải ở các thành phố và KCN, các tỉnh, thành phố liên kết để xây dựng các bãi rác thải chung, tiến tới đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải chung.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các vùng KTTĐ.
Đào tạo đội ngũ doanh nhân giỏi có trình độ cao để hội nhập quốc tế có hiệu quả. Đảm bảo có được đội ngũ giáo viên phổ thông, giảng viên đại học có chất lượng nhiều mặt ngang với chuẩn mực khu vực. Kiên quyết quy hoạch lại và tổ chức thực hiện thật tốt việc sắp xếp lại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học. Xây dựng đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách có trình độ cao, đội ngũ những người lập trình, chế tạo rô-bốt, chế tạo thiết bị tự động hoá; đội ngũ những người nghiên cứu sáng chế công nghệ mới trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đồng thời với việc đào tạo, cần sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ và lao động kỹ thuật.
Phát triển cân đối và đi trước về kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế: Tập trung phát triển các tuyến đường giao thông huyết mạch, đẩy nhanh việc xây dựng kho trung chuyển để tạo điều kiện thuận lợi bốc dỡ hàng hoá qua cảng; phát triển hợp lý hệ thống sân bay, cảng biển; tiếp tục hiện đại hoá bưu chính viễn thông; đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội các địa bàn vùng KTTĐ.
Về kết cấu hạ tầng xã hội: Hình thành các trung tâm dạy nghề cấp vùng. Phát triển một số trường Đại học ở các tỉnh, không tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, song các trường phải trên cơ sở quy hoạch phát triển chung hệ thống các trường đại học Quốc gia, tránh trùng lặp ngành nghề.
Phát triển kinh tế biển, tạo bước đột phá tiến ra biển
Hình thành đội tầu vận tải biển mạnh, hiện đại và dịch vụ hàng hải quy mô lớn, trình độ cao. Phát triển mạnh du lịch biển, kết hợp du lịch sinh thái trên toàn tuyến ven biển của các vùng KTTĐ với du lịch nội địa. Phát triển nuôi trồng hải sản đặc sản ven biển và đẩy mạnh đánh bắt cá xa bờ. Phát triển các khu thương mại, kho vận hải quan, vui chơi giải trí cao cấp gắn với các cảng biển một cách hợp lý và có hiệu quả.
Phát triển hệ thống đô thị ở ba vùng KTTĐ theo hướng hiện đại hoá.
Các tỉnh phải liên kết trong quá trình hình thành các đô thị mới. Phát triển đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh gắn với các khu công nghiệp và hình thành các hành lang kinh tế động lực.
Đối với các KCN, KCX và các Khu kinh tế tổng hợp.
Xem xét chặt chẽ việc xây dựng mới các KCN tập trung. Khuyến khích phát triển mạnh các KCN vừa và nhỏ, Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ ngân sách. Đối với các KCN, KCX tập trung sẽ điều chỉnh theo hướng kết hợp tận dụng tối đa năng lực các KCN, KCX, khu công nghệ cao hiện có và xây dựng mới nhằm đem lại hiệu quả cao, tạo ra động lực cho quá trình phát triển công nghiệp và đô thị. Tập trung đầu tư hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng cho các KCN đang xây dựng dở dang. Hình thành đồng bộ kết cấu hạ tầng ngoài KCN gắn với hình thành các khu dân cư, thương mại dịch vụ.
Đổi mới phương thức đầu tư
Đổi mới phương thức đầu tư theo phương châm giảm tối đa ngân sách Nhà nước. Tăng cường vốn đầu tư tư nhân cho phát triển sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, hình thành các công trình đầu tư cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương (tỉnh, thành phố) được quản lý theo những quy chuẩn thống nhất.
Hợp tác liên tỉnh, liên vùng và hội nhập quốc tế
Sự phối hợp giữa các ngành, tỉnh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư là rất quan trọng, nhằm đảm bảo lựa chọn hướng đi thích hợp với từng ngành, từng tỉnh, tránh được đầu tư tràn lan, chồng chéo, trùng lặp; xác lập sự cân đối giữa cung và cầu, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ ngành Trung ương và các tỉnh từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, tỉnh và đảm bảo nguồn vốn, phương án cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái và tái định cư...
Phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch, công tác giám định đầu tư tất cả các dự án trên lãnh thổ vùng.
Phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong xây dựng, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo; trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của vùng và các tỉnh trong vùng./.
( Theo Nguyễn Tiến Huy & Nguyễn Hà Phương // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com