Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hậu Giang trên chặng đường mới

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vùng ngọt hóa Nam sông Hậu, việc phát triển nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp - thủy sản chất lượng cao là hướng đi thích hợp nhất của tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang được thành lập ngày 1-4-2004, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ. Thời điểm lúc ấy, Hậu Giang được xem là một tỉnh thuần nông nghèo, vùng sâu, đứng trước đủ mọi khó khăn, hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều yếu kém so với nhu cầu của một đơn vị hành chính cấp tỉnh, đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ, thời điểm năm 2004 chỉ từ ngã ba Cái Tắc về tới Vị Thanh chưa tới 40 km mà xe ô-tô đi gần 90 phút thì quả là ngán ngại. 
Phát huy nội lực và tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài được Hậu Giang vận dụng khá linh hoạt. Nếu suy xét một cách thấu đáo thì Hậu Giang còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, bên cạnh vị thế là nơi giao lưu của vùng tây sông Hậu, đầu mối trung chuyển giữa vùng tây sông Hậu với vùng bán đảo Cà Mau, quỹ đất còn nhiều là một lợi thế mạnh, là cơ sở để thu hút các dự án đầu tư lớn.
 
Bởi vậy định hướng đầu tư của tỉnh trong thời gian tới chủ yếu là phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
 
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vùng ngọt hóa Nam sông Hậu, việc phát triển nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp - thủy sản chất lượng cao là hướng đi thích hợp nhất của tỉnh.
 
NĂM năm sau khi thành lập tỉnh, nền kinh tế Hậu Giang phát triển với nhịp độ tăng khá cao, duy trì mức tăng trưởng bình quân 5 năm 2004 - 2008 là 11,61% (năm 2003 là 8,4%). Trong đó, khu vực I: Nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,25%/năm (năm 2003 là 3,22%); khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 15,4%/năm (năm 2003 là 16,28%); khu vực  III: Dịch vụ tăng bình quân 17,76%/năm (năm 2003 là 10,01%). Nếu so với kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 nhiều chỉ tiêu tính đến nay đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước.
 
Ðây là mức tăng thuộc loại khá cao so các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) của Hậu Giang năm 2008 là 10,76 triệu đồng/người/năm, so với năm 2003 gấp 2,03 lần (năm 2003 là 5,297 triệu đồng/người/ năm); quy USD đạt 641 USD (năm 2003 là 342 USD). Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh Hậu Giang tăng bình quân 9,34%/năm, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt khá 5,25%, mặc dù thời kỳ này diện tích, sản lượng lúa vụ 3 giảm mạnh, đặc biệt trong năm 2007, bệnh trên cây lúa và gia súc, gia cầm gây thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp.
 
Bình quân giá trị sản xuất theo giá hiện hành 1 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2003 là 30,7 triệu đồng/năm, đến năm 2008 đạt 48,676 triệu đồng/năm, gấp 1,58 lần. Có nhiều mô hình sản xuất tổng hợp đạt giá trị sản xuất 50 - 100 triệu đồng/ha/năm hoặc cao hơn, lợi nhuận 35 - 40% tùy sản phẩm. Từ một địa bàn nguồn thu ngân sách thấp, thu không đủ chi nên ít ai nghĩ tới, nhất là với tỉnh mới Hậu Giang, vậy mà tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2008 dự kiến đạt 2.717 tỷ đồng, gấp 7,59 lần so năm 2003 (358 tỷ đồng), tăng bình quân 150%/năm, trong đó thu nội địa 480 tỷ, tăng gấp 6,6 lần so năm 2003 (72,7 tỷ đồng).
 
Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến đến năm 2008 là 2.638 tỷ đồng, gấp hơn 5,6 lần so năm 2003 (470 tỷ đồng), tăng bình quân 141,2%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 58,22% tổng chi ngân sách địa phương. Chi ngân sách đã tập trung hơn cho mục tiêu đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời thu hút thêm nguồn lực của dân cư thông qua việc xã hội hóa một số mặt hoạt động kinh tế - xã hội, nhờ đó nhu cầu chi được đáp ứng tốt hơn. Tổng chi ngân sách địa phương tăng khá do ngoài nguồn cân đối chung của ngân sách trung ương giao và bổ sung, tỉnh huy động từ rất nhiều nguồn để chi tăng cho đầu tư phát triển.
 
Tỉnh Hậu Giang chủ trương tích cực mời gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, nhất là thủ tục cấp giấy phép đầu tư, thủ tục giao đất, chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khá linh hoạt trong việc miễn giảm tiền thuê đất, thuế suất, thuế nhập khẩu đối với các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư... cho nên đã trực tiếp thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Công ty TNHH Giấy và bột giấy Lee & Man (Ðài Loan - Trung Quốc).
 
Ðầu quý II-2008, Ngân hàng Liên Việt được thành lập với số vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng, đặt  trụ sở chính tại thị xã Vị Thanh, chẳng những góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang, mà còn mở rộng các hoạt động tín dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy số dự án FDI vào tỉnh chưa nhiều nhưng đã xuất hiện một số dự án với quy mô lớn, góp phần gia tăng nhanh chóng của thành phần kinh tế này trong cơ cấu VA. Tính đến cuối tháng 6-2008, toàn tỉnh có 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký là 637,22 triệu USD, vốn thực hiện 113,04 triệu USD. 
 
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang 5 năm 2004 - 2008 ước 15.499 tỷ đồng, tăng bình quân 136,04%/ năm, trong đó có hai dự án liên doanh, sáu dự án 100% vốn nước ngoài; hiện có hai dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, số còn lại đang trong quá trình triển khai sau giấy phép. Nhìn chung, nguồn vốn đầu tư từ nội lực được khai thác khá hơn, chiếm 80,31% tổng vốn đầu tư, đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ chưa cao nhưng có xu hướng tăng nhanh; tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực dân cư, các thành phần kinh tế tư nhân có xu hướng tăng cao trong cơ cấu. Các nguồn vốn này tạo điều kiện tốt hơn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo.
 
Từ năm 2004 đến 2008, Hậu Giang giải quyết việc làm tại chỗ cho 94.177 lao động, bình quân mỗi năm 18.835 người. Ðến cuối năm 2008, tỷ lệ lao động được  đào tạo 20% tổng số lao động  đang làm việc trong các ngành  kinh tế quốc dân, trong đó tỷ lệ  lao động được đào tạo nghề  13,2%.  Ngoài các công trình trung ương đầu tư trên địa bàn như: Quốc lộ 1A, đường Nam Sông Hậu, quốc lộ 61, cầu Cái Tư, tuyến lộ Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường nối thị xã Vị Thanh - thành phố Cần Thơ, nạo vét hai tuyến đường thủy quốc gia TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương và TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, kênh Nàng Mau 2, dự án Ô Môn - Xà No...
 
Ðồng thời tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, huyện, hệ thống đường nội ô thị xã Vị Thanh, Ngã Bảy, các thị trấn, xây dựng mới bờ kè kinh xáng Xà No để phòng, chống sạt lở đất và tạo mỹ quan đô thị, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội.  Ðến nay Hậu Giang đã thực hiện điện khí hóa được 71 xã, phường, thị trấn, đạt 100%, đường điện trung thế được kéo đến trung tâm các xã, phát triển đường dây hạ thế kết hợp cải tạo lưới điện không an toàn, kéo điện nhánh rẽ và lắp điện kế miễn phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
 
Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn tỉnh đạt 91% (năm 2003 đạt 86,2%), trong đó hộ nông thôn chiếm tỷ lệ 88% (năm 2003 đạt 81%).  CÔNG tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nội dung trọng tâm của tỉnh Hậu Giang trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thể  hiện qua hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng dần mức sống dân cư ở các xã nghèo, các vùng khó khăn, chống tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia giảm nhanh từ 23,55% vào năm 2005 xuống 13,66% vào cuối năm 2008.
 
Các địa chỉ trọng điểm mời gọi đầu tư
1/ Khu đô thị Công nghiệp Sông Hậu - Khu Công nghiệp tập trung Sông Hậu, đợt 1, giai đoạn 1. - Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A. 2/ Cụm Công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh. 3/ Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp Vị Thanh. 4/ Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp Ngã Bảy. 5/ Thị xã Vị Thanh. 6/ Thị xã Ngã Bảy 7/ Xây dựng nông thôn 8/ Các Khu đô thị mới. - Khu tái định cư dân cư, thương mại Sông Hậu - Khu tái định cư dân cư, thương mại Tân Phú Thạnh - Khu dân cư đường Tây Sông Hậu - Khu dân cư đường tránh quốc lộ 61 9/ Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy 10/ Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử tại Long Mỹ 11/ Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng 12/ Khu du lịch sinh thái Tầm Vu 13/ Khu du lịch sinh thái Tây Ðô 14/ Chợ nổi Phụng Hiệp 15/ Khu du lịch sinh thái Viên Lang Bãi Bồi huyện Long Mỹ.
 
Thực hiện các chính sách xã hội, chăm sóc người có công với nước, mở rộng và tăng kinh phí hoạt động cho trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Tăng cường vận động toàn xã hội tham gia đóng góp trong 5 năm xây dựng được 522 nhà đại đoàn kết, 3.108 nhà tình thương, sửa chữa 1.471 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer nghèo; chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, gia đình chính sách đã thành phong trào rộng khắp.
 
Nâng tầm và phát triển thị xã Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy thành các đô thị cửa ngõ vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, phát huy lợi thế so sánh về mối quan hệ liên vùng kinh tế, thế mạnh về phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện cuộc bứt phá ngoại mục của Hậu Giang khỏi thế thuần nông. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Hậu Giang tăng dần, từ 11,6% năm 2003 lên khoảng 20% năm 2008.
 
Công tác quản lý và chỉnh trang đô thị đã và đang được thực hiện theo quy hoạch, các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, các công trình công ích, phúc lợi xã hội được đầu tư, nâng cấp đáng kể, bao gồm khu đô thị công nghiệp sông Hậu, cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh, các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, Trung tâm thương mại Vị Thanh, Trung tâm văn hóa, công viên bờ kè kinh xáng Xà No và một số công trình văn hóa, xã hội khác đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo mỹ quan và sức sống mới, hướng tới việc xây dựng đô thị "xanh, sạch, đẹp" tạo điều kiện cần thiết để xây dựng thị xã Vị Thanh thành thành phố đô thị loại III thuộc tỉnh, đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh và vùng Tây sông Hậu và Bắc bán đảo Cà Mau. 
 
Chặng đường mới 5 năm của Hậu Giang thoát khỏi thế thuần nông, làm nên một Hậu Giang năng động, khẳng định vị thế của một tỉnh mới trong thời gian sớm nhất.
 

(Theo nhân dân)

  • Năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến đạt 1,1 tỷ USD
  • TP Hồ Chí Minh: Đìu hiu thị trường xe ô-tô
  • Trình độ sản xuất của các doanh nghiệp ở TPHCM: Chỉ có 1% công nghệ hiện đại
  • Hà Nội dừng triển khai trung tâm thương mại 19/12
  • Ðồng Nai đối phó với nạn thất nghiệp
  • Cây cao-su tiểu điền ở Kon Tum
  • Tiền Giang phát triển vườn cây ăn quả
  • Cần Thơ phấn đấu dẫn đầu khu vực ĐBSCL về sản xuất công nghiệp theo chuẩn mực quốc tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi