Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạng Sơn phát triển kinh tế đồi rừng

 Chăm sóc rừng trồng ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn)
Với hơn 80% diện tích là đất lâm nghiệp, đất vườn đồi, Lạng Sơn có tiềm năng lớn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều năm qua, các hộ nông dân trong tỉnh mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế đồi rừng (KTÐR), bước đầu đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực.

Làm giàu trên đất khô cằn

Khác với nhiều người dân ở TP  Lạng Sơn chỉ chuyên lo chạy chợ, buôn bán,  từ năm 2000, gia đình chị Chu Thúy Sung, ở xã Quảng Lạc mạnh dạn đứng ra nhận  hơn 60 ha  đất rừng để phát triển KTÐR. Chị Chu Thúy Sung kể, hơn 10 năm trước, đất đồi  rừng ở vùng ven thành phố thường bỏ hoang, đồi rừng trọc lốc đầy cỏ và cây sim, không ai dám nhận vì có nhận về cũng không biết trồng cây gì. Lúc đầu, khi nhận đất rừng gia đình chị cũng như nhiều hộ dân trong vùng trồng cây theo phong trào, mỗi nơi trồng một ít cây vải thiều, nhãn, hồng... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình đã tìm đến Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Ðông Bắc đóng ngay trên địa bàn, tìm giống cây trồng cho phù hợp. Ðược sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, gia đình trồng thử vài chục cây dẻ,  sau hai năm đã bói quả,  chị tiếp tục  mở rộng diện tích lên hơn 3 ha. Cây dẻ dễ  trồng hơn nhiều so với cây khác, vì trồng ở đất khô cằn vẫn phát triển tốt, lại chịu được hạn. Ðặc biệt, cây dẻ  không bị mất mùa, năm nào cũng cho quả. Vụ thu hoạch năm 2010, gia đình thu 12 tấn hạt dẻ, bán 40 nghìn đồng/kg, thu về hơn 480 triệu đồng. Nếu chỉ tính bình quân 1 ha trồng 300 cây dẻ, mỗi cây cho 10 kg hạt, thì 1 ha cho thu hoạch, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây khác.

Anh Hoàng Lê Minh, Giám đốc Công ty CP  Giống lâm nghiệp Ðông Bắc cho biết, cây dẻ có mặt ở các tỉnh miền núi đã lâu, đặc biệt là dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) là đặc sản rất nổi tiếng, nay  diện tích, năng suất và sản lượng đều giảm mạnh  do nhiều nguyên nhân. Ðể 'địa phương hóa', thông qua sử dụng gốc ghép là giống dẻ Trùng Khánh, ghép với cành ghép là giống dẻ Cửu Gia Chủng (Trung Quốc), qua trồng khảo nghiệm, kết quả ngoài sự mong đợi của tập thể cán bộ, kỹ sư công ty. Từ hai năm nay, một số tỉnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La... đã lập dự án đưa giống cây dẻ mới về trồng. Ở Lạng Sơn, nhiều hộ gia đình đã trồng cây dẻ với số lượng lớn, mở ra triển vọng xóa đói, giảm nghèo.

Mấy năm gần đây, 15 hộ gia đình ở thôn Làng Giang,  xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, đã thoát nghèo nhờ trồng cây bồ khai. Anh Nguyễn Văn Tâm, trưởng thôn Làng Giang cho biết: Vùng đồi núi này khô cằn quanh năm, mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô, cho nên đời sống bà con rất khó khăn. Từ ngày đưa cây bồ khai về trồng, đời sống bà con thay đổi  nhiều. Cả thôn có hơn  6 ha cây bồ khai, hộ trồng nhiều hơn 1 ha, nếu chăm sóc tốt  cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha. Cây bồ khai rất dễ trồng, lại thu hái  quanh năm, 1 kg rau xanh bồ khai trị giá bằng ba cân gạo, tư thương đến tận nơi thu mua cho nhà hàng, trở thành món ăn đặc sản.

Nhiều năm nay, bà con các dân tộc ở các xã giáp biên giới: Tân Minh, Ðào Viên,... (Tràng Ðịnh), thường gọi anh Nông Văn Mậu  là 'Tỷ phú rừng xanh'. Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương,  anh bàn bạc với gia đình nhận đất rừng để trồng cây.  Khi anh có ý định biến vùng đất khô cằn này thành rừng cây, anh đã bị vợ phản đối quyết liệt, cho đó là chuyện dở hơi, vì  bao đời nay ở vùng đất biên cương này, không ai trồng rừng, mà chỉ biết vào rừng chặt cây, đốn củi đem bán. Nhưng với khát vọng biến rừng thành vàng, anh Mậu đã đi nhiều nơi trong tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình trồng rừng. Nhận thấy làm giàu từ đồi rừng là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt là vùng đất này rất phù hợp với trồng cây bạch đàn, cây keo... anh đã bàn bạc thỏa thuận với các hộ gia đình ở địa phương có đất đồi chưa sử dụng cho thuê để trồng cây.  Ðược cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, anh đầu tư  vốn của gia đình và vay thêm ngân hàng 850 triệu đồng để trồng rừng sản xuất. Năm 2006 bắt tay vào trồng rừng, đầu tiên là 3,2 ha  bạch đàn, keo,... đến nay gia đình anh Mậu đã có hơn 300 ha rừng. Anh Nông Văn Mậu cho biết: Vào vụ trồng rừng cũng như thời kỳ chăm sóc, có ngày anh phải huy động  60 đến 70 lao động, là bà con trong bản, trả lương theo thời vụ. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em  địa phương, với thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với trồng rừng anh còn trồng cây cảnh, thuê người từ Nam Ðịnh lên hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc. Với gần 1.000 cây tùng la hán đang ở độ tuổi tạo dáng, vụ xuân này, anh đã xuất bán hơn 300 cây, bình quân 350 nghìn đồng/cây, khách hàng đến mua tại vườn. Từ mô hình trồng rừng của cựu chiến binh (CCB) Nông Văn Mậu, phong trào trồng rừng của  các xã trong huyện Tràng Ðịnh ngày càng phát triển mạnh.

Cần có chính sách khuyến khích nông dân

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, Lạng Sơn hiện có hơn 40 nghìn hộ nông dân làm kinh tế khá, giỏi, chiếm hơn 22% số hộ nông dân của tỉnh,  thu nhập hằng năm từ 40 đến 100 triệu đồng trở lên. Các hộ nông dân làm kinh tế chủ yếu là mô hình KTÐR, nông, lâm kết hợp chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề... Nhờ đó, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với nhiều mô hình phong phú như: vùng cây ăn quả, cây đặc sản, cây công nghiệp... Nổi bật như vùng trồng na dai ở huyện Chi Lăng, đến nay có khoảng 1.200 ha, sản lượng một năm hơn 6.300 tấn. Hầu hết các hộ nông dân dọc quốc lộ 1A  gồm: xã Quang Lang, thị trấn Ðồng Mỏ, Mai Sao... trồng na trên các sườn núi đá vôi, có nhiều hộ trồng 1-2 ha. Bình quân một ha trồng 500 cây na, nếu đầu tư chăm sóc theo quy trình một vụ thu hơn 75 triệu đồng/ha, gấp ba lần so với trồng cây ngô. Vùng  trồng quýt ở Bắc Sơn, hiện có gần 2.000 ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 1.300 đến 1.600 tấn quả... Số hộ trồng quýt mỗi năm thu từ 50 đến 120 triệu đồng chiếm 20% số hộ trồng quýt trong huyện Bắc Sơn; nếu được chăm sóc tốt năng suất đạt 60 tấn quả/ha, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha. Vùng cây công nghiệp được hình thành ở hai huyện Lộc Bình và Ðình Lập, đến nay, tổng diện tích đạt hơn 60 nghìn ha. Nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, thoát đói nghèo nhờ khai thác nhựa và gỗ thông...

Tuy xuất hiện nhiều mô hình KTÐR, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhìn chung mô hình này  còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Ngọc Tăng cho biết: Tỉnh hiện còn  hơn 300 nghìn ha đất đồi chưa được sử dụng, chiếm 30% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh; số trang trại theo đúng tiêu chí mới chỉ có 46, nhưng làm ăn kém hiệu quả; giá trị sản lượng hàng hóa sản xuất ra còn thấp và không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn bị động với thị trường. Việc phát triển KTÐR chủ yếu là tự phát, chưa có quy hoạch; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhiều hạn chế...

Ðể khắc phục khó khăn, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi, Lạng Sơn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nông dân về KTÐR, chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình. Vì thực tế cho thấy, nhiều nơi từ cấp ủy, chính quyền đến người dân chưa quan tâm phát triển KTÐR, làm theo kiểu được chăng hay chớ. Do đó cần  khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, mô hình KTÐR; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông). Các ngành chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý cho các chủ trang trại, chủ rừng, giúp đào tạo nâng cao tay nghề cho  nông dân; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, chợ... để giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường.

(Theo Bài và ảnh: HÙNG TRÁNG/nhandan)

  • Ngư dân Sông Ðốc tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đánh bắt cá
  • 20 tỉ đồng tài trợ cuộc thi Bắn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2011
  • Hà Nội sắp mở cửa Trung tâm thương mại lớn nhất VN
  • TP.HCM nhắm đích tăng trưởng GDP 12% mỗi năm
  • Quản lý giá cả tại TPHCM - Không để tình trạng “té nước theo mưa”
  • Gia Lai nỗ lực khắc phục hậu quả nắng hạn
  • Bến Tre thiệt hại nặng vì nước mặn xâm nhập
  • ĐBSCL: Giá cá tra tăng kỷ lục
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi