Cầu Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng nối các tỉnh phía Bắc với Hà Nội. Đây cũng là cửa ngõ quốc tế quan trọng của Thủ đô với các nước trên thế giới qua sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, mặt cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc sửa chữa nhanh là yêu cầu cấp thiết, vừa để bảo đảm giao thông, vừa góp phần làm đẹp bộ mặt thành phố.
Bài toán thứ nhất: Bóc triệt để lớp bê tông nhựa cũ
![]() | |
Mặt cầu Thăng Long sẽ được thay mới trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Minh |
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26-11-1974, đến 9-5-1985 hoàn thành. Ở thời điểm đó, đây là cây cầu lớn nhất Việt Nam có kết cấu 2 tầng, tầng dưới dành cho xe lửa và xe thô sơ, tầng trên dài hơn 3,1km, rộng 21m dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Sau nhiều năm sử dụng, mặt cầu tầng trên đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2001, Bộ GTVT đã tổ chức sửa chữa lần đầu. Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Nguyễn Năng Thể cho biết, cầu Thăng Long có kết cấu mặt bản thép ở dưới, sau đó mới là lớp bê tông nhựa đường dày 7cm. Tuy nhiên, trong lần sửa chữa năm 2001, do e ngại việc dùng máy bóc hết lớp bê tông nhựa đường sẽ làm ảnh hưởng mặt bản thép, nên chỉ bóc 5cm và thảm lớp nhựa mới lên. Do khắc phục không triệt để cùng với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn khiến mặt cầu tiếp tục bị hư hỏng, biến dạng với nhiều vết nứt, tạo thành "ổ gà, sống trâu" trên cầu.
Tháng 8-2004, Bộ GTVT có Quyết định số 2418/QĐ-BGTVT cho phép chuẩn bị đầu tư sửa chữa mặt cầu giai đoạn 2. Đến 31-10-2007, Bộ GTVT có văn bản số 3329/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án sửa chữa mặt cầu giai đoạn 2 với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng với yêu cầu thay thế mặt cầu bằng vật liệu mới, thay thế khe co giãn. Ban Quản lý dự án 2 được giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay mọi công tác chuẩn bị mới hoàn tất để triển khai thi công. Ông Nguyễn Năng Thể khẳng định, ngày 23-10 sẽ chính thức khởi công sửa chữa, cải tạo mặt cầu. Thời gian thi công là 90 ngày. Để bảo đảm chất lượng và tăng tuổi thọ mặt cầu, tất cả các loại vật liệu chống thấm, polymer nhựa đường… đều được nhập khẩu và có chất lượng cao. Về mặt kỹ thuật, khó khăn nhất là việc bóc lớp nhựa cũ tới tận mặt thép. Nếu không thể dùng máy móc sẽ phải dùng đèn khò gia nhiệt để bóc thủ công.
Bài toán thứ hai: Phân luồng tổ chức giao thông
![]() | |
Mặt đường tầng trên cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng cần được sửa chữa. |
Một trong những vấn đề hóc búa được đặt ra khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long là tổ chức giao thông, bởi lưu lượng phương tiện qua cầu rất lớn. Hiện nay, vào giờ cao điểm, ở cả 2 bên đầu cầu đều xảy ra ùn ứ cục bộ. Tuy nhiên, sau nhiều buổi kiểm tra, thị sát, các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án phân luồng, tổ chức giao thông.
Theo Bộ GTVT, phân luồng từ xa phù hợp với mạng lưới giao thông của thành phố, không gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các loại phương tiện ở khu vực cầu Thăng Long và trên toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng - Bắc Thăng Long - Nội Bài. Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam… tổ chức thực hiện phương án phân luồng giao thông toàn bộ khu vực khi thi công mặt cầu. Xe máy sẽ không được đi trên tầng trên mà đi xuống tầng 1 cùng với xe thô sơ. Xe tải trọng lớn, siêu trường, siêu trọng bị cấm đi qua cầu trong thời gian sửa chữa. Xe tải từ 2,5 tấn đến dưới 10 tấn sẽ bị cấm đi trên cầu trong giờ cao điểm… việc phân luồng, điều tiết sẽ được thực hiện trước ngày 21-10.
Để bảo đảm giao thông, việc thi công sẽ được thực hiện theo phương án "đóng" nửa cầu phía hạ lưu để thi công trước, hoàn thành nửa hạ lưu sẽ chuyển sang thi công bên thượng lưu. Các nhà thầu được yêu cầu tuân thủ nghiêm túc phạm vi được giao, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, theo ông Thể, dù phân luồng, hạn chế phương tiện, nhưng tình hình giao thông trên cầu trong thời gian thi công sẽ rất khó khăn. Được biết, trong buổi diễn tập vào ngày 3 và 4-10, trung bình 1 ô tô qua cầu phải mất tới 40 phút. Vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân có việc đi qua cầu, nhất là đi sân bay Nội Bài phải đi sớm hoặc tốt nhất là chọn đường khác. Sở GTVT Hà Nội và Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét tạm dừng thu phí ở trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài để tránh việc thu phí hai lần cũng như có thể gây ùn tắc tại khu vực đầu cầu phía Bắc khi phân luồng. Đây thực sự là yêu cầu chính đáng, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, quyết định để việc sửa chữa cầu thuận lợi, bảo đảm tiến độ.
Phân luồng giao thông phục vụ sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Phương án phân luồng giao thông từ xa của Cục Đường bộ Việt Nam): Với phương tiện vận tải từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc: điều tiết đi đường Láng - Hòa Lạc - QL21 hoặc QL 32 qua cầu Trung Hà. Phương tiện vận tải từ QL6 đi các tỉnh phía Bắc, Đông bắc: Điều tiết tại ngã ba Xuân Mai (QL6+đường Hồ Chí Minh - QL21 - QL32 - qua cầu Phong Châu) đi theo QL21 qua cầu Trung Hà. Phương tiện vận tải từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội: điều tiết đi theo QL2 - Nội Bài - Bắc Ninh, QL1 qua cầu Thanh Trì về Hà Nội. Lương Tuấn |
(Theo Nguyễn Đức // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com