Ðược sự quan tâm của nhà nước, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở Ninh Bình được hỗ trợ lãi suất đã vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, chuẩn bị tăng trưởng trở lại mức trước khi suy giảm. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung mở rộng triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tín dụng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng. Hiệu quả hỗ trợ lãi suất Mặc dù tiếp xúc không báo trước một số doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Bình nhưng chúng tôi đều nhận được ý kiến đánh giá chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, bảo đảm hoạt động, giảm giá thành, hạ giá bán, tiêu thụ được sản phẩm và tăng được sức cạnh tranh. Giám đốc Xí nghiệp chiếu cói Quang Minh, Nguyễn Văn Quang (thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn) chuyên làm hàng xuất khẩu cho biết, thế giới khủng hoảng kinh tế, thông tin về không khí hội chợ quốc tế buồn tẻ, ít bạn hàng, xí nghiệp phải điều chỉnh hợp đồng đã ký giảm về số lượng và giá cả. Hợp đồng mới gặp khó khăn khiến doanh nghiệp giảm sút khối lượng hàng hóa xuất khẩu. Tuy vậy, nhờ kịp thời điều chỉnh cơ cấu mặt hàng, thay đổi nguyên liệu từ mây sang cói giá rẻ hơn, đặc biệt được Chi nhánh Ngân hàng Công thương Tam Ðiệp cho vay hơn ba tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 4%/năm, cho nên cơ bản xí nghiệp của anh duy trì được sản xuất, xuất khẩu, doanh thu sáu tháng đầu năm hơn 13 tỷ đồng, giữ được lao động hơn 100 người làm khâu hoàn tất sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ðáng nói là còn duy trì được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu cho hàng nghìn lao động nông nghiệp, nông thôn làm hàng thủ công từ nguyên liệu cói, bèo tây, bẹ chuối. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bảy Phương, Ðặng Thị Phương kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Ninh Bình cho biết, từ tháng 2, đơn vị đã được Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình cho vay năm tỷ đồng vốn ngắn hạn hỗ trợ lãi suất, giảm nhiều khó khăn về vốn, kinh doanh tăng dần, sắt, thép, xi-măng bán chạy, có ngày doanh số bán đạt 500 triệu đồng, gần bằng thời điểm trước khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn. Cũng là khách hàng của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình, nhưng kinh doanh mặt hàng nội thất, gạch men, ốp lát, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hải Nguyệt Châm, Nguyễn Thị Minh Nguyệt phân tích, việc hỗ trợ lãi suất vốn vay tác động tích cực nhiều mặt, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về vốn, tạo ra sản phẩm với giá cả hợp lý, giảm được phí lưu thông, giảm giá bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa tốt hơn; công ty được phổ biến thông tin và vay ba tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất từ tháng 2, có điều kiện ổn định giá bán, đến nay kinh doanh bắt đầu có lãi chút ít, doanh số mua vào, bán ra đạt 70% mức hoạt động bình thường trước đây (thời điểm khó khăn nhất là từ tháng 6 đến tháng 12-2008, phải giảm giá bán, chịu lỗ để thu hồi vốn). Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình Ðinh Gia Ngạn, sau một thời gian cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, chi nhánh cùng Sở Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đi khảo sát hơn mười đơn vị khách hàng để đánh giá tác động của chính sách. Kết quả cho thấy, yếu tố tích cực kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa là cơ bản, tuy nhiên, bên cạnh đó về nghiệp vụ khó khăn lớn nhất gặp phải là khi xác định đối tượng cho vay trong trường hợp nguyên, vật liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm, hoặc công tác quản lý xuất xứ hàng hóa, thực hiện chế độ chứng từ, hóa đơn trong mua bán chưa chặt chẽ, nên khó xác định nguồn gốc, chứng minh sử dụng vốn vay... Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình có thị phần lớn trên địa bàn, chiếm 41%, đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt hơn 1.738 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn hơn 1.451 tỷ đồng, trung dài hạn hơn 286 tỷ đồng; riêng cho vay hỗ trợ lãi suất khu vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/QÐ-TTg là ba tỷ đồng, chủ yếu đầu tư phương tiện vận tải. Phó Giám đốc chi nhánh Bùi Cao Thơi cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp để hoạt động tốt lên, hiệu quả hơn, trả được nợ cũng góp phần làm cho ngân hàng lành mạnh về tài chính, do địa bàn tín dụng rộng, lãnh đạo chi nhánh đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, kiểm soát, giáo dục cán bộ, nhân viên, đề cao kỷ luật, xử lý nghiêm khắc, về cơ bản cho vay đúng đối tượng, chưa có sai phạm lớn phải buộc thôi việc. Vai trò chính quyền địa phương Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Ninh Bình Nguyễn Văn Thắng, đến ngày 31-7, các chi nhánh ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đã cho 9.770 tổ chức, cá nhân vay vốn hỗ trợ lãi suất với dư nợ 3.902 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng dư nợ, trong đó cho vay ngắn hạn 2.617 tỷ đồng, trung dài hạn 1.282 tỷ đồng, khu vực nông nghiệp, nông thôn ba tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho 6.570 khách hàng vay vốn hỗ trợ lãi suất, với dư nợ 98,8 tỷ đồng. UBND tỉnh Ninh Bình có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tín dụng của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả. Hằng tháng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo UBND tỉnh tình hình cụ thể, chi tiết về thực hiện cho vay vốn hỗ trợ lãi suất trên địa bàn, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp giải quyết. Do đó, việc triển khai cho vay thuận lợi. Công ty xi-măng Tam Ðiệp nhờ được hỗ trợ lãi suất vốn vay đã giảm giá thành 2.400 đồng/tấn sản phẩm, bảo đảm việc làm cho 800 lao động; Công ty TNHH cán thép Tam Ðiệp giảm giá thành 7.100 đồng/tấn; Công ty xi-măng Hướng Dương giảm giá thành 2.000 đồng/tấn, duy trì việc làm cho hơn 700 lao động. Qua kiểm tra, phát hiện một số món cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại sai đối tượng, hồ sơ không đầy đủ, tỉnh đã chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ hoặc thu hồi vốn vay. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những tháng còn lại của năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương mở rộng cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Ðồng thời tăng cường các biện pháp huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tín dụng lãi suất hợp lý cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay sản xuất hàng tiêu dùng, thay thế nhập khẩu, kinh doanh xuất khẩu, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư vốn cho các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế tín dụng, xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng để nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện nghiêm túc, công khai, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, tiêu cực, lợi dụng cơ chế ưu đãi trục lợi cá nhân. Thực hiện nghiêm túc công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất lên cấp trên, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý, chỉ đạo. |
(Theo Mạnh Thuần và Ðỗ Tấn/Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com