![]() |
Thu hoạch mẻ muối mới tại đồng muối Quán Thẻ |
Mở rộng nghề muối
Ðầu năm 2010, Ninh Thuận đầy nắng và gió. Ðây là điều kiện thuận lợi để các ruộng muối nhanh kết tinh những mẻ muối mới. Trên đồng muối Quán Thẻ nằm ở phía tây quốc lộ 1A, lực lượng công nhân, xe, máy của Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Công ty Hạ Long) đang hối hả làm việc để chuẩn bị thu hoạch mẻ muối mới. Tại các ô kết tinh, những hạt muối đã thành hình trắng lốp dưới nắng chiều. Anh Lê Khắc, Phó Ban quản lý sản xuất của chi nhánh Công ty Hạ Long tại Ninh Thuận, cho biết: Chừng đôi ba ngày nữa sẽ tiến hành "cào" muối ở những ô này. Khom người xuống ruộng bốc lên một dề muối, anh Khắc cho biết thêm: Nếu hệ thống bơm nước biển hoàn chỉnh và không "dính" đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 11 hồi đầu tháng 11-2009, năm nay, đồng muối Quán Thẻ sẽ "trúng" lớn.
Như vậy, sau gần 10 năm lấn cấn chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng, rồi thay đổi chủ đầu tư, đến tháng 5-2009, Công ty Hạ Long mới đưa 500 ha thuộc dự án Quán Thẻ, nằm ở khu vực phía đông đường sắt bắc - nam vào sản xuất thử. Giữa tháng 8-2009, doanh nghiệp này đã thu hoạch mẻ muối công nghiệp đầu tiên với sản lượng hơn 200 tấn. Theo Giám đốc chi nhánh Công ty Hạ Long tại Ninh Thuận, Nguyễn Ðức Phấn, đến cuối tháng 10-2009, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng 1.700 ha đồng muối tại dự án Quán Thẻ. Nếu được tỉnh Ninh Thuận giải phóng xong mặt bằng và giao đất sớm, dự kiến đến cuối năm 2010, Công ty Hạ Long sẽ hoàn tất việc xây dựng toàn bộ đồng muối Quán Thẻ với diện tích 2.500 ha. Niên vụ 2010, doanh nghiệp này sẽ chính thức đưa đồng muối phía đông đường sắt bắc-nam vào sản xuất. Khoảng quý II-2010, đưa 800 ha đồng muối phía tây đường sắt vào sản xuất thử. Dự kiến, trong năm 2010, sản lượng muối công nghiệp được sản xuất tại đồng muối Quán Thẻ sẽ đạt khoảng 20 đến 30 nghìn tấn.
Ðây là "phần thưởng" xứng đáng đối với những doanh nghiệp có quyết tâm đầu tư tại vùng đất còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận. Ðáng mừng hơn, nơi đồng đất hoang hóa, khô cằn tại một vùng khô hạn nhất Ninh Thuận, giờ đã có sản phẩm cho đời, góp phần đáp ứng nhu cầu muối cho cả nước. Hiện nay, muối đang được giá, cho nên đời sống của bà con diêm dân ở Ninh Thuận được cải thiện hơn các năm trước.
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, năm 2009, giá thành sản xuất một tấn muối của diêm dân khoảng từ 200 đến 220 nghìn đồng, nhưng giá bán trung bình khoảng từ 700 đến 900 nghìn đồng/tấn. Với muối công nghiệp, giá thành sản xuất khoảng 300 nghìn đồng/tấn và bán được từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn. Với "đầu vào" và "đầu ra" như vậy, đời sống chung của cả công nhân ở các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp và bà con diêm dân ở Ninh Thuận đã "dễ thở" hơn các năm trước khá nhiều.
Hiện tại, toàn tỉnh Ninh Thuận có gần ba nghìn lao động tham gia sản xuất muối, trong đó có khoảng 30% là lao động thời vụ. Trong năm 2009, thu nhập trung bình của mỗi lao động trong khu vực sản xuất muối công nghiệp và chế biến muối khoảng hai triệu đồng/tháng. Với bà con diêm dân, thu nhập trung bình của mỗi hộ dao động từ sáu đến mười triệu đồng/tháng. Ðó là mức thu nhập "chấp nhận được" so với mặt bằng đời sống chung ở Ninh Thuận. Tuy vậy, đời sống kinh tế của công nhân nghề muối và bà con diêm dân ở Ninh Thuận vẫn cứ không ổn định, nếu không sớm tìm cách nâng cao giá trị hạt muối được làm ra từ những giọt mồ hôi còn mặn hơn muối.
Nâng cao giá trị hạt muối
Ninh Thuận đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất, lưu thông muối trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và đến năm 2020. Ðịnh hướng của tỉnh là đầu tư cải tạo, nâng cấp các đồng muối công nghiệp hiện có và xây dựng các đồng muối mới để đến năm 2015, đưa tổng diện tích đồng muối toàn tỉnh lên gần năm nghìn ha, trong đó, diện tích thực tế đưa vào sản xuất khoảng bốn nghìn ha. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này là sản lượng muối trung bình hằng năm đạt hơn 600 nghìn tấn, bảo đảm yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng từ tám đến mười nghìn lao động ở địa phương. Ninh Thuận cũng đang kêu gọi đầu tư dự án xây dựng mới đồng muối công nghiệp diêm dân bắc Tri Hải - Nhơn Hải có quy mô 600 ha.
Vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất muối nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất, đồng thời hạn chế bớt việc phụ thuộc vào thời tiết.
Thực tế, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất muối ở Ninh Thuận cũng đã triển khai ứng dụng khá thành công. Từ năm 2008, Công ty cổ phần muối Ninh Thuận đã ứng dụng công nghệ trải bạt với diện tích ba ha tại đồng muối Tri Hải và đã sản xuất được hơn 300 tấn muối chất lượng cao. Doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư 15 tỷ đồng để mở rộng diện tích trải bạt thêm tám ha để đưa vào sản xuất trong niên vụ 2010.
Tháng 4-2009, Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư Ninh Thuận đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh tại xã Tri Hải, quy mô 280 m2 với năm hộ dân tham gia. Kết quả bước đầu đạt được khiến bà con diêm dân vùng Ninh Hải rất "phấn khởi". Anh Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Với mô hình này, năng suất tăng thêm 15% và giá tiêu thụ cao hơn 10% so với cách sản xuất truyền thống của diêm dân địa phương. Nếu đưa vào sản xuất đại trà, bà con diêm dân có thể thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng/ha/năm.
Một yếu tố khác để nâng cao giá trị hạt muối là phải đa dạng hóa các sản phẩm từ muối và sau muối.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có bảy cơ sở chế biến muối tinh và muối i-ốt. Năm 2009, lượng muối qua chế biến ở Ninh Thuận được hơn 23 nghìn tấn, chiếm khoảng 14% sản lượng muối sản xuất được. Giữa tháng 10-2009, Công ty Hạ Long khởi công xây dựng khu liên hợp chế biến các sản phẩm muối cao cấp và muối i-ốt với công suất 200 nghìn tấn/năm, tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 300 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối quý III-2010, khu liên hợp này sẽ đi vào hoạt động và chắc chắn giá trị từ hạt muối được làm ra tại đồng Quán Thẻ sẽ được nâng lên nhiều lần.
Cuối tháng 7-2009, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Vạn Phước (TP Hồ Chí Minh) đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất muối tinh và các sản phẩm có liên quan tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Dự án này có quy mô sản xuất 10 nghìn tấn muối tinh/năm và sản xuất muối mỹ phẩm khoảng một triệu sản phẩm các loại mỗi năm...
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bước khởi động, tiềm năng sản xuất muối và từ muối ở Ninh Thuận vẫn còn rất lớn. Vấn đề là Ninh Thuận phải đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối; tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương để cùng phát triển vùng nguyên liệu muối, cũng như chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến muối; tranh thủ sự giúp đỡ của T.Ư để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế sản xuất muối ở địa phương, góp phần bảo đảm nhu cầu muối cho cả nước.
(Theo Bài và ảnh: DƯƠNG HỒNG LÂM/Nhândân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com