Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phan Thiết đối phó tình trạng "biển lở"

Gần một tuần nay, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp triều cường, sóng lớn ven bờ, làm cho gần một trăm căn nhà ở khu phố 5, phường Ðức Long, TP Phan Thiết (Bình Thuận) sập và bị đe dọa. "Biển lở" là cách gọi của bà con địa phương đối với hiện tượng này và đây không phải là lần đầu họ đối mặt. Các cơ quan chức năng của thành phố đang tập trung đối phó tình trạng này nhằm ổn định đời sống nhân dân...
 
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 11-1, tại nhà ông Ngô Hữu Dương ở khu phố 5, phường Ðức Long, TP Phan Thiết (Bình Thuận), anh Trần Thanh Tuấn, chân phải bó bột trắng toát, nét mặt đầy vẻ đau đớn, kể lại: "Nhà tôi không bị biển lở ảnh hưởng, nhưng tôi xuống đây giúp cậu tôi (ông Dương) vì nhà đang bị biển đe dọa. Khoảng 9 giờ, khi đang cùng mọi người kè chống, bất thần một cây cột của nhà bên cạnh ngã đổ... may mà chỉ bị gãy rạn xương má chân phải".
 
Tranh thủ lúc thủy triều chưa lên cao, nhiều bà con ở khu phố 5 đã khẩn trương dùng bao cát, bạt ni-lông, đóng cọc tràm... để bảo vệ phần còn lại của những ngôi nhà bị nước biển "ăn" sát đến chân tường. Với những nhà đã sập hẳn, bà con tranh thủ đập phá bê-tông, cố gắng nhặt nhạnh một số vật liệu còn sót lại.
 
Ðứng sát mép nước, anh Nguyễn Văn Sanh thúc giục người thân khẩn trương hoàn tất mái kè tạm bằng bao cát và bạt ni-lông. Anh Sanh cho biết: "Nước biển đã lấn vào gần sát nhà tôi rồi, không biết đến đêm nay có còn "trụ" được không. Sáng nay, phường có cấp cho nhà tôi bạt ni-lông và 170 bao đựng cát, tôi đầu tư 500 nghìn đồng mua bao cát, cọc tràm, dây, để cừ tạm, chứ chẳng biết làm gì hơn?".
 
Tại trụ sở khu phố 5, chúng tôi nhận thấy có mặt hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phường Ðức Long và các ngành liên quan của Phan Thiết. Tại đây, bà con liên tục đến nhận thêm bao đựng cát để về kè chống. Chủ tịch UBND phường Ðức Long Dương Thị Diệu, cho biết: "Từ hôm qua đến nay, thành phố và phường đã cấp cho bà con hơn 23 nghìn bao đựng cát, 339 m2 bạt ni-lông để bà con chống chọi lại với biển dữ. Thành phố cũng đã chi thêm gần 100 triệu đồng để gia cố kè bằng cừ tràm mà trong mùa biển lở năm trước đã chi hơn 117 triệu đồng để xây dựng". Cũng theo bà Diệu, gần một tuần nay, biển đã lấn sâu vào đất liền gần 20 m và kéo dài gần 600 m thuộc địa bàn các tổ dân phố  của khu phố 5, làm sập hoàn toàn 29 căn nhà và đang đe dọa gần 70 nhà nằm sâu trong đất liền.
 
"Thực ra, tất cả những gì mà thành phố, phường và bà con đang chống chọi với biển cũng chỉ là giải pháp tình thế. Phải tính chuyện lâu dài, chứ không thể để cứ đến mùa gió bấc hằng năm, lại phải đối phó "biển lở" - Chủ tịch UBND phường Ðức Long cho biết thêm như vậy.
 
Theo Bí thư Ðảng ủy phường Ðức Long Võ Văn Ninh, giải pháp lâu dài là phải tổ chức tái định cư cho toàn bộ số hộ dân sống ven biển, ven sông thường xuyên bị biển đe dọa. Mặt khác, tỉnh cần đầu tư để nối dài thêm kè vĩnh cửu ở phía đông khu phố 5 khoảng 800 m nữa...
 
Trong mùa đông năm trước, đã có 40 hộ dân ở khu phố 5 phải chuyển đến khu dân cư mới Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi (Phan Thiết). Những hộ còn lại, phường Ðức Long và thành phố Phan Thiết đang tiếp tục xem xét. Tất nhiên, trước mắt, không chỉ phường Ðức Long, TP Phan Thiết, mà tỉnh Bình Thuận cũng đang tập trung hỗ trợ số bà con bị ảnh hưởng do biển lở tạm thời ổn định cuộc sống khi Tết đã đến rất gần. Chủ trương chung của Bình Thuận là "Nhà nhà đều có Tết, mọi người đều được vui Tết".
 
Ðối với những bà con của 29 nhà bị sập hoàn toàn, nếu chưa tìm được chỗ ở, phường sẽ liên hệ bố trí trú tạm tại cơ sở chế biến nhân hạt điều nằm trên địa bàn phường. MTTQ tỉnh Bình Thuận cũng đã hỗ trợ mỗi nhà bị sập một triệu đồng. Một số tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh Bình Thuận cũng đã liên hệ với Phan Thiết để hỗ trợ cho số đồng bào bị biển lở...
 
Theo kinh nghiệm của bà con địa phương, tối 11 và 12-1 (ngày 16 và 17 tháng Chạp Mậu Tý) là thời điểm thủy triều lớn nhất. Hy vọng, bà con khu phố 5, phường Ðức Long sẽ vượt qua nạn biển lở của năm nay và mong sao, vào dịp giáp Tết sang năm, bà con không còn lo lắng về nạn biển lở.
 

(Theo nhân dân)

  • Hà Nội thu 41 tỷ đồng vi phạm quản lý kinh tế
  • Thái Nguyên cần huy động các nguồn lực để trở thành trung tâm kinh tế lớn
  • Năm 2009, tổng mức bán lẻ của Hà Nội dự kiến tăng 25%
  • Hội thảo “Phát triển kinh tế biển, đảo ở các tỉnh duyên hải miền Trung”
  • Năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến đạt 1,1 tỷ USD
  • TP Hồ Chí Minh: Đìu hiu thị trường xe ô-tô
  • Hậu Giang trên chặng đường mới
  • Trình độ sản xuất của các doanh nghiệp ở TPHCM: Chỉ có 1% công nghệ hiện đại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi