Những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Phú Yên tăng nhanh về số lượng. Song, để DNVVN phát triển, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh việc đòi hỏi DN phải nỗ lực hơn nữa, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.
DNVVN tăng nhanh
Với sự ra đời của Nghị quyết 14 Hội nghị T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và gần đây Quyết định 236/2006/TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh Phú Yên đã có chương trình hành động hỗ trợ phát triển DNVVN, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ đó, hằng năm, trên địa bàn tỉnh có từ 200 đến 300 DN ra đời; chỉ tính chín tháng qua, toàn tỉnh đã thành lập mới 246 DN, với vốn đăng ký 1.074,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 27,4%, số vốn tăng 36,4%. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 DNVVN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng. Ðiều đáng chú ý, nếu năm 2003, vốn của một DN đạt bình quân chưa đến 0,5 tỷ đồng, thì nay đã tăng lên hơn 4,3 tỷ đồng/DN.
Hoạt động của các DNVVN Phú Yên ngày càng đa dạng, mở rộng sang nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế địa phương. Nếu trước đây, hoạt động của các DNVVN chủ yếu ở các lĩnh vực thương mại và xây dựng với quy mô nhỏ, thì nay chẳng những có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, nông, thủy sản xuất khẩu, mà còn có DN kinh doanh dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn, siêu thị với quy mô khá lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Mặt khác, để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhiều DN đã chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, hệ thống kiểm soát về vệ sinh an toàn sản phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)... Nhờ đó, nhiều sản phẩm của Phú Yên khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu như cá ngừ của doanh nghiệp tư nhân Vinh Sâm, hàng may mặc của Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Cavina, gỗ mỹ nghệ, ván sàn của Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc cho biết: Hầu hết DN của Phú Yên là nhỏ và vừa, nhưng các DN này đang tạo ra giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chiếm 58,8% GDP của tỉnh, đóng góp hơn 30% ngân sách địa phương, giải quyết việc làm gần 50.000 lao động với thu nhập bình quân 1,33 triệu đồng/người/tháng. DN còn tích cực tham gia các chương trình xã hội từ thiện của địa phương, mỗi năm ủng hộ hàng tỷ đồng vào quỹ ủng hộ người nghèo, xóa nhà ở tạm, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó...
Những khó khăn cần được hỗ trợ
Tuy DNVVN ở Phú Yên phát triển nhanh về số lượng, nhưng trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ giữa năm vừa qua, khối DN này đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Có không dưới 15 DN thua lỗ, phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc chấp nhận phá sản, giải thể, làm cho 1.165 lao động mất việc làm. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Phú Yên mới đây, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% số DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Khó khăn mà DN Phú Yên đang phải đối mặt là năng lực cạnh tranh còn hạn chế do phần lớn DN chưa xây dựng được thương hiệu, chưa khẳng định được uy tín trên thị trường. Nguồn vốn tự có của các DNVVN tuy có tăng lên, song chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong hoạt động thương mại của hầu hết DN còn hạn chế. Ðội ngũ những người quản lý DN mới thành lập tuy có trình độ song chưa được đào tạo bài bản và chưa được tập hợp vào các tổ chức Hội nghề nghiệp hoặc Hội Doanh nhân. Một số DN chưa thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, vi phạm các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, vệ sinh, an toàn lao động... Trong khi đó, việc quản lý DNVVN của ngành chức năng chưa chặt chẽ, công tác "hậu kiểm" chưa được thường xuyên nên chưa nắm chắc tình hình hoạt động của DN.
Trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các DN, nhất là những DNVVN. Ðể DNVVN tiếp tục phát triển, bên cạnh đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của bản thân từng DN, cần có sự hỗ trợ giải quyết từ phía Nhà nước đối với những khó khăn, tồn tại nêu trên. Cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện khung chính sách "đồng hành cùng doanh nghiệp", tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hội nhập kinh tế cho DN; hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN, giúp DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
(Theo NGUYÊN TRƯỜNG // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com