Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Trị khai thác lợi thế hành lang kinh tế Ðông - Tây

Đổi thay ở Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Quảng Trị.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có các giải pháp khai thác lợi thế hành lang kinh tế Ðông - Tây (EWEC) như tổ chức hội thảo khoa học; lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thu hút đầu tư; chủ động tham gia chương trình hợp tác trên tuyến hành lang; ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội gắn với EWEC... Tuy đã thu được những thành tựu bước đầu, nhưng để khai thác lợi thế này vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Triển vọng


Hành lang kinh tế Ðông - Tây, sáng kiến này được đưa ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng tổ chức tại Manila (Philippines) nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanmar, Thái-lan và Việt Nam. Hành lang dựa trên tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km đi qua 13 tỉnh của bốn nước, từ Myanmar nối liền bảy tỉnh đông bắc Thái-lan, Sa-va-na-khet (Lào) và ba tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng của Việt Nam.

Quảng Trị là tỉnh "đầu cầu" của EWEC phía Việt Nam, nên đã xây dựng chương trình hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực như tổ chức thông xe tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Ðen-sa-van và tại các cặp cửa khẩu khác giữa Lào và Thái-lan vào ngày 11-6-2009. Ðây là một bước hiện thực hóa các cam kết giữa Bộ Giao thông vận tải ba nước Việt Nam, Lào, Thái-lan theo Hiệp định ký ngày 23-8-2007. Theo đó, các phương tiện của Việt Nam, Lào, Thái-lan được cấp phép vận tải đường bộ qua lại ba nước trên tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây; cho phép áp dụng cơ chế hải quan quá cảnh và kiểm tra một cửa, một lần dừng tại cửa khẩu nhằm hạn chế việc kiểm tra thông thường, giảm thời gian chờ đợi và làm thủ tục, tạo thuận lợi cho phương tiện và hàng hóa lưu thông trên tuyến hành lang này.

Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây, đến nay Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã có bước phát triển, nhiều tiềm năng lợi thế đã được khai thác. Tổng nguồn vốn đầu tư hơn 340 tỷ đồng, diện tích rộng 150 ha, có kết cấu hạ tầng hoàn thiện gồm điện lưới, hệ thống cáp quang, viễn thông, quốc môn, nhà ga cửa khẩu, cùng các hệ thống siêu thị, chợ trung tâm đồng bộ và liên hoàn. Hiện khu kinh tế này đã có hơn 250 doanh nghiệp hoạt động, với 50 dự án sản xuất kinh doanh, có tổng số vốn gần 2.300 tỷ đồng. Một số nước như Thái-lan, Trung Quốc đã có dự án đầu tư, với số vốn đăng ký 32 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng cho biết: Lao Bảo sẽ trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo, gặp gỡ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào; là đầu mối các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch giữa ba nước Việt Nam, Lào và Thái-lan. Mục tiêu đặt ra của tỉnh Quảng Trị là thông qua EWEC phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD; hình thành các cụm tuyến du lịch mỗi năm thu hút 50 nghìn lượt khách quốc tế và 150 nghìn lượt khách nội địa; đón đầu các tua du lịch từ tây sang đông đến các khu nghỉ mát ven biển miền trung. Ðể thực hiện tỉnh đã quy hoạch xây dựng hai khu du lịch biển là Cửa Việt và Cửa Tùng. Hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây về phía Quảng Trị đã góp phần mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, đẩy mạnh giao lưu thương mại. Các doanh nghiệp du lịch đã mở các tua, tuyến du lịch trong nước và quốc tế sang Thái-lan, Lào, bước đầu thiết lập quan hệ hợp tác trên một số lĩnh vực với các tỉnh miền trung nước Lào và đông bắc Thái-lan. Ðến nay, các khu du lịch đã thu hút và triển khai thủ tục đầu tư cho 25 dự án, có tổng diện tích 336 ha, với hơn 6.733 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư, trong đó có nhiều dự án đang triển khai xây dựng, với tổng số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Những năm qua, lượng khách đến tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng vào những ngày hè ở biển Quảng Trị lên đến 300 nghìn lượt khách (chưa kể khách trong tỉnh), trong đó có 17 nghìn khách quốc tế, đưa tổng doanh thu kinh doanh đạt gần 500 tỷ đồng.

Ðể theo kịp tốc độ phát triển chung, Quảng Trị đang xây dựng các dự án có tính khả thi cao theo năm mục tiêu EWEC đề ra nhằm kêu gọi nguồn vốn ODA, FDI, bãi bỏ các ''rào cản'' để các nhà đầu tư, khách du lịch thuận tiện xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và Khu kinh tế Ðông - Nam Quảng Trị nhằm tạo ra tuyến vận tải lợi thế tại miền trung trên EWEC đi một số nước và vùng lãnh thổ khu vực Viễn Ðông. Ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Giant Group Limited để phối hợp triển khai các hoạt động khảo sát, thiết kế nhằm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dự án; lập quy hoạch Khu kinh tế biển Ðông - Nam Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy trình Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch quốc gia.

 

 

Siêu thị miễn thuế Thiên Niên Kỷ,Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo.

 

Cần giải pháp mạnh để khơi thông EWEC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng cho biết, có ba điểm mấu chốt để từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế trên tuyến EWEC là tiếp tục nâng cấp quốc lộ 9; cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, thông quan và thông tuyến cầu Hữu Nghị 2 qua sông Mê Công. Cầu Hữu Nghị 2, một bộ phận cốt lõi của EWEC, đã được đưa vào sử dụng, chính thức nối vùng đông bắc Thái-lan và hạ Lào, khai mở sự thông thoáng trên lộ trình dài 1.450 km của bốn nước trong khu vực Ðông - Nam Á (Myanmar, Thái-lan, Lào, Việt Nam). Tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục nâng cấp giai đoạn 3 quốc lộ 9.

Tuy hành lang kinh tế Ðông- Tây đã được khơi thông, nhưng tốc độ phát triển về thương mại, dịch vụ giữa các nước vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Nhiều hội nghị giữa các nước nằm trên EWEC được tổ chức để thảo luận, tìm kiếm các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về thương mại, du lịch, dịch vụ của EWEC, đồng thời đưa ra những sáng kiến hợp tác giữa các nước, đặc biệt là ba nước Việt Nam - Lào - Thái-lan.

Quảng Trị ở điểm đầu nối liền bốn nước Myanmar, Thái-lan, Lào và Việt Nam nên đón nhận nhiều cơ hội hợp tác đầu tư từ hành lang kinh tế Ðông - Tây và là ''cầu nối'' của thị trường hàng hóa dịch vụ trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư của ba nước trên hành lang kinh tế Ðông - Tây còn hạn chế. Ðến nay, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chỉ mới thu hút được ba dự án đầu tư trực tiếp từ Thái-lan, với tổng số vốn 12,6 triệu USD.

Trong quá trình hợp tác, các công ty ở Quảng Trị chưa tranh thủ được những lợi thế, tiềm năng của mình để thiết lập mối quan hệ hợp tác đầu tư; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thông thạo tiếng Thái-lan chưa nhiều; dịch vụ tiếp vận trên tuyến hành lang (nhất là trên lãnh thổ Lào và Việt Nam) còn thiếu, như: Trạm dịch vụ tổng hợp xăng dầu, khu vực nghỉ ngơi, mua sắm, trung tâm sửa chữa, bảo hành xe, các cơ sở phục vụ khách du lịch, gồm nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe và quan trọng nhất vẫn là việc cải cách thủ tục hành chính, chính sách cửa khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thu hút đầu tư còn hạn chế. Qua khảo sát liên ngành hành lang kinh tế Ðông - Tây vào tháng 9-2008 do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, đã chỉ ra nguyên nhân chưa phát huy được hiệu quả kinh tế của EWEC. Ðó là thủ tục kiểm hóa, thông quan còn rườm rà; chi phí vận chuyển cao do tồn tại nhiều loại phí dọc đường, thời gian hàng chờ đợi lâu; thiếu các dịch vụ tiếp vận (trạm nghỉ, kho trung chuyển, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật...) dọc hành lang. Vì vậy, trong thời gian tới, Quảng Trị nói riêng và các tỉnh, các nước nằm trên EWEC cần phải ''chung tay'' tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông lộ trình phát triển.
 

 

(Theo NGUYỄN VĂN HAI // Nhân dân điện tử)

  • Khởi công dự án cầu Cửa Đại - Hy vọng đổi thay một vùng duyên hải
  • Khởi công dự án nâng cấp QL2C qua địa phận Tuyên Quang
  • Tây Nguyên hùng vĩ vẫn chờ được đánh thức
  • Trạm thu phí xa lộ Hà Nội mới (TP.HCM) hoạt động: Thu phí trước, cầu đường làm sau
  • Bình Dương đang viết tiếp những kỳ tích bằng sức bật công nghiệp
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản
  • Bà Rịa -Vũng Tàu: Giải phóng mặt bằng - bài toán khó về đầu tư
  • Làm gì để "đối mặt" với suy giảm kinh tế : "Chiếc phao" vốn kích cầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi