Ngày 26/8/2009, TP. Cần Thơ long trọng tổ chức kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và công bố TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
![]() |
Nhân sự kiện này, Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ xung quanh công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Cần Thơ hướng tới mục tiêu là một đô thị phát triển bền vững, trở thành trung tâm đô thị hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thưa ông, việc TP. Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương sẽ có tác động ra sao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả vùng ĐBSCL?
Việc nâng cấp TP. Cần Thơ lên đô thị loại I phản ánh quy luật khách quan về sự phát triển đô thị, phù hợp với nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhằm phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tương xứng với vị thế của một đô thị có vai trò làm trung tâm đô thị hóa của vùng ĐBSCL.
Được công nhận đô thị loại I, TP. Cần Thơ sẽ được định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp về mọi mặt theo các tiêu chí cao hơn, qua đó sẽ mang lại bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại và một cuộc sống tốt, tiện nghi hơn cho các cư dân đô thị. Đồng thời, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò chức năng là đô thị trung tâm, có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng.
TP. Cần Thơ đạt chuẩn đô thị loại I cũng sẽ góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị của vùng ĐBSCL theo quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đã được phê duyệt. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị sẽ được đầu tư nhiều hơn và đồng bộ theo hướng xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng tăng lên… là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư nhiều vào Thành phố và khu vực, tạo sức bật mới cho cả khu vực ĐBSCL.
Kết quả tổng hợp đánh giá các chỉ tiêu phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, TP. Cần Thơ đạt bình quân 82 điểm. Như vậy, bên cạnh các chỉ tiêu vượt chuẩn của đô thị loại I thì vẫn còn một số chỉ tiêu Thành phố chưa đạt ?
Kết quả đánh giá chung TP. Cần Thơ đã đủ tiêu chuẩn để được công nhận là đô thị loại I, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, về hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đạt và cần được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp.
Cụ thể: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (trong khu vực nội thành) của thành phố mới đạt 79,64% so với tiêu chuẩn là 85-90%; mật độ đường chính của thành phố đạt 4,06 km/km2 so với tiêu chuẩn là 4,5-5 km/km2, cấp điện đạt 800 kwh/người/năm so với tiêu chuẩn là 1.000 kwh/người/năm, đất cây xanh công cộng trong khu dân dụng là 7,96 m2/người so với tiêu chuẩn là 8 m2/người.
Về thoát nước, mật độ đường cống thoát nước của thành phố là 2,55 km/km2 so với tiêu chuẩn là 4,5- 5 km/km2, tỷ lệ nước bẩn được thu gom xử lý bằng công nghệ thích hợp, thành phố thu gom đạt 50%, chưa qua xử lý so với tiêu chuẩn là 80%. Về rác thải, tỷ lệ rác được thu gom 80%, nhưng hiện còn chôn lấp, chưa được xử lý bằng công nghệ thích hợp, so với tiêu chuẩn là 90%.
Thành phố có giải pháp gì để hoàn thiện một số chỉ tiêu còn chưa đạt nêu trên, thưa ông?
Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I (do lãnh đạo UBND thành phố làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Xây dựng làm Phó ban thường trực, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện làm thành viên) và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.
Nhiệm vụ của Ban là hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn của Trung ương mang tính chất vùng nhằm sớm đưa vào khai thác sử dụng như: mở rộng sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, các tuyến quốc lộ, cụm nhiệt điện Ô Môn, các công trình phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục… nhằm xứng đáng để TP.
Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm và động lực phát triển của vùng; tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư để kịp thời giải quyết nhu cầu cho các dự án phúc lợi công cộng và phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố; hỗ trợ và tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư, các dự án này góp phần rất lớn vào việc tăng tỷ trọng kết cấu hạ tầng nội thị (bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội); tập trung tháo gỡ khó khăn để đầu tư và khai thác các khu công nghiệp (về vốn, cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư…), nhằm giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu về nâng cao tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông đầu mối và thoát nước, cây xanh, rác thải…
Ngoài ra, để xứng đáng là đô thị loại I, không chỉ đơn thuần là đạt các chỉ tiêu cơ học về hạ tầng như quy định mà cần phải đáp ứng các yêu cầu về văn minh đô thị, thể hiện qua các mặt: chính quyền đô thị vững mạnh, nguồn nhân lực, trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí đảm bảo thực thi các quy định quản lý đô thị theo yêu cầu.
Ông có thể cho biết định hướng phát triển không gian đô thị của TP. Cần Thơ?
Theo quy hoạch chung xây dựng TP. Cần Thơ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Cần Thơ là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa của vùng ĐBSCL; là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông; đầu mối quan trọng về giao thông - vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Về định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị, TP. Cần Thơ sẽ phát triển theo các hướng chính như sau: phía Tây Bắc dọc sông Hậu phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Thốt Nốt, khu đô thị - công nghệ cao phía Bắc rạch Ô Môn và khu công nghiệp nặng gắn với cảng phía Nam rạch Ô Môn; phía Đông Nam dọc sông Hậu phát triển khu đô thị - cảng- công nghiệp Cái Răng Nam sông Cần Thơ; phía Tây Nam phát triển khu đô thị sinh thái gắn với các khu bảo tồn tự nhiên sông nước, vườn cây ăn trái; phía Tây phát triển các vành đai nông nghiệp ngoại thành.
Về kiến trúc và cảnh quan đô thị, đối với khu trung tâm đô thị, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tăng tầng cao trung bình; bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị; kết hợp bảo vệ các vùng cảnh quan ven sông Hậu, sông Cần Thơ và các rạch Cái Răng, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc.
Đối với khu xây dựng mới, phát triển kiến trúc hiện đại, cao tầng kết hợp không gian xanh dọc các trục quốc lộ 91, 91B, đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc và tại các khu ở mới. ở khu vực giữ gìn cảnh quan, không xây dựng công trình, cần bảo tồn thiên nhiên và các khu vực sinh thái, bảo tồn các khu sinh thái miệt vườn gắn với sông nước kết hợp thành vành đai nông nghiệp. Riêng đối với khu cảnh quan dọc sông Hậu, tổ chức các mảng cây xanh, mặt nước, kết hợp bố trí một số công trình kiến trúc cao tầng tạo điểm nhấn cho đô thị.
Dự kiến đến năm 2015, dân số TP. Cần Thơ là 1,3 triệu người (trong đó dân số nội thành 700.000 người) và đến năm 2025, dân số toàn Thành phố 1,6 – 1,8 triệu người (trong đó dân số nội thành 1 - 1,1 triệu người).
Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, TP. Cần Thơ thực sự xứng đáng là một “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông”, là thành phố đô thị phát triển bền vững, đời sống nhân dân được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, xứng đáng đảm nhiệm chức năng là trung tâm vùng ĐBSCL theo như Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
(Theo Hữu Phúc// Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com