![]() Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Vietnam. Ảnh: Thanh Hà |
Việc Dự án Sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Vietnam (SEV) đi vào hoạt động được cho là sẽ tạo tiền đề để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu tại Lễ khai trương nhà máy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Sức lan tỏa của Dự án này đối với kinh tế - xã hội địa phương là rất lớn và đây chính là yếu tố căn bản nhất mà dư luận trông chờ ở các dự án FDI.
Có thể nói, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ triển khai dự án của Samsung quả thực rất đáng ghi nhận: ngày 25/3/2008, nhận giấy phép đầu tư; ngày 1/4/2008, khởi công xây dựng nhà máy. Và mặc dù mới chỉ vừa chính thức khai trương, nhưng trên thực tế, nhà máy này đã đi vào sản xuất từ tháng 4/2009, tức là chỉ đúng 1 năm sau khi khởi công xây dựng. Lô hàng đầu tiên được xuất xưởng chỉ khoảng 10 ngày sau đó. Tới ngày 7/7/2009, sản lượng của nhà máy đã đạt 1 triệu sản phẩm/tháng. Tháng 8/2009, xưởng ép và sơn vỏ điện thoại được đưa vào hoạt động.
Hiện nay, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, công suất nhà máy đã đạt khoảng 1,5 triệu sản phẩm/tháng, với hơn 2.000 lao động đang làm việc. Con số này sẽ nâng lên 8.000 - 10.000 người trong thời gian tới. Điều này chắc chắn rất có ý nghĩa đối với những người lao động của địa phương.
Hơn thế, việc SEV đi vào hoạt động được cho là sẽ tạo tiền đề để thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh từ các nhà cung cấp linh kiện cho Samsung trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, ban đầu, Samsung đề xuất với tỉnh Bắc Ninh một dự án có quy mô 100 ha, với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư của Samsung là 670 triệu USD, quy mô 50 ha, phần còn lại là để thu hút các nhà sản xuất vệ tinh. Đó là lý do vì sao dự án của Samsung đã được coi là một trong những hình mẫu mới trong thu hút FDI.
Mặc dù không phải tất cả các nhà sản xuất vệ tinh này đều lựa chọn khu công nghiệp Yên Phong, song Bắc Ninh vẫn là địa điểm dừng chân cuối cùng. 17 nhà cung cấp đã quyết định đầu tư vào Bắc Ninh và cho tới thời điểm này, đã có 6 công ty bắt đầu đi vào sản xuất để cung ứng linh kiện cho SEV. 11 công ty còn lại vẫn đang tích cực để thực hiện dự án của mình.
Một khía cạnh khác cũng cần được nhắc tới, đó là với việc chính thức đưa SEV đi vào hoạt động, Samsung đã có 7 nhà máy sản xuất ĐTDĐ tại 5 quốc gia trên toàn thế giới. Đây cũng là nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam với quy mô cung ứng cho thị trường toàn cầu của Samsung.
“Với lô hàng điện thoại di động xuất khẩu đầu tiên vào tháng 4/2009, SEV đã trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành điện thoại di động của Samsung”, ông Đạo nói và cho biết, theo kế hoạch, vào năm 2012, khi dự án hoàn thiện, nhà máy sẽ có công suất 100 triệu sản phẩm/năm. Và khi đó, SEV sẽ trở thành một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.
Có lẽ, đây cũng là điểm khiến dự án sản xuất điện thoại di động của Samsung được đánh giá cao, giống như dự án sản xuất chipset tại Việt Nam của Tập đoàn Intel. Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, Việt Nam sẽ có mặt trong chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Theo ước tính, năm 2010, doanh số xuất khẩu của SEV có thể đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD, đưa Samsung trở thành doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng đầu ViệtNam. Còn trong năm nay, dự kiến doanh số của SEV là khoảng 300 triệu USD.
(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com