![]() |
Nhiều doanh nghiệp không muốn đấu thầu các tuyến xe buýt vì khó mang lại hiệu quả. Ảnh:Anh Quân |
Nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt tại TPHCM đang phải chịu lỗ khi số tiền trợ giá 700 tỉ đồng năm 2010 vừa được UBND TPHCM quyết định lại không đủ bù chi phí bỏ ra. Do đó, đấu thầu các tuyến xe buýt được coi như giải pháp "cứu" các doanh nghiệp.
Việc đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt không phải là biện pháp mới mà đã được triển khai từ năm 2006. Nhưng sau 3 năm thực hiện mới chỉ có 8 tuyến xe buýt được đấu thầu.
Nguyên nhân nào?
Xăng dầu biến động, giá cả tiêu dùng liên tục tăng và nhân viên lái xe buýt liên tục xin nghỉ việc khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải giảm đầu xe để chuyển hướng đầu tư. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc liên hiệp HTX vận tải TPHCM, tính từ đầu năm 2009 đến nay HTX đã lỗ hơn 15 tỉ đồng, nhiều xe buýt của các xã viên đã chuyển sang vận tải du lịch.
Tại kỳ họp HĐND TPHCM, diễn ra đầu tháng 12 - 2009, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng nói rằng để đảm bảo cho xe buýt hoạt động trong năm 2010, thành phố cần trợ giá 820 tỉ đồng nhưng Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ thông qua mức trợ giá là 700 tỉ đồng; việc đề xuất tăng giá vé từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng để giảm số tiền trợ giá cũng không được chấp thuận.
Như vậy, để “cứu” 3.200 xe buýt đang hoạt động trên 160 tuyến hiện nay, Sở đề nghị UBND TPHCM cho quảng cáo trên xe buýt và cho đấu thầu các tuyến.
Việc đấu thầu các tuyến xe buýt đã được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện thử nghiệm từ năm 2006 nhưng từ khi thực hiện đến nay mới chỉ có 8 tuyến được đấu thầu. Có những tuyến Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức hai lần đấu thầu nhưng không có đơn vị nào dự thầu nên phải hủy tuyến; gần đây chỉ có 2 đơn vị duy nhất tham gia dự thầu là Công ty cổ phần Mai Linh và Công ty TNHH Phương Trang.
Ông Nguyễn Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Trang cho TBKTSG Online biết rằng, đầu tư vào lĩnh vực này khó mang lại lợi nhuận trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục biến động, việc đào đường, dựng “lô cốt” ngày càng tăng khiến lộ trình các tuyến xe buýt liên tục bị thay đổi dẫn đến lộ trình tuyến dài hơn, nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn nên công ty chỉ tham gia đấu thầu với tính chất thăm dò.
Ông Dương còn cho biết, do thiếu những quy định hướng dẫn về đấu thầu trong lĩnh vực vận tải công cộng nên đơn vị chỉ định thầu chỉ vận dụng các quy định thầu chung chung.
Giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia đấu thầu?
Theo giới chuyên gia trong ngành. việc đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, loại dần những đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, quản lý điều hành yếu kém, đồng thời góp phần giảm trợ giá cho ngân sách của thành phố.
Tuy vậy, theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng vận tải công nghiệp Sở Giao thông Vận tải TPHCM, để việc đấu thầu có hiệu quả, năm 2010 thành phố không nên áp dụng đấu thầu đại trà mà chỉ nên tổ chức đấu thầu các tuyến trợ giá mới mở, các tuyến có cường độ hoạt động lớn. Còn về lâu dài ông Tính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần ban hành sớm những quy định riêng về việc đấu thầu các tuyến xe buýt cũng như quy định các định mức về chi phí, giá thành, nhiên liệu để thu hút các đơn vị vận tải tham gia.
Ông Tính cũng cho rằng, việc đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt là một định hướng phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới nếu việc quảng cáo trên xe buýt được thực hiện thì đó là một phương án phù hợp.
(Theo Anh Quân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com