Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TP.HCM: thiếu sân chơi, thừa nhà thiếu nhi

Hơn 1,6 triệu trẻ em tại TPHCM đang thiếu sân chơi trầm trọng, trong khi đó 22 nhà thiếu nhi tại 24 quận huyện lại thiếu vắng người chơi… Nghịch lý ấy đã được đem ra mổ xẻ tại chương trình “Nói và làm” do HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM tổ chức ngày 5.9.


Nhà thiếu nhi TP.HCM xây dựng từ trước 1975, một trong những địa điểm vui chơi giải trí chủ yếu của trẻ em, đang xuống cấp trầm trọng.
Ảnh: Hồng Thái

Nhà thiếu nhi: thiếu và thừa

Theo ông Phạm Ngọc Tuyền, giám đốc nhà thiếu nhi TP.HCM, hiện nay ngoài huyện Hóc Môn và Tân Phú, các quận huyện còn lại đều đã xây dựng được nhà thiếu nhi cho trẻ em.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM cho biết, theo khảo sát về vấn đề trẻ em hiện nay chơi ở đâu thì có đến 69% trẻ em chơi trong nhà, 20% chơi ngoài đường phố, 7% chơi ở công viên, trẻ em ít đến vui chơi ở nhà thiếu nhi. Lý do là nhu cầu vui chơi của trẻ em rất lớn, nhưng các nhà thiếu nhi chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Mặt khác, do cơ sở vật chất của một số nhà thiếu nhi xuống cấp, nhỏ hẹp nên dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng những trò chơi thu hút trẻ em. Chẳng hạn nhà thiếu Bình Chánh đang ở chung với trung tâm Thể dục thể thao huyện và chỉ có 2 phòng (1 phòng làm văn phòng, 1 phòng làm kho); hay nhà thiếu nhi Q.11 xây dựng từ năm 1992 đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa do có chủ trương quy hoạch ở vị trí khác; nhà thiếu nhi Q.4 chỉ là những căn nhà cấp 4; nhà thiếu nhi Q.1 cơ sở vật chất cũng xuống cấp. Thậm chí ngay cả nhà thiếu nhi TP.HCM (xây dựng từ trước 1975) cũng xuống cấp trầm trọng, trong đó có một tòa nhà 2 tầng nằm tại số 2 Tú Xương bị nứt, lún…

Đó là chưa kể, trong đợt giám sát mới đây, Ban văn hóa - xã hội HĐNDTP còn phát hiện một số nhà thiếu nhi được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng nhưng xây xong thì để đó. Điển hình như nhà thiếu nhi huyện Củ Chi, dù cơ sở rất khang trang nhưng cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Hoặc tình trạng nhà thiếu nhi dùng làm bãi giữ xe hơi. Đặc biệt, nhiều nhà thiếu nhi cho thuê mặt bằng làm nhà hàng tiệc cưới, làm trung tâm luyện thi đại học, thậm chí cho thuê mấy trăm mét vuông để bán gốm sứ (nhà thiếu nhi Q. Thủ Đức)…


TP.HCM đang thiếu sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ. Ảnh: Hồng Thái

Công viên chỉ dành cho người lớn!

Theo bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, hiện nay trẻ em tại TP.HCM đang có năm cái thiếu: thiếu thời gian, thiếu chỗ chơi, thiếu đồ chơi, thiếu sản phẩm văn hóa lành mạnh, thiếu người hướng dẫn trẻ em chơi.

Ngoài việc một số nhà thiếu nhi xây xong nhưng không sử dụng hết công năng, không có người chơi; nổi cộm vấn đề sử dụng lãng phí đất công viên. Hầu hết các công viên trên địa bàn TP chủ yếu trồng cỏ, đặt ghế đá cho người lớn đi dạo chứ ít công viên tận dung mặt bằng để tạo các trò chơi cho trẻ em.

Ông Trần Thiện Hà, giám đốc công ty công viên cây xanh TP cho biết, TP.HCM có 100ha đất công viên với 30 công viên. Tuy nhiên, công viên phục vụ cho trẻ em chỉ có 7. Chỉ duy nhất có công viên Tao Đàn là có lắp đặt các trò chơi miễn phí cho trẻ em vì được một doanh nghiệp tài trợ 2 tỉ đồng để xây dựng. Công viên này thường quá tải trẻ em đến chơi vào những ngày cuối tuần. “Thực lòng, nhìn thấy số lương trẻ đến chơi tại công viên này, chúng tôi cũng rất muốn làm thêm tại các công viên khác, nhưng không biết làm như thế nào, luật có cho phép hay không? Kinh phí từ đâu?”, ông Hà cho biết.

Sẽ xây thêm nhà thiếu nhi

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc nhà hát Idecaf, chưa có bất kỳ chính sách ưu đãi về thuế cho những chương trình dành cho trẻ em; kể cả chính sách cho những người công tác với trẻ em.

Tương tự, bà Trần Thị Diệu Thúy, phó bí thư Thành đoàn cho biết phụ trách đội trong các trường học hiện nay có thu nhập trung bình khoảng 2 triệu/tháng, nhân sự tại các nhà thiếu nhi phụ thuộc vào việc xã hội hóa của nhà thiếu nhi ấy (như nhà thiếu nhi TP, lương cũng chi được 3 triệu), còn tại các quận huyện thì lương rất thấp.

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở Thông tin truyền thông nêu rõ: hầu hết các khu dân cư mới hiện nay chưa chú trọng đến việc quy hoạch sân chơi cho trẻ em, dẫn đến tình trạng cả mấy ngàn trẻ em sống tập trung trong một khu dân cư mới nhưng không biết đi đâu chơi; chưa kể tình trạng có sân chơi bên cạnh nhưng không dám ra chơi vì thiếu an toàn…

Giữa hàng loạt cái thiếu ấy, bà Phạm Phương Thảo cho rằng thiếu lớn nhất chính là thiếu nhận thức đối với vai trò quan trọng của sân chơi trẻ em. Trong thời gian tới, HĐNDTP sẽ đề xuất với UBNDTP để có quy hoạch quỹ đất, xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí cho trẻ em; có chính sách miễn giảm thuế, xây dựng thêm những nơi chưa có nhà thiếu nhi, xây thêm một cơ sở 2 của Nhà thiếu nhi TP tại Thủ Thiêm; cần có các giải pháp để khuyến khích sáng tác tranh ảnh, phim, sách cho trẻ em; quan tâm đầu tư đào tạo những con người quản lý, hướng dẫn trò chơi cho trẻ…

(Theo Vũ Nguyên // SGTT Online)

  • Khánh Hoà: trạm cấp nước sạch bỏ hoang, dân xài nước mương
  • Bó tay với nạn bơm hút cát lậu ở sông Tiền
  • Chưa thông qua Đồ án quy hoạch chung Hà Nội
  • TPHCM: Đẩy mạnh tiến trình xây dựng khu công nghệ cao TP
  • Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020
  • Hà Nội có cơ sở sản xuất rau đạt chuẩn VietGap
  • Đua nhau "tính sổ" dân nghèo
  • Khai mạc hội nghị đầu tư và phát triển ĐBSCL 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi