Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển khai dự án phong điện thứ 3: Bình Định quyết tâm phát triển điện gió

“Chúng tôi xác định các dự án phong điện ở Bình Định sẽ là tiền đề để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất năng lượng sạch”. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, phó ban quản lý khu kinh tế Bình Định, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày 20.3 xung quanh việc triển khai các dự án phong điện ở tỉnh này. Ông Toàn cho biết:

Phối cảnh mô hình một nhà máy phong điện tại bán đảo Phương Mai, Bình Định.

Tại Bình Định, riêng khu kinh tế Nhơn Hội đã quy hoạch 283ha ở phía bắc để phát triển phong điện. Hiện nay đã có hai nhà đầu tư đang triển khai hai dự án với tổng công suất hơn 50MW. Ngoài ra, trên đỉnh dãy núi Phương Mai dài 12km, rộng trung bình 0,8km, mới đây UBND tỉnh Bình Định cũng đã chấp thuận cho công ty TNHH Nguyễn Gia nghiên cứu, khảo sát để lập dự án đầu tư với công suất dự kiến 120 – 180MW. Theo tôi, trên địa bàn Bình Định còn nhiều khu vực có tiềm năng phát triển phong điện như ven biển, cụ thể là những vị trí thích hợp thuộc khu du lịch Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, có thể kéo dài về phía bắc của tỉnh hoặc dọc đường Quy Nhơn – Sông Cầu thuộc thành phố Quy Nhơn.

Theo ông, phát triển phong điện có những ưu điểm và hạn chế gì?

Ưu điểm hàng đầu của phong điện là nguồn năng lượng sạch, không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường. Chi phí xây dựng các nhà máy phong điện thấp hơn các loại hình khác, lại dễ chọn địa điểm, có thể đặt ở những vị trí khác nhau với những giải pháp rất linh hoạt, phong phú. Tại Bình Định, các nhà máy phong điện sẽ còn là điểm nhấn cho việc phát triển du lịch trên bán đảo Phương Mai. Các dự án phong điện chỉ có một nhược điểm duy nhất là sử dụng diện tích đất hơi lớn. Tuy nhiên, hạn chế này có thể dễ dàng khắc phục bằng việc tổ chức, phát triển các dịch vụ du lịch phía dưới.

Sức gió ở khu vực Bình Định có đảm bảo cho các nhà máy phong điện hoạt động liên tục không, thưa ông?

Kết quả khảo sát cho thấy Bình Định là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng gió lớn nhất cả nước và đã được đưa vào quy hoạch phát triển phong điện. Thông thường, chỉ cần sức gió 3m/s là các tuabin đã vận hành phát điện; trong khi đó ở nhiều vùng tại Bình Định với độ cao 40m đã có sức gió trung bình 6,2m/s. Hiện nay, hai dự án phong điện đang triển khai ở Bình Định đều có tuabin cao 80m, sức gió sẽ cao hơn nhiều nên luôn đảm bảo để vận hành phát điện. Riêng mỗi khi có bão thì phải ngừng vận hành.

Thế nhưng, vì sao thời gian qua việc triển khai các dự án phong điện ở Bình Định còn chậm?

Bình Định là tỉnh đầu tiên của Việt Nam có dự án phong điện. Từ năm 1997 đã hình thành dự án liên doanh sản xuất điện bằng sức gió, địa điểm được chọn là khu bờ biển bán đảo Phương Mai của thành phố Quy Nhơn và một phần huyện Phù Cát. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc tiến hành xây dựng nhà máy phong điện Phương Mai đã bị trì hoãn nhiều lần. Đến đầu năm 2006, dự án mới chính thức khởi động. Có rất nhiều nguyên nhân khiến dự án triển khai chậm, nhưng vướng mắc lớn nhất là giá thành bán điện cho tổng công ty Điện lực Việt Nam (VNE). Trước đây, VNE chỉ mua với mức giá 4 cent/kWh nên chủ đầu tư các dự án phong điện không chấp nhận. Tháng 12.2010, Thủ tướng đã yêu cầu VNE nâng giá mua điện từ các nhà máy phong điện lên 12 cent/kWh để ưu tiên, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch. Sau khi hoàn thành, các nhà máy phong điện sẽ bán điện trực tiếp cho VNE. Do đó, khi vướng mắc này được tháo gỡ, các dự án phong điện sẽ triển khai nhanh hơn. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định cũng đang thể hiện quyết tâm xây dựng bằng được các nhà máy phong điện để làm tiên phong phát triển năng lượng sạch.

Thưa ông, khi các nhà máy phong điện ở Bình Định đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tình trạng thiếu điện như thế nào?

Thực tế, một trạm phong điện 4kW có thể đủ điện cho một trạm kiểm lâm trong rừng sâu hoặc một ngọn hải đăng xa đất liền. Một trạm 10kW đủ cho một đồn biên phòng trên núi cao, hoặc một đơn vị hải quân nơi đảo xa. Một trạm 40kW có thể đủ cho một xã vùng cao, một đoàn thăm dò địa chất hay một khách sạn du lịch biệt lập, nơi đường dây chưa thể vươn tới được... Trong khi đó, khi các nhà máy phong điện Phương Mai 3 và Phương Mai 1 đi vào hoạt động có tổng công suất 51MW sẽ hoà vào lưới điện quốc gia tổng lượng điện năng gần 150.000MWh. Điều này góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.

Hai dự án phong điện đang triển khai tại Bình Định

• Dự án nhà máy phong điện Phương Mai 3 do công ty cổ phần phong điện Miền Trung làm chủ đầu tư có tổng công suất 21MW với 14 trụ tuabin phát điện, mỗi tuabin có công suất 1,5MW; xây dựng trên diện tích 140ha trên bán đảo Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, có tổng mức đầu tư 575 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, dự án này đang tiến hành giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đang đàm phán mua thiết bị; dự kiến đi vào hoạt động trong quý 2/2011.

• Dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1 do công ty cổ phần phong điện Phương Mai làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích gần 142ha cũng trên bán đảo Phương Mai, có tổng công suất 30MW với 12 trụ tuabin phát điện, mỗi tuabin có công suất 2,5MW. Trong quá trình hoạt động, các tuabine sẽ phát điện với điện áp 0,4kV, sau đó đưa về nhà phân phối, nâng cấp điện áp lên 22kV và đấu nối vào lưới điện 22kV của công ty điện lực Bình Định. Toàn nhà máy phong điện Phương Mai 1 được chia thành hai khu chức năng chính gồm khu sản xuất, phân phối điện và khu phụ trợ. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 880 tỉ đồng, dự kiến triển khai xây dựng trong quý 2/2011 và phát điện thương mại trong quý 1/2012.

(Theo Uyên Thu thực hiện/sgtt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi