Chính phủ đã chấp nhận cấp bảo lãnh tín dụng cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1, một cấu phần của dự án xây dựng trung tâm điện lực Kiên Lương do tập đoàn Tân tạo (ITA GROUP) làm chủ đầu tư, trị giá 6,7 tỷ USD.
Bài toán thiếu điện đã được giải
Việc Tập đoàn Tân Tạo (ITA Group) ký kết với các đối tác chuyên về tư vấn xây dựng các dự án điện như Công ty Black& Veatch (
Hoa Kỳ), Công ty FHDI để xây dựng Nhà máy nhiệt điện trị giá 6,7 tỷ USD lớn nhất Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp điện của ta được mở cửa thực sự với nước ngoài. Nhân dân ĐBSCL thì kỳ vọng, dự án tổng hợp điện-cảng biển này sẽ thúc đẩy kinh tế cực Nam tổ quốc.
Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương đã được Chính phủ cho phép Tập đoàn Tân Tạo thực hiện, quy hoạch với quy mô 4.400 đến 5.200 MW, gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống, phát triển theo 3 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 công suất 1.200 MW; Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 2 công suất 1.200-2000 MW; Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 3 công suất 2000 MW. Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 sử dụng nhiên liệu chính là than nhập (Indonesia hoặc Australia, Liên bang Nga), tổng nhu cầu than đá cho nhà máy là khoảng 3,5 triệu tấn/ năm. Đây là dự án về nhiệt điện lớn nhất Việt Nam (4.400 MW) do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư. Với quy mô như vậy, Trung tâm nhiệt điện này sẽ góp phần giải “cơn khát” điện đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than thể hiện tính hiệu quả về kinh tế bởi nguồn tài nguyên này khá phong phú và là nhiên liệu rẻ so với các loại nguyên liệu khác. |
Dự án thể hiện sự phát triển nội lực, bởi hai ý nghĩa: nguồn lực để phục vụ dự án này được huy động từ Tập đoàn và một phần nguồn vốn trong nước. Sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển “điện năng đi trước công nghiệp một bước”. Để dự án đứng chân vững chủ yếu trên nội lực này được phát triển mạnh ngay trong thời suy thoái.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, dự án này nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025. Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 công suất 2x 600MW là đối tượng được áp dụng điều 3 của quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: các dự án nguồn điện, đường dây đầu nối với hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 do các doanh nghiệp trong nước được đầu tư được thực hiện theo quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Sự vào cuộc của Tập đoàn Tân Tạo đối với một dự án nhiệt điệt quy mô lớn đã gợi mở “mô hình” và hướng đi mới trong giải bài toán thiếu điện. Đó là việc các doanh nghiệp tư nhân nếu được quan tâm và tạo điều kiện đúng mức thì họ hoàn toàn có thể không chỉ tham gia thực hiện các dự án điện nhỏ mà còn có thể tham gia các dự án lớn trong quy hoạch chung, thúc đẩy khai thác các nguồn lực xã hội.
Dự án đỡ đầu phát triển công nghiệp
Các công việc như thiết kế cơ sở hạ tầng cho nhà máy điện , báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác xây dựng tái định cư, giải phóng mặt bằng, thăm dò vùng biển Tây nam để tìm vị trí xây dựng cảng nước sâu; làm việc với các đối tác tài chính nước ngoài để chuẩn bị nguồn vốn cho dự án, đang được tập đoàn hoàn tất. Việc đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA với công ty mua bán điện cũng được tập đoàn hoàn tất hồ sơ bão lãnh vốn vay với Bộ Công thương và Bộ Tài Chính. Do làm tốt các bước chuẩn bị, ngày 23-7- 2009, UBND tỉnh Kiên Giang chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư (số 56121000615) Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương.
Tân Tạo đang nỗ lực để sẵn sàng cho ngày khởi công giai đọan I vào quý IV năm nay. Bà Đặng Thị Hoàng Yến chủ tịch tập đoàn Tân Tạo cho biết, tập đoàn đã cử ông Trần Quang Hạnh- Phó Tổng Giám đốc thường trực tập đoàn bám sát dự án. Tân Tạo đã ký hợp đồng hợp tác với công ty Black & Veatch (Hoa Kỳ - một công ty uy tín hàng đầu về nhiệt điện), công ty FHDI (Trung Quốc- 1 trong 50 công ty hàng đầu thế giới về cảng biển) và công ty tư vấn xây dựng điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Ông Bùi Ngọc Sương- Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp ký cấp giấy chứng nhận đầu tư khẳng định “Sự hiện diện của trung tâm điện lực Kiên Lương cùng cảng Nam Du không chỉ đáp ứng nhu cầu phụ tải đang gia tăng mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo Kiên Giang, tạo nên sức hấp dẫn mới của Kiên Giang trước các nhà đầu tư. Hơn thế nữa , nó sẽ hình thành sự liên kết với các trung tâm kinh tế khác, tạo bước đệm cho công nghiệp toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.